GDP luôn là chỉ tiêu thường xuyên được nhắc đến khi nói về một nền kinh tế. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của GDP là gì và liệu quy trình đong đếm GDP đã chính xác?
GDP là chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng được sử dụng rộng rãi khi đánh giá sức mạnh của một nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số này ngày càng bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Chúng tôi xin lược dịch bài viết của tác giả David Pilling đăng tải trên tờ Financial Times bàn luận về sự ra đời cũng như những đặc điểm, hạn chế của chỉ số GDP. Bài viết được chia thành 3 phần.
Giá cắt tóc ở Bắc Kinh có điểm gì chung so với giá dịch vụ tình dục ở London? Câu trả lời khá đơn giản: quy mô nền kinh tế Trung Quốc và Anh sẽ tăng lên hoặc giảm xuống phụ thuộc vào cách mà bạn đo đếm các loại giá cả này.
Hồi tháng 4, các chuyên gia thống kê làm việc dưới sự bảo trợ của Ngân hàng thế giới vừa đưa ra nhận định GDP của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với các số liệu đã được công bố. Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai gần hơn nhiều so với các dự đoán trước đây. Tại sao lại như vậy? Các nhà phân tích đã tính giá quá cao đối với tất cả mọi thứ, từ giá của dịch vụ cắt tóc cho đến một bát mì. Vì vậy, họ cũng đánh giá thấp sức mua của người Trung Quốc cũng như qui mô thật sự của nền kinh tế.
Đến tháng 5, các chuyên gia thống kê của Anh lại đưa ra một kết luận gây sốc. Họ tuyên bố rằng thực chất GDP của Anh cao hơn 5% so với các phép tính trước đó. Điều này giống như tự nhiên bạn phát hiện ra hàng tỷ bảng Anh được giấu sau chiếc ghế sô-pha vậy. Lý do lần này là các nhà thống kê bắt đầu tính đến cả đóng góp của ngành mại dâm và buôn ma tuy vào GDP.
GDP – tổng sản phẩm quốc nội - đã trở thành một thuật ngữ thông dụng trên toàn cầu, đươc sử dụng để đo lường sự thành công của một nền kinh tế. Các quốc gia được đánh giá dựa trên chỉ số GDP. Các chính phủ được hoan nghênh hay bị chỉ trích cũng nhờ vào hiệu quả kinh tế mà các chính sách đem lại và điều này được thể hiện qua GDP. Các chỉ số, từ mức độ nợ cho tới sự đóng góp của ngành sản xuất, cũng được tính trên % GDP.
Vậy định nghĩa chính xác của GDP là gì? Ngoại trừ một số chuyên gia, hầu hết mọi người đều khá mơ hồ về khái niệm này. Càng đi sâu vào phân tích GDP – một trong những ý tưởng quan trọng nhất của xã hội hiện đại – khái niệm này càng trở nên khó nắm bắt.
Diane Coyle – nhà kinh tế học gần đây đã xuất bản cuốn sách cùng chủ đề này – là người bảo vệ quan điểm GDP là một công cụ để tìm hiểu nền kinh tế và nắm bắt những hạn chế của nó. "Không có thực thể nào giống như GDP. Đây là một cấu trúc nhân tạo, một khái niệm trừu tượng bao gồm tất cả mọi thứ, từ dịch vụ làm móng đến bàn chải đánh răng, máy kéo, giày dép, dịch vụ cắt tóc, dịch vụ tư vấn quản lý, dọn dẹp đường phố, dạy yoga, chén đĩa, sách vở cùng hàng triệu dịch vụ và sản phẩm khác", Coyle nói. Những người đo lường GDP không làm những công việc như đo khối lượng của một ngọn núi hay kinh độ trái đất. Thay vào đó, họ đưa ra các con số một cách trừu tượng.
Đáng ngạc nhiên, GDP là một ý tưởng khá mới mẻ. Tài khoản quốc gia đầu tiên tương tự với khái niệm dùng trong xã hội hiện nay được thành lập ở Mỹ năm 1942. Không có gì là lạ khi trước đó các chính phủ có thói quen không bận tâm đến việc đo lường quy mô của nền kinh tế. Cho đến cuộc cách mạng công nghiệp, xã hội nông nghiệp gần như không tăng trưởng. Kích thước của một nền kinh tế vì vậy hầu như phụ thuộc vào qui mô dân số của nước đó. Năm 1820, Trung Quốc và Ấn Độ đóng góp gần một nửa hoạt động kinh tế toàn cầu, nhờ có dân số đông.
GDP "thời sơ khai"
Simon Kuznets là nhà kinh tế học người Mỹ gốc Belarut được coi là đã phát minh ra khái niệm GDP trong những năm 1930. Cựu Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt đã yêu cầu Kuznets đưa ra một bức tranh chính xác cho nền kinh tế nước Mỹ sau giai đoạn khủng hoảng kéo dài. Roosevelt muốn thúc đẩy nền kinh tế thông qua gia tăng chi tiêu công. Phép tính toán của Kuznets cho thấy nền kinh tế đã giảm đi một nửa kích thước từ năm 1929 cho đến năm 1932.
Khi phân tích số liệu, Kuznets tỏ ra rất tỉ mỉ. Nhưng chính xác thì nên đo lường những gì? Kuznets đi theo hướng chỉ tính đến những hoạt động mang lại của cải cho xã hội. Tại sao phải quan tâm đến những thứ như chi tiêu cho vũ khí khi hoạt động này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người? Đồng thời, ông cũng muốn loại trừ các yếu tố như quảng cáo (vô dụng), hoạt động tài chính và đầu cơ (nguy hiểm) và chi tiêu chính phủ (trùng lặp bởi đó cũng là từ thuế mà ra). Có lẽ, ông sẽ rất sửng sốt trước ý tưởng có nhiều hơn ma túy và gái mại dâm lại giúp kinh tế tăng trưởng.
Kuznets đã thua cuộc. Ngày nay, GDP bao gồm cả các giao dịch buôn bán vũ khí và lượng phí mà các ngân hàng đầu tư thu được. Họ không phân biệt giữa nhân tố “có ích” cho xã hội (như giáo dục) và nhân tố “nguy hại” hoặc không phải lúc nào cũng cần (như đánh bạc hay chi phí khắc phục hậu quả sau bão Katrina hoặc để phòng chống tội phạm).
Hạn chế của GDP
Điều quan trọng đầu tiên để hiểu về GDP là đây là thước đo của các dòng chảy hàng hóa liên tục chứ không phải những thứ ở trong kho. Một nước có GDP cao có thể đã tận dụng tối đa tài nguyên cơ sở hạ tầng nhằm tối đa hóa thu nhập. Nước Mỹ với hệ thống sân bay lâu đời và đường xá thiếu hụt là ví dụ tiêu biểu cho lập luận trên.
GDP cũng không tính đến những tài nguyên đã cạn kiệt. Trung Quốc liên tục đạt mức phát triển hơn 10%/năm trong 30 năm gần đây. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự trữ giàu mỏ và khí đốt của nước này. Điều mà các nhà kinh tế học gọi là “nhân tố ngoại lai” (như ô nhiễm môi trường) cũng không được tính đến. Mất bao nhiêu tiền để dọn sạch các con sông bị ô nhiễm và tái phủ xanh các cánh rừng bị đốn trụi dường như không liên quan đến việc tính toán GDP.
Coyle cho rằng GDP "không cung cấp được sự đánh đổi giữa hiện tại và tương lai". Công nghệ hiện đại có thể giúp chúng ta tìm ra giải pháp thay thế các nguồn tài nguyên hữu hạn như kim loại, nhưng GDP không có vai trò gì trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.