Điều 1 Nghị quyết 87 nêu rõ: “Gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ tại Quyết định số 316/QĐTTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile-money), như sau: “Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ được tiếp tục thực hiện thí điểm từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025 ”.
Nghị quyết 87 giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về dịch vụ mobile-money theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, với thời gian kéo dài 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận cung cấp dịch vụ. Quyết định 316 đã tạo cơ sở điều chỉnh, quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm (gồm Viettel, VNPT, MobiFone).
Tiếp theo ngày 18/11/2023, Thống đốc NHNN có Quyết định sửa đổi về thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ mobile-money cho 3 doanh nghiệp thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024.
Hướng tới phổ cập tài chính đến người dân vùng sâu vùng xa
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024 có hơn 10,2 triệu tài khoản mobile money, trong đó khoảng 72% tổng số tài khoản thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Mobile money có thể được hiểu ngắn gọn là tiếp cận dịch vụ tài chính qua điện thoại di động. Về bản chất, mobile money tương tự như ví điện tử (cũng là một dạng tiền điện tử e–money) nhưng khác so với mobile banking (dịch vụ ngân hàng qua di động) ở chỗ mobile banking là công cụ của ngân hàng, kết nối với tài khoản khách hàng để thực hiện các dịch vụ truyền thống như gửi tiền, cho vay, thanh toán... Trong khi, mobile money có thể không kết nối với tài khoản ngân hàng, chủ yếu để thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền với giá trị giao dịch nhỏ.
Mobile money khác biệt lớn nhất với ví điện tử ở chỗ là tài khoản điện tử được mở dựa trên thuê bao di động, dành cho thanh toán hàng hoá, dịch vụ giá trị nhỏ nhưng không nhất thiết phải có tài khoản ngân hàng. Trong khi ví điện tử là tài khoản điện tử được tích hợp trên ứng dụng điện thoại song yêu cầu phải được liên kết với một tài khoản ngân hàng.
Mục tiêu thí điểm mobile money nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Đồng thời tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh TTKDTM trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Mobile money nếu được triển khai rộng rãi sẽ giúp mọi người dân có thể sử dụng dịch vụ tài chính đơn giản, dễ dàng nhất và có thể được thực hiện ở bất kỳ nơi nào nếu như có hạ tầng mạng, thu hẹp dần khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ tài chính đối với người dân, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. Chính phủ cũng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, mobile money là việc sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động. Bởi vậy, theo các chuyên gia, cũng không phải quá lo lắng vấn đề sim rác, bởi những thông tin nào của thuê bao di động định danh rồi mới được mở tài khoản mobile money.
Đảm bảo an toàn thông tin và quyền lợi khách hàng sử dụng dịch vụ
Bên cạnh sự tiện lợi, chi phí thấp, thúc đẩy TTKDTM, việc triển khai mobile money một cách hiệu quả cũng đòi hỏi phải có những biện pháp chặt chẽ bảo mật an toàn thông tin để hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản, đảm bảo quyền lợi khách hàng. Do đó, cần phải có những biện pháp, quy định cụ thể để kiểm soát lượng tiền di động các doanh nghiệp viễn thông cung cấp tương ứng với số tiền khách hàng đã nộp vào. Cộng thêm vào đó, các doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo được dữ liệu để định danh khách hàng sử dụng thuê bao di động là chính xác, hay nói cách khác là chuẩn hoá kho dữ liệu, cập nhật thường xuyên...
Liên quan đến ý kiến cần có mã xác thực hay mã PIN trong mỗi lần giao dịch, một số chuyên gia nêu quan điểm, nếu có cũng được, song không nhất thiết, điều quan trọng là trách nhiệm của các nhà mạng viễn thông và uy tín của họ với khách hàng trong việc bảo mật, an toàn thông tin.
Thực tế, trong quá trình triển khai dịch vụ, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm còn gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận, phát triển khách hàng (chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới từ ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán), đồng thời cần nhiều chi phí cho việc tuyên truyền, quảng bá lợi ích của dịch vụ nhằm thu hút và tạo thói quen cho khách hàng, đặc biệt là để tiếp cận đối tượng khách hàng tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Việc mở rộng thị trường, điểm kinh doanh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng gặp một số khó khăn do khoảng cách địa lí. Số lượng doanh nghiệp tại các khu vực này còn hạn chế, tỉ lệ các doanh nghiệp phù hợp và đáp ứng các tiêu chí để trở thành điểm kinh doanh mobile-money còn thấp.
Hơn nữa, việc nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với dịch vụ mobile-money theo yêu cầu cũng có những khó khăn, thách thức do đây là dịch vụ mới được triển khai thí điểm tại Việt Nam.
Thời gian tới, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ các nội dung liên quan quy định về mục tiêu, phạm vi thực hiện thí điểm, nội dung thí điểm, tổ chức thực hiện, các hành vi bị cấm theo quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg; phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công, các khoản trợ cấp Chính phủ qua dịch vụ mobile-money. Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông cần chú trọng xây dựng ứng dụng an toàn, thuận tiện, dễ sử dụng; xây dựng hệ thống các điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó ưu tiên triển khai thí điểm tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ cần chấp nhận rộng rãi phương thức thanh toán này với các chi phí hợp lí.
Do đối tượng nhắm tới của mobile-money là người dân vùng sâu, vùng xa, nơi hiểu biết về công nghệ còn hạn chế, nên nguy cơ bị tội phạm công nghệ tấn công là rất lớn. Vì vậy, để mobile-money trở thành kênh thanh toán phổ cập, giúp phủ sóng tài chính toàn diện khu vực nông thôn, các nhà mạng cũng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về an toàn, bảo mật.
Bên cạnh đó, các Bộ ngành có liên quan cần xem xét báo cáo Chính phủ để tiến tới cho phép các doanh nghiệp viễn thông được sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối trực tiếp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Việc kết nối trực tiếp giúp cho doanh nghiệp xác thực và định danh khách hàng, theo đó, những thuê bao đã được doanh nghiệp viễn thông thực hiện đối chiếu và xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được phép đăng kí tài khoản mobile-money; từ đó giúp đơn giản hóa thủ tục cung cấp dịch vụ mobile-money cho khách hàng, góp phần triển khai nhanh mobile-money, thúc đẩy TTKDTM.
Hiện nay, Bộ Công an đã nghiên cứu, triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nói chung và nhà mạng, tổ chức cung cấp dịch vụ mobile-money nói riêng. Bộ Công an đã chủ trì làm việc cùng với các nhà mạng xây dựng quy trình, quy chế phối hợp để triển khai thực hiện kết nối làm sạch thuê bao di động, giải quyết tình trạng sim rác trên nền tảng dữ liệu dân cư; cấp tài khoản mobile-money, cấp sim chính chủ gắn với việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.
Hà Linh