NHTW Ghana sẽ thành lập Tổng công ty BHTG
Tại Đại hội thường niên lần thứ 33 của Hiệp hội Ngân hàng Ghana (GAB) diễn ra ở Accra, Thống đốc NHTW Ghana (BoG), ông Abdul Nashiru Issahaku nhấn mạnh, việc thành lập Tổng công ty BHTG Ghana rất cần thiết để bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ khỏi những mất mát khi tổ chức nhận tiền gửi bị rút giấy phép hoạt động. BHTG sẽ góp phần ổn định hệ thống tài chính tại Ghana.
Ông Abdul Nashiru Issahaku cho biết, số vốn ban đầu và công tác hậu cần để thành lập Tổng công ty BHTG Ghana sẽ do BoG cung cấp.
Hội đồng quản trị của Tổng công ty BHTG Ghana dự kiến sẽ bao gồm:
- Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ghana hoặc một Phó Thống đốc thay mặt làm Chủ tịch,
- Một đại diện của Bộ Tài chính từ hàm Vụ Trưởng trở lên,
- Giám đốc điều hành của Tổng công ty BHTG,
- Một đại diện từ khối các ngân hàng,
- Một đại diện từ khối các Tổ chức nhận tiền gửi đặc thù,
- Một chuyên gia pháp lý do Đại Hội đồng Pháp lý đề cử, có ít nhất 10 năm kinh nghiệm với vai trò Luật sư tranh tụng
- Một kế toán viên có bằng cấp do Viện Kế toán Cao cấp Ghana đề cử.
Tổng công ty BHTG Ghana được thành lập trên cơ sở pháp lý là Luật bảo vệ tiền gửi được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 7/2016 Tổng thống phê chuẩn.
Cũng theo Thống đốc BoG, cơ chế bảo vệ tiền gửi Ghana sẽ sớm được công bố sau khi Tổng công ty BHTG được thành lập và ban đầu sẽ hoạt động với mô hình chi trả (Pay - box).
Tuy nhiên theo quy định của Luật bảo vệ tiền gửi, cơ chế bảo vệ tiền gửi trong tương lai sẽ được chuyển đổi thành cơ chế BHTG chính thức với quyền hạn mở rộng hơn để giảm thiểu rủi ro và thực hiện các vai trò khác.
Với cơ chế BHTG này, người gửi tiền tại ngân hàng đổ vỡ sẽ được chi trả với mức tối đa là 6.250 Ghana Cedi (GHS) (khoảng 1.580 USD), trong khi người gửi tiền tại các tổ chức nhận tiền gửi đặc thù đổ vỡ sẽ được chi trả với hạn mức là 1.250 GHS (khoảng 316 USD).
Để chính thức đi vào hoạt động, hệ thống BHTG Ghana sẽ được cấp số vốn ban đầu 26 triệu EUR, trong đó 13 triệu Euro sẽ do Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) hỗ trợ thông qua thỏa thuận cho vay và 13 triệu Euro còn lại sẽ do Chính phủ Ghana và Ngân hàng Trung Ương Ghana cung cấp. Nhân sự ban đầu cho hệ thống BHTG này sẽ được điều chuyển từ Ngân hàng Trung ương Ghana.
Ngoài ra, KfW cũng sẽ cung cấp khoảng 1 triệu Euro dưới hình thức tài trợ để tạo điều kiện cho việc thành lập hệ thống BHTG.
Isarel: Xem xét thành lập hệ thống BHTG và cân nhắc phương án tính phí
Trước áp lực ngày càng lớn về mở cửa ngân hàng, Ngân hàng Trung ương Israel (BoI) cuối cùng cũng phải thay đổi chính sách bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ.
Hiện tình trạng đổ vỡ ngân hàng tại Israel hiếm khi xảy ra, và nếu có chỉ xảy ra ở các ngân hàng nhỏ như Ngân hàng Eretz Israel Britannia, Ngân hàng Bắc Mỹ, Ngân hàng Phát triển Công nghiệp và Ngân hàng Thương mại. Những vụ đổ vỡ này đều có nguyên nhân là quản lý yếu kém, gian lận. Do vậy, thiệt hại của người gửi tiền trong mọi trường hợp đổ vỡ đã xảy ra là rất nhỏ. Mặc dù vậy, Nhà nước Israel vẫn đứng ra đền bù cho người gửi tiền, hoàn trả toàn bộ hay phần lớn tiền gửi này.
Đối với những vụ đổ vỡ của một số ngân hàng lớn trong lịch sử, ví dụ vụ đổ vỡ của nhóm các ngân hàng thuộc tốp đầu xảy ra vào năm 1983, bao gồm (ngân hàng Hapoalim, Leumi, Discount và Mizrahi), Chính quyền Isarel thực hiện chính sách bảo đảm ngầm cho toàn bộ tiền gửi của những ngân hàng này ngay cả khi chưa có cơ chế BHTG chính thức. Cho đến nay, Israel đã bỏ ra hàng chục tỷ Shekel Isarel (ILS) (hàng tỷ USD) để chi trả. Theo các chuyên gia, chi phí bảo đảm ngầm tiền gửi là gánh nặng cho quốc gia và cần có một giải pháp cho vấn đề này.
Bộ Tài chính nước này phản đối thành lập hệ thống BHTG chính thức tại Israel với quan ngại rằng, xếp hạng tín dụng của Israel có thể trở lên kém đi và rằng việc cung cấp chính sách BHTG chính thức sẽ gây lo lắng về ngân sách không đủ mạnh để xử lý ngân hàng đổ vỡ.
Trái ngược với quan điểm của Bộ Tài chính, Ủy ban thúc đẩy cạnh tranh ngân hàng Israel đang ủng hộ đề nghị chính thức hóa cơ chế BHTG tại nước này. Theo đó, BHTG sẽ là bắt buộc tại các ngân hàng và hoạt động dựa trên phí người gửi tiền đóng vào quỹ chính phủ. Ủy ban khuyến cáo, cần đặt ra một hạn mức BHTG nhất định, nhưng người giàu sẽ được phép chia tiền thành các khoản nhỏ tại nhiều ngân hàng. Điều này tất nhiên sẽ khuyến khích những người giàu gửi tiền tại các ngân hàng nhỏ, giúp các ngân hàng này có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Đứng sau quan điểm này của Ủy ban thúc đẩy cạnh tranh ngân hàng chính là Ngân hàng Trung ương Israel. Trong vài năm qua, Ngân hàng Trung ương đã thay đổi quan điểm và đồng ý cho thành lập các ngân hàng nhỏ, sau nhiều năm phản đối với lý do những ngân hàng này được quản lý yếu kém và tương đối rủi ro.
Chính bởi vì chính sách này, không có ngân hàng nhỏ nào được thành lập tại Israel kể từ những năm 1970. Hiện nay, tại Israel có tất cả 2 ngân hàng lớn (Hapoalim và Leumi), 3 ngân hàng trung bình (Discount, Mizrahi và First International) và 3 ngân hàng nhỏ (Union Bank, Ngân hàng Jerusalem và Dexia). Hệ thống ngân hàng của Israel tuy nhỏ nhưng ổn định và không mang tính cạnh tranh cao.
Thống đốc NHTW, ông Karnit Flug nhấn mạnh, để đảm bảo tính cạnh tranh, NHTW phải thay đổi chính sách và cho phép nhiều ngân hàng mở cửa hơn nhưng phải đảm bảo rằng chính phủ có chính sách cứu trợ ngân hàng trong trường hợp khó khăn đồng thời cần thiết lập cơ chế BHTG.
Ngân hàng Trung ương Israel xem BHTG như một biện pháp hữu hiệu: giảm nhẹ hậu quả từ sự sụp đổ ngân hàng; cho phép các ngân hàng nhỏ cạnh tranh vì chính sách BHTG giúp công chúng yên tâm gửi tiền tại một tổ chức tài chính nhỏ và kém ổn định hơn.
Việc tính phí BHTG hiện đang được cân nhắc theo 3 phương án: thu phí trên cơ sở rủi ro: ngân hàng nhỏ sẽ có khả năng phải nộp phí cao hơn, do đó phần nào cản trở khả năng cạnh tranh; thu phí đồng hạnh – không phản ánh rủi ro của ngân hàng nhưng thúc đẩy cạnh tranh tốt; và tính phí dựa trên rủi ro của ngân hàng trong tương quan với rủi ro đổ vỡ hệ thống.
Hiện nay, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Israel đang nghiên cứu về các loại rủi ro và các vấn đề về phí BHTG.