Điều này tác động lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng tài chính. Để xử lý, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc nâng cao năng lực giám sát rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng tài chính của các cơ quan chức năng như tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là rất quan trọng.
Fintech và vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Fintech ở Việt Nam hiện chủ yếu tập trung ở 3 mảng dịch vụ là thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P) và huy động vốn cộng đồng.
Trong khoảng một thập kỷ gần đây, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là thiết bị đa phương tiện cầm tay, internet kết nối vạn vật (IOT), trí thông minh nhân tạo (IA) và dữ liệu lớn (Big data) đã dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của fintech. Điều này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra một số thách thức. Trong đó, ở mặt tích cực, fintech làm thay đổi cách cung cấp các dịch vụ tài chính, như giao dịch nhanh hơn, hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn, yêu cầu ít hơn, cấp tín dụng không cần tài sản thế chấp...khiến fintech dễ dàng vươn tới các đối tượng yếu thế trước đây ít có khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính như các hộ gia đình thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy fintech đã góp phần nâng cao tài chính toàn diện và có khả năng giúp phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong và sau khủng hoảng.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính, đặc biệt là fintech đã khiến thị trường tài chính trở nên phức tạp hơn, rủi ro ngày càng nhiều hơn, khó nắm bắt và bị khuếch đại, phân tán trên quy mô và tốc độ chưa từng có. Các sản phẩm fintech thường là sản phẩm trí tuệ cao kết hợp với công nghệ cao, biến đổi khôn lường, nhiều khi vượt xa khả năng nắm bắt và điều chỉnh của các cơ quan có chức năng. Điều này khiến cho fintech trở thành một thách thức đối với thị trường về an ninh mạng và bảo mật thông tin, môi trường và văn hóa kinh doanh, khuôn khổ pháp lý…
Ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính (NTDTC), mặt tiêu cực của fintech càng khiến cho việc bảo vệ trở nên khó khăn và thách thức hơn. Có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng NTDTC lại thường ở vị trí bất lợi và yếu thế so với các chủ thể khác trên thị trường tài chính, đặc biệt là những đối tượng NTDTC thu nhập thấp, không có kiến thức cơ bản về thị trường tài chính nhưng lại chiếm số đông trong xã hội như công nhân, nông dân, người lao động tự do…Bất lợi và yếu thế của NTDTC so với các chủ thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính trong sự phát triển của fintech càng bị khếch đại và thể hiện rõ ở các khía cạnh: Không cân xứng về thông tin; không cân xứng về nhận thức, hiểu biết và sử dụng các công cụ tự bảo vệ và bảo vệ; không cân xứng trong việc tiếp cận các thiết chế và khả năng theo đuổi các thủ tục xử lý tranh chấp và kiện tụng (thường phức tạp và kéo dài)…
Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động fintech ở Việt Nam hiện nay còn đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Các quy định cụ thể như định nghĩa mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, điều kiện thành lập và hoạt động, bản chất và tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là bảo vệ thông tin cá nhân… vẫn chưa được ban hành chính thức. Sự thiếu vắng khuôn khổ pháp lý khiến cho cơ chế bảo vệ NTDTC trong các lĩnh vực cơ bản của fintech hầu như chưa có và cơ chế tự bảo vệ của NTDTC không có cơ sở vững chắc và hiệu quả trong khi các rủi ro rất cao.
Vai trò của BHTG trong việc bảo vệ NTDTC
Bảo vệ NTDTC về cơ bản là bảo vệ các quyền chính đáng và hợp pháp của NTDTC. Ở Việt Nam, quyền của người tiêu dùng được xác lập và quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 không có các quy định riêng cho NTDTC. Đồng thời, các luật về lĩnh vực tài chính như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Chứng khoán, Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)… có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng chưa đầy đủ và thiếu những hướng dẫn cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả các khiếu nại của NTDTC. Việc bảo vệ quyền lợi NTDTC hiện có liên quan đến 5 cơ quan là Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ NTDTC. Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trên cũng chưa rõ ràng và thiếu ràng buộc, vì vậy việc xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính vẫn khá lúng túng. Theo khảo sát của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ở 6 quốc gia khu vực châu Á (Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam) thì hoạt động bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền – một bộ phận quan trọng của NTDTC - tại các tổ chức tham gia BHTG, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Thời gian qua, BHTGVN đã chứng minh hiệu quả vai trò của mình thông qua việc bảo vệ trực tiếp và bảo vệ gián tiếp người gửi tiền, cũng chính là NTDTC. Theo đó, BHTGVN bảo vệ trực tiếp người gửi tiền thông qua chức năng chi trả cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả. Mặt khác, với hoạt động kiểm tra, giám sát rủi ro; tham gia hỗ trợ, ngăn chặn và xử lý đổ vỡ tổ chức tín dụng (TCTD); nâng cao kiến thức tài chính - ngân hàng - BHTG cho NTDTC qua việc tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG…,BHTGVN cũng gián tiếp bảo vệ người gửi tiền.
BHTGVN đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền. Tuy nhiên, các quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của BHTGVN vẫn còn một số bất cập đã làm hạn chế vai trò và tác dụng của BHTG trong bảo vệ quyền lợi của NTDTC như giới hạn đối tượng bảo vệ là người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG và tiền gửi được bảo hiểm chỉ là VNĐ.
Để BHTGVN phát huy tốt hơn vai trò của một thiết chế, một cơ chế bảo vệ người gửi tiền nói riêng và NTDTC nói chung, đặc biệt là NTDTC trong lĩnh vực fintech, theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế về xây dựng BHTG hiệu quả, trong thời gian tới chức năng nhiệm vụ của BHTGVN cần được hoàn thiện theo hướng:
Thứ nhất, nâng cao năng lực bảo vệ NTDTC. Theo đó, cần rà soát để bổ sung vốn điều lệ; nâng cao vị thế, mở rộng chức năng nhiệm vụ của BHTGVN để chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình chi trả sang mô hình giảm thiểu và giám sát rủi ro. Trên cơ sở năng lực và vị thế được nâng cao, BHTGVN cần được tham gia sâu hơn vào việc kiểm tra giám sát rủi ro, hỗ trợ xử lý khủng hoảng các TCTD; có tiếng nói và thẩm quyền lớn hơn trong việc tham gia ngăn chặn và giải quyết đổ vỡ của các TCTD mà không giới hạn là các quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô như hiện nay. Trong quá trình xây dựng mạng lưới an toàn tài chính ở Việt Nam, cần định vị vai trò và chức năng độc lập, chủ động và tích cực của BHTGVN.
Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiêp vụ. Việc ứng dụng công nghệ trong các hệ thống nghiệp vụ như tính phí BHTG, giám sát, chi trả là rất quan trọng và thông qua các chương trình, phần mềm trực tuyến... không chỉ giúp các nghiệp vụ của tổ chức BHTG có khả năng được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác mà còn tiết kiệm nguồn lực hơn so với hình thức nghiệp vụ truyền thống. Hiện nay, BHTGVN đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ như thu thập thông tin giám sát; phân tích rủi ro; xếp hạng tổ chức tham gia BHTG…BHTGVN đã sử dụng công cụ phân tích Oracle Advanced Analysis với các kỹ năng, mô hình phân tích hiệu quả cao dựa trên thông tin giám sát từ Ngân hàng Nhà nước và cơ quan giám sát, từ các tổ chức tham gia BHTG và những đơn vị cung cấp thông tin; đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS) giúp tin học hóa toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN, qua đó tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn hệ thống. Từ đó, bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Thứ ba, nghiên cứu và từng bước mở rộng đối tượng của BHTG. Với các sản phẩm tài chính fintech, vấn đề quan trọng đầu tiên là cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý quản lý các hoạt động fintech để xác định rõ chủ thể tham gia, phương thức, sản phẩm dịch vụ tài chính mới nào là đối tượng của BHTG.
Thứ tư, nâng cao vai trò của BHTGVN trong giáo dục, phổ cập kiến thức tài chính cho người gửi tiền thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Giáo dục và phổ cập kiến thức tài chính giúp người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các đối tượng yếu thế có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý và tránh được các rủi ro. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc giáo dục và phổ cập kiến thức tài chính cho người gửi tiền trở nên dễ dàng hơn thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Thời gian qua, BHTGVN cũng đã tích cực tuyên truyền chính sách BHTG trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiểu biết của người gửi tiền trong thời gian tới. Việc xây dựng và thực thi chiến lược truyền thông bài bản là vấn đề cần được ưu tiên.
Nhìn chung, fintech là xu hướng phát triển tất yếu khách quan, không thể hạn chế, cấm đoán. Do đó, trước sự phát triển nhanh chóng của fintech, cần có cơ chế để BHTGVN nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong việc bảo vệ NTDTC.