Theo Fitch việc nâng cấp IDR là do kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện; tăng trưởng GDP năm 2017 tăng lên mức 6,8% từ mức 6,2% của năm 2016, được hỗ trợ bởi lĩnh vực sản xuất theo định hướng xuất khẩu và lĩnh vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng.
“Tốc độ tăng trưởng GDP thực trung bình 5 năm của Việt Nam vào cuối năm 2017 là 6,2%, vượt xa mức trung vị của (xếp hạng) “BB” là 3,4%. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng (của Việt Nam) sẽ đạt 6,7% trong năm 2018, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, trong khi sản xuất và chi tiêu tiêu dùng cá nhân tiếp tục mở rộng”, Fitch cho biết.
Như vậy, Việt Nam sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và nhanh nhất trong số các nền kinh tế được xếp hạng “BB”.
Một điểm tích cực nữa cũng được Fitch ghi nhận là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ, với dự trữ ngoại hối đã tăng lên 49 tỷ USD trong năm 2017 (tương đương khoảng 2,5 tháng nhập khẩu), từ mức 37 tỷ USD vào cuối năm 2016, được hỗ trợ bởi dòng vốn chảy vào lớn và thặng dư tài khoản vãng lai.
“Sự gia tăng dự trữ ngoại hối cung cấp một cú đệm chống lại những cú sốc bên ngoài”, Fitch đánh giá và dự báo, “dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 66 tỷ USD vào cuối năm 2018, tương đương với khoảng 3,1 tháng nhập khẩu”.
Một điểm sáng nữa là Chính phủ Việt Nam đã duy trì cam kết của mình trong việc giảm nợ và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, tổng nợ của chính phủ (GGGD), theo tính toán của Fitch dựa trên các số liệu ước tính chính thức, đã giảm xuống còn 52,4% GDP vào cuối năm 2017 từ mức 53,4% của năm 2016; trong khi các khoản bảo lãnh của chính phủ giảm xuống còn 9% GDP vào cuối năm 2017 từ 10,3% vào cuối năm 2016.
Kết quả là, nợ công của Việt Nam (nợ chính phủ bao gồm cả bảo lãnh) giảm xuống 61,4% GDP vào cuối năm 2017 từ mức 63,6% GDP vào cuối năm 2016, và vẫn thấp hơn mức trần nợ của chính quyền 65% GDP.
Theo các tính toán nợ và thâm hụt của Fitch, phù hợp chặt chẽ hơn với tiêu chuẩn kế toán tài chính của Chính phủ (GFS), nợ của chính phủ nói chung có thể giảm hơn nữa và giảm xuống dưới 50% GDP vào năm 2019, được hỗ trợ bởi số tiền thu được từ chương trình cổ phần hóa.
“Chúng tôi dự báo thâm hụt ngân sách trong năm 2018 (theo thâm hụt điều chỉnh của chúng tôi, gần với tiêu chí GFS) sẽ thu hẹp xuống còn khoảng 4,6% GDP từ mức khoảng 4,7% trong năm 2017”.
Mặc dù vậy, Fitch cũng lưu ý, ngành Ngân hàng Việt Nam vẫn còn yếu về cấu trúc như bộ đệm vốn mỏng và lợi nhuận yếu; chất lượng tài sản thực cũng có thể yếu hơn so với con số báo báo. Bên cạnh đó, nhu cầu tái cấp vốn của ngành ngân hàng vẫn là một rủi ro cho nợ có chủ quyền. Ngoài ra, mặc dù hiệu quả kinh tế được cải thiện có khả năng giảm thấp việc hình thành nợ xấu, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng nhanh cũng có thể gây ra rủi ro cho sự ổn định tài chính trong trung hạn...
Cũng theo Fitch, mặc dù mức nợ của chính phủ thấp hơn, tuy nhiên rủi ro nợ tiềm ẩn phát sinh từ các vấn đề tồn tại tại các doanh nghiệp nhà nước lớn vẫn là một điểm yếu đối với tài chính công của Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số bền vững nợ bên ngoài vẫn được đảm bảo và tỷ lệ nợ ưu đãi cao trong tổng nợ nước ngoài là một thế mạnh của Việt Nam…, tuy nhiên với mức thu nhập bình quân đầu người tăng, Việt Nam đã “tốt nghiệp” việc tài trợ ưu đãi theo Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới trong năm 2017. Điều đó sẽ làm tăng chi phí vay nợ của Việt Nam trong tương lai...
Một điểm lưu ý nữa là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và các chỉ số phát triển con người vẫn yếu hơn so với mức trung vị. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức 2.335 USD vào cuối năm 2017, thấp hơn so với mức trung vị của xếp hạng “BB” là 5.884 USD...
Các xếp hạng chính của Fitch: - IDR ngoại tệ dài hạn được nâng lên “BB” từ “BB-”; triển vọng ổn định |
Hoàng Nguyên (http://thoibaonganhang.vn)