Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) (NQ 42), Thống đốc NHNN nhấn mạnh vai trò của VAMC trong thời gian tới là rất quan trọng, không chỉ giải quyết các món nợ xấu đang tồn đọng tại VAMC, mà còn phải hỗ trợ tích cực các TCTD đẩy nhanh quá trình XLNX. VAMC sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông về vấn đề này.
Ông có thể cho biết những thành quả mà VAMC đã thu được kể từ khi thành lập đến nay?
Chúng ta thành lập VAMC nhằm giải quyết nợ xấu của các TCTD trong bối cảnh sau khủng hoảng. Vì nếu xử lý ngay một lúc số nợ xấu đó, nhiều TCTD không đủ năng lực tài chính để giải quyết dẫn đến hệ lụy không chỉ đối với từng ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Do vậy, một khối lượng nợ xấu của các TCTD được chuyển sang VAMC để xử lý, giúp họ có thêm thời gian để khắc phục, xử lý vừa tiếp tục có thêm nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động đến thời điểm này, tổng số nợ xấu VAMC mua về xấp xỉ 290 nghìn tỷ đồng và đã xử lý gần 60 nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 8.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch dự tính. Tuy nhiên, so với số nợ mua về thì số nợ đã xử lý được vẫn còn khá khiêm tốn do trong quá trình XLNX, cũng như các TCTD, VAMC gặp nhiều vướng mắc ở các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng, đến tài sản đảm bảo…
NQ 42 có tháo gỡ được những vướng mắc mà VAMC gặp phải trong quá trình XLNX không, thưa ông?
Tôi nghĩ là NQ 42 sẽ tháo gỡ về cơ bản những vướng mắc của VAMC trong khi thực hiện giải quyết nợ xấu. Cái lớn nhất, cũng là vướng mắc tác động trực tiếp đến bản thân ngành Ngân hàng là khẳng định quyền chủ nợ và tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho cả VAMC, TCTD trong XLNX.
Bên cạnh đó, NQ 42 có quy định rất quan trọng đó là cho phép VAMC, TCTD được mua bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách. Đây là trở ngại rất lớn đối với VAMC cũng như TCTD trong thời gian qua bởi nó liên quan đến trách nhiệm người cho vay.
6 tháng đầu năm 2017, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 8.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch dự tính |
Thông thường một khoản nợ có giá trị 10 đồng, nếu bán đi thu về được 7 đến 8 đồng, còn 2 - 3 đồng hao hụt sẽ bị quy là làm thất thoát tài sản. Với quy định mới, VAMC, TCTD có thể gạt nỗi lo thất thoát tài sản sang một bên để xử lý khoản nợ xấu theo cơ chế thị trường và thu về số tiền bán được tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế. Dự kiến trong thời gian tới, thị trường này sôi động hơn khi VAMC được bán các khoản nợ cho các đối tượng không phải là DN có chức năng mua bán nợ mà chỉ cần có nhu cầu mua là VAMC được phép bán.
Cái được lớn thứ hai từ NQ 42 là tạo ý thức từ phía khách hàng vay vốn, nhất là khách hàng có nợ xấu tại ngân hàng. Ý thức của khách hàng rất quan trọng trong hợp tác xử lý nợ, khắc phục khó khăn. Trước đây, để xử lý được tài sản đảm bảo, thường là bất động sản phải thông qua con đường tòa án, thời gian xử lý kéo dài, khách hàng có tâm lý chây ì… Với cách giải quyết này, gây tốn thời gian, nguồn lực của tất cả các bên NH, khách hàng đồng thời không xử lý được triệt để.
Một điểm nhấn nữa có ý nghĩa lớn đối với XLNX của hệ thống Ngân hàng đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan cao nhất là Quốc hội đến Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan bảo vệ pháp luật, các địa phương đều ủng hộ chủ trương này. Bởi trước đây khi bàn đến vấn đề XLNX thì mọi người nghĩ đó là việc của riêng NH. Nhưng trên thực tế, NH chỉ là trung gian tài chính, đi vay để cho vay. Có nhiều lý do dẫn đến nợ xấu, cả khách quan và chủ quan. Chính vì thế, sự đồng thuận, trách nhiệm gắn với từng cơ quan liên quan sẽ giúp cho quá trình XLNX được giải quyết đến nơi đến chốn.
Ông kỳ vọng quy định nào tại NQ 42 sẽ tạo lực bẩy cho quá trình XLNX của VAMC nói riêng, hệ thống ngân hàng nói chung?
Như nói ở trên, một trong những quy định ý nghĩa nhất đối với VAMC cũng như TCTD đó là khẳng định quyền của chủ nợ và được xử lý tài sản đảm bảo. Nếu thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Dân sự mới có hiệu lực từ 1/1/2017, thì muốn xử lý tài sản đảm bảo, VAMC, TCTD chỉ có một lựa chọn là phải ra tòa. Theo cách này, từ khi toà thụ lý hồ sơ cho đến khi ra bản án đối với khoản nợ sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí là giám đốc thẩm chuyển qua cơ quan thi hành án dân sự thì trung bình mất thời gian khoảng 3 năm, có những bản án vụ việc phải kéo dài 5 đến 7 năm vẫn chưa xử lý xong.
Bây giờ, với quy định mới tại NQ 42, nếu khoản nợ có đầy đủ điều kiện pháp lý, trong hợp đồng có thoả thuận về tài sản đảm bảo, nếu khách hàng không trả nợ thì buộc phải bàn giao cho chủ nợ chứ không phải qua tòa án. Trừ trường hợp hợp đồng thiếu cơ sở pháp lý thì mới phải ra tòa. NQ 42 cũng cho phép tòa áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp đối với hợp đồng tín dụng cũng như hợp đồng về xử lý tài sản đảm bảo với khách hàng. Với thủ tục rút gọn thì thời gian giải quyết từ 3-6 tháng thay vì vài ba năm như trước đây nên cũng đẩy nhanh tiến độ xử lý rất nhiều.
Sắp tới Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao sẽ có hướng dẫn trình tự rút gọn cụ thể về mặt hồ sơ, thời gian thụ lý… Đối với vấn đề này, tôi muốn lưu ý thêm, về quyền thu giữ nó chỉ là một vế trong quyền định đoạt. Bản chất hợp đồng thế chấp, khi người vay dùng tài sản thế chấp là đã bàn giao toàn bộ quyền định đoạt tài sản cho người nhận thế chấp. Do đó khi NH tiến hành thu giữ tài sản chỉ là hành động thực hiện quyền định đoạt.
Một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều là mua bán nợ theo giá thị trường. VAMC sẽ triển khai như thế nào, thưa ông?
Đúng là hiện tại VAMC đang có thêm cả quyền lực và nguồn lực để thực hiện mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường. Ngoài việc được mua bán nợ xấu dưới giá trị của khoản nợ, VAMC còn được chuyển đổi nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) sang cơ chế thị trường.
Mặt khác, trong Đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với XLNX vừa được Thủ tướng phê duyệt đã cho phép VAMC tăng vốn điều lệ theo lộ trình từ nay đến năm 2020. Cụ thể từ nay đến năm 2018, VAMC được nâng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Và đến năm 2020 vốn điều lệ VAMC tăng gấp đôi, đạt 10.000 tỷ đồng. NHNN sắp ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 19 hướng dẫn chuyển đổi nợ xấu mua bằng TPĐB sang mua theo cơ chế thị trường. Theo kế hoạch, năm nay VAMC được giao mua bán nợ theo giá thị trường với tổng giá mua khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhưng VAMC cố gắng thực hiện gấp hai, ba lần con số đó.
Quy định ý nghĩa nhất đối với VAMC cũng như TCTD đó là khẳng định quyền của chủ nợ và được xử lý tài sản đảm bảo |
Cơ sở để chúng tôi tự tin thực hiện đó là ngoài sự hỗ trợ tích cực từ NQ 42, thời gian qua, VAMC đã rất chủ động, thành lập 4 tổ công tác xử lý nợ để đánh giá phân loại từng khoản nợ của TCTD để có phương án xử lý. Do số lượng cán bộ còn mỏng nên VAMC tập trung phân tích các món lớn có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên. Trong số hơn một nghìn khoản nợ, các phòng ban chức năng của VAMC đã phân tích phân loại chi tiết từng khoản nợ đối với từng TCTD, để nắm rõ thực trạng khách hàng thế nào, giá trị tài sản đảm bảo ra sao từ đó có hướng xử lý cho từng khách hàng. Khách hàng nào thuộc diện được miễn giảm lãi; đối tượng nào phải xử lý thông qua phát mại tài sản, tòa án, thi hành án...
Tại Hội nghị triển khai NQ 42, Thống đốc nhấn mạnh đến vai trò kết nối với bộ ngành nhất là cơ quan tư pháp, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ TCTD xử lý nợ. Nhiệm vụ này sẽ được VAMC thực hiện ra sao?
Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ rất quan trọng VAMC sẽ tập trung thực hiện. Đối với các cơ quan tư pháp, hiện tại, VAMC vẫn duy trì liên hệ thường xuyên với các cơ quan Bộ Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân, Tổng cục Thi hành án. VAMC đã ký hợp tác với Tổng cục Thi hành án, Tòa án… Định kỳ hàng tháng chúng tôi sẽ thống kê những vướng mắc trong quá trình triển khai xử lý nợ xấu, nhất là phản ánh từ các TCTD. Từ đó VAMC sẽ thông báo đến Tổng cục Thi hành án để họ chỉ đạo cơ quan thi hành án cấp dưới tăng cường phối hợp trong XLNX. Hoặc vướng mắc tại Tòa án cũng vậy, VAMC liên hệ Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo tòa các cấp…
Sắp tới, VAMC phối hợp với các TCTD triển khai đầy đủ quyền của chủ nợ, đồng thời xây dựng danh mục các khoản nợ, dự kiến sẽ đề nghị Tòa áp dụng thủ tục rút gọn; xây dựng danh mục phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự, đẩy nhanh tiến độ thi hành án…
Xin cảm ơn ông!
Theo kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017, đối với mua nợ xấu: mua nợ xấu bằng TPĐB: 11.000 - 15.000 tỷ đồng giá trị TPĐB. Mua bán nợ theo giá trị thị trường: tổng giá mua 1.000 tỷ đồng. Đối với XLNX: VAMC thu hồi nợ mua bằng TPĐB: 14.060 tỷ đồng; thu hồi nợ mua theo giá thị trường: 1.050 tỷ đồng… Trong tuần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ có buổi làm việc với NHNN về Phương án nâng cao năng lực XLNX của VAMC. Khi phương án được thông qua, VAMC sẽ triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu như đẩy mạnh mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường, nâng cao năng lực tài chính, nguồn vốn hoạt động, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, mở chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, và đặc biệt là thành lập Trung tâm Đấu giá tài sản… Theo chia sẻ của ông Đông, Trung tâm Đấu giá tài sản của VAMC sẽ thực hiện định giá, đấu giá khoản nợ, tài sản tạo thành một vòng tròn khép kín để khi xử lý khoản nợ, VAMC có thể chủ động xử lý theo phương án tốt nhất. |