Nghiên cứu về khía cạnh đạo đức và xã hội của hoạt động ngân hàng được khởi xướng từ năm 2002 (McDonald, 2015,tr.1), đang giành được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây.
Các ngân hàng cần có kế hoạch và hành động cụ thể
“Quản trị có đạo đức” được hiểu là sự đáp ứng chuẩn mực đạo đức trong hoạt động quản lý. “Quản lý có trách nhiệm xã hội” đề cập tới sự hiểu biết của đội ngũ quản lý về hậu quả môi trường và xã hội của tổ chức mà họ điều hành. Nghiên cứu của Richardson & Chapman (2011) khẳng định điều hành một tổ chức có đạo đức và trách nhiệm xã hội tiêu tốn đáng kể nguồn lực nhân sự và tài chính, nhưng lại mang lại lợi nhuận và tiện ích vượt trội cho chính tổ chức đó và xã hội. Khía cạnh đạo đức và trách nhiệm xã hội liên quan mà một nhà quản lý cần đảm bảo, bao gồm 4 yếu tố: Điều hành yếu tố đầu vào thích hợp; điều hành nguồn cung ứng hàng hóa và dịch vụ thích hợp; điều hành đội ngũ nhân sự thích hợp; và điều hành quan hệ khách hàng thích hợp.
Để điều hành yếu tố đầu vào thích hợp, nhà quản lý cần nỗ lực sử dụng nguồn lực đầu vào sao cho không ảnh hưởng tới môi trường. Nguồn lực đầu vào được sử dụng cho quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ sản sinh các loại chất thải. Dưới áp lực giảm chi phí sản xuất và kinh doanh, nhà quản lý không được phép sử dụng dây chuyền xử lý chất thải phi pháp và rẻ tiền, gây ảnh hưởng tới môi trường.
Để điều hành nguồn cung ứng hàng hóa và dịch vụ thích hợp, đơn vị sản xuất và kinh doanh cần làm việc với nhà cung ứng của họ để đảm bảo rằng nhà cung ứng đáp ứng quy định về tiêu chí đạo đức và xã hội. Nghiêm cấm việc lựa chọn nhà cung ứng dựa trên mối quan hệ cá nhân và các biểu hiện thiếu công bằng trong cung ứng.
Để điều hành đội ngũ nhân sự thích hợp, nhà quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo phương tiện, kỹ thuật và công cụ làm việc đảm bảo sức khỏe và môi trường an toàn, thân thiện cho đội ngũ nhân sự.
Để điều hành quan hệ khách hàng thích hợp, nhà quản lý phải đảm bảo rằng hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho khách hàng đảm bảo chất lượng. Mọi sai sót trong đảm bảo chất lượng hàng hóa và dịch vụ tới khách hàng đều dẫn đến ảnh hưởng xấu từ phía khách hàng (Richardson & Chapman, 2011, tr. 134).
Để đảm bảo 4 khía cạnh trên, mỗi ngân hàng cần có kế hoạch và hành động cụ thể trong cung ứng dịch vụ của mình. Các hoạt động có tính đạo đức ảnh hưởng tích cực tới nâng cao niềm tin đối với ngân hàng, hoạt động từ thiện tác động tích cực cải thiện thương hiệu và nhận diện ngân hàng. Xét về góc độ nhân sự làm việc trong ngân hàng, môi trường làm việc thân thiện đóng góp tích cực cho cải thiện quan hệ tốt đẹp giữa đội ngũ nhân sự, tăng cường sự gắn bó của đội ngũ nhân sự với ngân hàng mà họ đang làm việc.
Một tổ chức hoạt động kinh doanh có trách nhiệm xã hội cần hội tụ yếu tố xã hội, môi trường, quyền con người và những nội dung liên quan tới khách hàng trong sự kết hợp với các đối tác có liên quan (European Community, 2011). Đối tác có liên quan được xác định, bao gồm khách hàng, người lao động, công chúng, người cung ứng, phân phối sản phẩm dịch vụ, và cổ đông. Nội dung phổ cập đảm bảo tính xã hội của tổ chức bao hàm 4 đặc tính cơ bản: tính kinh tế, tính pháp lý, tính đạo đức và tính từ thiện (Carroll, 1979, 1991).
Trong hoạt động ngân hàng, Nwankwo (1991) đề xuất trách nhiệm xã hội của ngân hàng bao gồm trách nhiệm đối với các đối tác có liên quan của ngân hàng: Tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông, duy trì thanh khoản tối ưu cho người gửi tiền, có tín nhiệm đối với người vay vốn, tuân thủ quy định và tài trợ phát triển xã hội. Yếu tố cơ bản trong trách nhiệm xã hội của ngân hàng bao gồm hiểu biết về sự đa dạng của dịch vụ tài chính, quản trị rủi ro, đạo đức kinh doanh, có chiến lược kiểm soát khủng hoảng, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng (Yeung, 2011).
Hoạt động của ngân hàng trong nội hàm thực hiện trách nhiệm xã hội có ảnh hưởng tích cực tới đánh giá của khách hàng đối với ngân hàng trên các khía cạnh giá trị lợi nhuận mang lại cho khách hàng, tính phù hợp về giá dịch vụ, mức độ rủi ro, chất lượng và nhận định về lòng trung thành, niềm tin. Các hoạt động đáp ứng yêu cầu về trách nhiệm xã hội của ngân hàng cho kết quả ảnh hưởng tích cực tới thành quả của khách hàng (McDonald, 2015, tr.17), nhận thức của khách hàng về giá trị, mức phí hợp lý, rủi ro được kiểm soát tốt, chất lượng dịch vụ được đảm bảo, duy trì niềm tin. Điều đó thể hiện giá trị của hoạt động có tính xã hội đối với tác dụng cải thiện mối quan hệ với khách hàng của ngân hàng.
Khía cạnh xã hội đề cập tới mối liên hệ giữa ngân hàng và xã hội, mức độ tích hợp những nội dung xã hội có liên quan trong hoạt động của ngân hàng, ảnh hưởng của hoạt động ngân hàng đối với cộng đồng và ngân hàng đã làm gì đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn. Xét trên khía cạnh kinh tế, nghiên cứu của Wu và Shen (2013) chỉ ra rằng các hoạt động vì cộng đồng của ngân hàng làm tăng chi phí phát sinh cho ngân hàng. Mặc dù vậy, nhờ hoạt động này mà doanh thu ngân hàng tăng nhanh hơn mức tăng chi phí phát sinh. Nghiên cứu của McDonald (2015, tr. 18) cho thấy thực hiện trách nhiệm xã hội có tác dụng tích cực đối với hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là tăng trưởng về lợi nhuận.
Khách hàng phản hồi tích cực về các khởi xướng liên quan tới hoạt động định hướng xã hội của ngân hàng, góp phần nâng cao sự tin tưởng đối với ngân hàng. Chiến lược hoạt động cho mục tiêu xã hội là công cụ quan trọng củng cố niềm tin và hình ảnh của ngân hàng từ khách hàng. Khi khảo sát khách hàng của ngân hàng về những hoạt động định hướng xã hội trong tình huống có khủng hoảng tài chính, Assiouras, Ozgen và Skourtis (2011) cho thấy hiểu biết tích cực của khách hàng về các hoạt động có tính xã hội của ngân hàng mà họ có giao dịch có được nhiều hơn sự đồng cảm và ít hơn sự tức giận.
Hàm ý chính sách
Nghiên cứu về điều hành ngân hàng đảm bảo yếu tố đạo đức và trách nhiệm xã hội ở các nước chậm phát triển được đánh giá còn mờ nhạt và kiêm tốn so với các nước phát triển (Ragodoo, 2009). Cùng với dòng lưu chuyển vốn giữa các quốc gia, yếu tố đạo đức và trách nhiệm xã hội trong quản trị ngân hàng trở thành tiêu chí cốt lõi và cần được phổ cập. Các nước chậm phát triển, nơi tiếp nhận nhiều nguồn vốn đầu tư quốc tế, cần từng bước khởi xướng và chuẩn hóa hai tiêu chí này, là điều kiện tiên quyết thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn quốc tế và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Trong ngắn hạn, đầu tư đáp ứng khía cạnh xã hội có thể phát sinh chi phí đáng kể, trong dài hạn, chính sách quản trị này mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Lợi ích có thể liệt kê, lợi thế cạnh tranh về khả năng huy động vốn và mở rộng thị trường, lợi thế trong tuyển dụng nhân sự tối ưu, tăng uy tín trên thị trường, duy trì và có được nhiều cam kết gắn bó trung thành từ khách hàng truyền thống và thu hút khách hàng mới.
Trong bối cảnh xảy ra nhiều sai sót và khó khăn trong kiểm soát rủi ro ngân hàng, bên cạnh việc bổ sung giải pháp kiểm soát rủi ro phát sinh từ ứng dụng công nghệ tiên tiến, công tác kiểm soát nội bộ của ngân hàng cũng cần được củng cố và nâng cao vai trò, góp phần cải thiện hiệu quả quản trị ngân hàng. Đáp ứng yếu tố đạo đức và trách nhiệm xã hội cần được cụ thể hóa thành tiêu chí đánh giá của công tác kiểm soát nội bộ, giúp nhà điều hành hạn chế rủi ro khi chưa phát sinh.
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà nội
Tài liệu tham khảo
Assiouras, I., Ozgen, O., and Skourtis, G., 2011. The effect of corporate social responsibility on consumers' emotional reactions in a product-harm crisis. American Marketing Association, pp.163-170. [online] Available at: http://www.academia.edu/1140169/the_effect_of_corporate_social_responsibi lity_on_consumers_emotional_reactions_in_product-harm_crisis
Carroll, A. B. (1979). A three-dimensional conceptual model of corporate performance. Academy of management review, 4(4), 497-505
Carroll, A. B. (1991). The pyramid of corporate social responsibility: Toward the moral management of organizational stakeholders. Business horizons, 34(4), 39-48
European Community, 2011.Sustainable and responsible business Corporate Social Responsibility(CSR), [online] Available at: http://ec.europa.eu/enterprise/policies/sustainable-business/corporate-socialresponsibility/index_en.htm
McDonald, Lynette M. (2015) Corporate Social Responsibility (CSR) in banking: what we know, what we don't know, and what we should know
Nwankwo, G. O. (1991). Bank management: Principles and practice. Lagos, Nigeria: Malthouse Press Limited
Ragodoo, N.J.F., 2009. CSR as a tool to fight against poverty: the case of Mauritius Social Responsibility Journal, 5(1), pp.19–33
Richardson, M. & Chapman, S.(2011), Key Concepts in VCE, Business Management (2nd ed), Jacaranda Plus Queensland
Wu, M-W and Shen, C-Hu, 2013. Corporate social responsibility in the banking industry: Motives and financial performance. Journal of Banking & Finance, 37, pp.3529–3547
Yeung, S. (2011). The role of banks in corporate social responsibility. Journal of Applied Economics and Business Research, 1(2), 103-115