Fintech và những ảnh hưởng
Fintech là viết tắt của cụm từ Financial Technology - nghĩa là công nghệ tài chính, đề cập việc tận dụng sáng tạo công nghệ trong thiết kế và cung cấp dịch vụ tài chính nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn với chi phí rẻ hơn. Khách hàng chủ chốt của Fintech có thể là ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính truyền thống và người tiêu dùng. Các chuyên gia dự báo làn sóng Fintech có thể sẽ quật ngã ngân hàng truyền thống và cảnh báo đã đến lúc ngân hàng nên xem Fintech là đối thủ để có cách ứng phó. Với các start-up và giới trẻ, Fintech ảnh hưởng tích cực thông qua việc gia tăng cạnh tranh, giảm chi phí cho khách hàng. Fintech cung cấp dịch vụ tài chính cho những người có nhu cầu nhưng chưa được ngân hàng truyền thống hỗ trợ. Trong năm 2015, tổng vốn đầu tư vào Fintech trên thế giới đạt mức gần 23 tỷ đô la Mỹ (www.facebook.com/FintechVN). Hiện tại các công ty Fintech (chủ yếu trên thế giới) cung cấp nhiều dịch vụ (nhưng chỉ một số dịch vụ ở Việt Nam) như chuyển tiền quốc tế (transferwise), dịch vụ đánh giá người vay dựa trên phân tích dữ liệu hành vi trên mạng (Lenddo), thanh toán tài chính cho phép các ngân hàng giao dịch trực tiếp với nhau (Ripple).
Theo Global Fintech Survey Report của Pricewaterhouse Coopers, 23% công ty dịch vụ tài chính truyền thống (gồm cả ngân hàng) lo sợ hoạt động kinh doanh có thể rơi vào tay các doanh nghiệp FinTech độc lập; tỷ lệ của riêng khối ngân hàng tham gia khảo sát là 24%. Các doanh nghiệp FinTech tự tin nói rằng họ có thể giành giật được 33% hoạt động kinh doanh của ngân hàng truyền thống.
Sức hút của cấu trúc công nghệ làm thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh
Làn sóng Fintech đã thay đổi hoàn toàn cách họ kinh doanh với việc chối bỏ mô hình kết nối truyền thống doanh nghiệp-ngân hàng, tạo nhiều lựa chọn cho hoạt động fundraising, thanh toán, mua bán với chi phí ít tốn kém nhất. Fintech len lỏi đến lĩnh vực tài trợ tiền, cho vay, thanh toán, quản lý tài sản và đầu tư, thu thập dữ liệu, đánh giá và xếp hạng tín dụng, cho vay, tiền điện tử, quản lý vốn lưu động v.v… Đặc tính chung trong các hoạt động của doanh nghiệp Fintech là xây dựng và triển khai công nghệ giúp thị trường tài chính và các hệ thống trên đó hoạt động hiệu quả hơn, ví dụ gây quỹ nhờ Fintech giúp kết nối các mạnh thường quân chưa bao giờ gặp mặt hay một cú click chuột đầy ma mị – không cần thông qua các nhà đầu tư - có thể thấy dòng tiền chảy đến rất nhanh. Trong lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền transferwise đã thay đổi giải pháp ngân hàng truyền thống vốn mất chi phí cao, giúp khách hàng cá nhân tiếp cận dịch vụ nhanh chóng. Doanh nghiệp Fintech có thể thu về các khoản tiết kiệm lớn nhờ hoạt động linh hoạt hơn ngân hàng. Những len lỏi dù ở quy mô nhỏ của Fintech cũng thúc đẩy đổi mới và thay đổi theo ý muốn. Fintech không chỉ đơn thuần dừng ở việc kiểm tra tài khoản trực tuyến hay thiết lập danh mục đầu tư qua mạng mà còn giúp xử lý các hoạt động tài chính mau lẹ và thuận tiện như gửi email hay lướt web.
Ngân hàng quá lớn để tự làm mới mình và có thể ảnh hưởng gì đến Fintech?
Liệu các ngân hàng quá lớn để đổi mới và thay đổi? Ngân hàng truyền thống có những thế mạnh riêng như quy mô vốn, khách hành truyền thống và tiềm năng, kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực tài chính và cung cấp dịch vụ tiêu dùng tài chính, vay vốn và thẩm định khoản vay, chuyển tiền v.v… Ngân hàng có mạng lưới hoạt động rộng lớn - họ đã và đang trong xu hướng áp dụng công nghệ số trong thanh toán, giao dịch và banking với khách hàng theo hướng xây dựng smart bank. Chắc chắn khi Fintech triển khai các dịch vụ và hoạt động của ngân hàng, bên cạnh những lợi thế về công nghệ, doanh nghiệp Fintech không thể tránh khỏi thách thức và bị ảnh hưởng ngược lại từ ngân hàng. Ở góc độ lợi ích, sự nở rộ các doanh nghiệp Fintech đang đặt ra thách thức cho cả Fintech và ngân hàng. Mâu thuẫn lợi ích là hiển nhiên trong sự cạnh tranh khốc liệt. Khi sự cạnh tranh không được nhìn nhận và giải quyết ở góc độ quản lý nhà nước và hoàn thiện cơ sở pháp lý (thúc đẩy phát triển và đảm bảo tham gia bình đẳng), chắc chắn sẽ không chỉ có xáo trộn xã hội mà còn xung khắc quyết liệt trong giành giật miếng bánh “dịch vụ tài chính”. Ở khía cạnh an toàn tài chính, thị trường sẽ có thêm rủi ro và rất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống nếu không có những quy định phù hợp theo kịp xu hướng phát triển. Vấn đề luật lệ, sự tuân thủ quy định, các thông lệ và chuẩn mực là điều kiện đủ để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa Fintech và ngân hàng.
Cơ hội hợp tác giữa Fintech và ngân hàng và giải pháp cho mẫu thuẫn lợi ích
Fintech và ngân hàng nên hợp tác hay đối đầu? Trở thành đối tác hay đối thủ?
Có thể khẳng định ngay, khi Fintech tham gia thị trường, đầu tiên doanh nghiệp Fintech là đối thủ của ngân hàng. Trong ứng dụng công nghệ, Fintech là chuyên gia nhưng trong kinh nghiệm hoạt động tài chính, thế mạnh là của ngân hàng. Trước Fintech, khái niệm “smart banking” là mục tiêu của nhiều ngân hàng. Nhưng Fintech có thể trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng trong tâm thế tận dụng triệt để kinh nghiệm, nguồn lực và khách hàng. Doanh nghiệp Fintech và ngân hàng phải nhớ mục tiêu chung là phục vụ khách hàng tốt nhất theo cách chuyên nghiệp và đổi mới.
Mô hình hợp tác giữa Fintech và ngân hàng phục vụ cho chiến lược hiện thực hóa giao dịch tài chính trên nền tảng công nghệ cao để ngân hàng trở nên thông minh và hỗ trợ khách hàng tối ưu nhất. Mô hình ấy có thể gọi là “hợp tác cùng có lợi”. Thiếu cấu trúc ngân hàng, Fintech sẽ gặp thách thức trong áp dụng công nghệ vào giao dịch banking; thiếu công nghệ tiên tiến, ngân hàng khó hiện thực hóa giấc mơ smart banking; khi liên kết, thời gian chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa loại hình dịch vụ sẽ giảm xuống, cạnh tranh được đảm bảo, ngân hàng và Fintech vẫn hoàn toàn có khả năng phát huy thế mạnh riêng trong những dịch vụ nhất định mà mình cung cấp. Ngoài ra, người tiêu dùng dịch vụ tài chính - đặc biệt ở Việt Nam - không thể ngay lập tức quay sang Fintech và chối bỏ ngân hàng.
Tại Việt Nam: Fintech mới chỉ bắt đầu và…
Tương lai tươi sáng cho các start-up; cơ hội chia đều
Thị trường Fintech Việt Nam (với số dân truy cập Internet trên 40%, tốc độ tăng thuê bao di động mới tăng mạnh ở nhóm tuổi 15-35) vẫn rất mới mẻ và có tương lai rộng mở. Từ đầu năm 2016, Fintech Việt Nam chứng kiến xu hướng đầu tư nóng nhất cho các start-up trong nước. Không lâu trước đó, doanh nghiệp start-up Việt Nam OnOnPay đã ứng dụng công nghệ cho phép người dùng nạp tiền vào tài khoản điện thoại di động đã nhận được một khoảng đầu tư sáu con số từ Captii Ventures Singapore - đánh dấu sự đầu tư lần đầu tiên vào một doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam. Báo cáo khảo sát Fintech toàn cầu của PwC dự báo thị trường Fintech toàn cầu trong đó có Việt Nam sẽ thu hút khoản đầu tư hàng chục tỷ đô la Mỹ trong 4-5 năm tới và Việt Nam là mảnh đất vàng cho các Fintech start-up. Dư địa cho Fintech khai thác và tiếp cận người dân là rất lớn. Theo Fintechnews.sg, tỷ lệ dân số Việt Nam sử dụng smart phone đạt xấp xỉ 45% nhưng tỷ lệ giao dịch ngân hàng qua smart phone mới chỉ chiếm 4% - là dư địa lớn cho Fintech và ngân hàng khai thác. Đối với dịch vụ chuyển tiền, lượng kiều hối lớn (dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại www.mpi.gov.vn năm 2016 đạt gần 13 tỷ đô la Mỹ) là cơ hội không chỉ cho ngân hàng lâu nay độc chiếm thị phần mà không lâu nữa sẽ chia cho Fintech và ngân hàng. Nếu Việt Nam không tận dụng Fintech, cơ hội sẽ tuột khỏi tay.
Fintech và ngân hàng cần hợp tác chặt chẽ để duy trì niềm tin
Tại Việt Nam trong thời gian ngắn, Fintech chưa thể đứng độc lập hay tự tin kinh doanh các sản phẩm vốn thuộc về thế mạnh của ngân hàng truyền thống bởi:
i) Fintech cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm, lôi kéo và xây dựng mạng lưới khách hàng. Mặc dù Việt Nam là một nước có tốc độ phát triển ngân hàng khá cao, việc tiếp cận và đối tượng tiếp cận được với dịch vụ tài chính vẫn còn hạn chế với khoảng 70% người dân chưa có tài khoản ngân hàng (VEPF 2016), trong khi chưa có khung pháp lý, tư duy hay thói quen tiêu dùng và hiểu biết tài chính của người tiêu dùng hạn chế. Điển hình là “ví điện tử” đã được cấp phép thí điểm từ 2009 nhưng đến hết năm 2015 chỉ có 4 công ty được phép hoạt động chính thức. Đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp giấy phép cho 16 tổ chức phi ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Rõ ràng, số lượng lớn người tiêu dùng Việt Nam ít am hiểu tài chính (unsophisticated financially) và chương trình giáo dục tài chính (financial inclusion) chưa phổ biến là thách thức lớn cho Fintech.
ii) Để hoạt động bình đẳng như ngân hàng, doanh nghiệp Fintech phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp và quy định về quản lý an toàn. Sự tuân thủ thông lệ quốc tế và luật lệ Việt Nam là điều Fintech không thể bỏ qua khi chơi công bằng và lâu dài.
iii) Mâu thuẫn lợi ích trong cạnh tranh sẽ khó giải quyết nếu các bên không hợp tác và đánh giá thế mạnh, điểm yếu của nhau. Fintech không thể coi trọng cấu trúc công nghệ mà bỏ qua kinh nghiệm của ngân hàng; ngân hàng sẽ không dễ từ bỏ thế mạnh và chấp nhận mất thị phần bởi Fintech. Trước đây tồn tại thực trạng công ty chứng khoán và ngân hàng không liên kết với nhau, dẫn tới điều chỉnh khung pháp lý và tạo ra sự hợp tác cộng sinh tất yếu. Ví dụ nhãn tiền khác là công ty thanh toán trực tuyến thiếu kinh nghiệm về ngân hàng nhưng đảm đương chức năng trung gian thanh toán và ôm giữ tiền của khách hàng, đã gây quan ngại về rủi ro và an toàn cho người tiêu dùng.
iv Hợp tác để cùng giải quyết rủi ro tài chính cũng quan trọng không kém việc liên kết để phát huy sự sáng tạo của cấu trúc công nghệ với trí tuệ tài chính. Khi kinh doanh dịch vụ tài chính, cả Fintech và ngân hàng đều không thể phớt lờ rủi ro.
Thương trường là chiến trường nhưng người Việt Nam có câu: “Buôn có bạn, bán có phường”. Đây phải chăng là cơ sở cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp Fintech và ngân hàng vì nó giống như sự đảm bảo trong “câu chuyện” đề xuất nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi từ 50 triệu đồng. Hạn mức trên được duy trì từ 2005 sau lần điều chỉnh từ mốc cũ 30 triệu đồng và đã đến lúc cần được điều chỉnh tăng tiếp để đảm bảo phù hợp với phát triển của hoạt độngngành ngân hàng sau 11 năm. Tuy nhiên, mục tiêu cao hơn là duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng - một sự đảm bảo giúp ngăn chặn tốt hơn khủng hoảng tài chính. Sự liên kết giữa Fintech và ngân hàng đảm bảo cho phát triển bền vững theo chuẩn mực chung của ngành kinh doanh đặc thù này mà không cản trở sự sáng tạo của công nghệ.
Tại Việt Nam, với tốc độ người tiếp cận Internet và các giao dịch mua bán trực tuyến thông qua các thiết bị công nghệ ngày càng phổ biến, đã đến lúc doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng cần tận dụng làn sóng Fintech để có kế hoạch cho riêng mình và nên đặt câu hỏi mình có thể bắt đầu từ đâu, giống như thông điệp của Riksbank : "Thời kỳ của các dạng thanh toán điện tử đã chín muồi tại Thụy Điển". Theo lời khẳng định của Ông Vũ Viết Ngoạn tại VEPF Việt Nam 2016: "Nếu chúng ta không tận dụng Fintech, chính chúng ta sẽ mất đất phát triển. Chính phủ, nếu thấy tiềm năng của Fintech thì cần khẩn trương vào cuộc". Công bằng mà nói, tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ truyền thống, nếu không chịu thay đổi tư duy để cùng chơi cùng hợp tác, mẫu thuẫn lợi ích sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để. Chính phủ cần xây dựng hệ sinh thái Fintech để tận dụng cấu trúc công nghệ trong quản lý tài chính và phục vụ người tiêu dùng. Làm như vậy Việt Nam mới rút ngắn được khoảng cách với thế giới. Dù có hoài nghi về sự đối đầu giữa doanh nghiệp Fintech và ngân hàng, không nên phớt lờ Fintech vì hợp tác cùng phát triển vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các bên. |