Giới chuyên gia cho rằng, việc sớm triển khai mô hình BHTG là cần thiết vì nếu xảy ra đổ vỡ ngân hàng trên diện rộng, BoG sẽ không đủ khả năng can thiệp hoặc xử lý.
Tuy nhiên, theo ông Emmanuel Asiedu-Mante – nguyên Thống đốc BoG, việc áp dụng mô hình BHTG để củng cố niềm tin của người gửi tiền chả khác nào chơi “một canh bạc” bởi thực tiễn quản lý tín dụng tại các ngân hàng ở Ghana bộc lộ rất nhiều nhược điểm, trong đó vấn đề nợ xấu là rõ rệt nhất. Lấy ví dụ trường hợp Tổng công ty BHTG Nigeria, cơ quan này hiện đang chịu nhiều áp lực nợ xấu từ các ngân hàng đổ xuống. Đó là lý do Ghana chưa cần một cơ quan BHTG cho lúc này.
Không nhất trí với quan điểm trên, tiến sỹ Henry Kofi Wampah – Thống đốc BoG cho rằng việc triển khai mô hình BHTG là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và các bên liên quan trong hệ thống ngân hàng. BoG đang triển khai bộ tài liệu chuẩn về hướng dẫn giám sát và xử lý các ngân hàng nhằm tạo khuôn khổ làm việc minh bạch và nhất quán đối với hoạt động can thiệp, xử lý các tổ chức nhận tiền gửi khi xảy ra sự cố.
Hiện BoG đang tích cực củng cố cơ chế quản lý và giám sát các ngân hàng thông qua việc rà soát các văn bản pháp lý hiện hành, đồng thời ban hành các hướng dẫn mới nhằm phục vụ cho việc triển khai mô hình BHTG tại Ghana vào cuối năm 2014.