Quy định hạn mức bảo hiểm tiền gửi căn cứ vào nhiều yếu tố
Về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi, tại văn bản trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã lý giải chi tiết về cơ sở đưa ra con số hạn mức 75 triệu đồng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể chi trả cho người gửi tiền.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, ngày 15.6, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Việc quy định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tại Quyết định 21/2017/QĐ-TTg được xem xét trên cơ sở: năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam; quy mô tiền gửi; thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền), nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).
Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể. Với hạn mức 75 triệu đồng, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền (theo số liệu tính toán tại thời điểm tháng 6.2016). Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế.
Để nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên trên mức 75 triệu đồng cần phải nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, NHNN cho rằng, việc điều chỉnh tăng phí bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn như hiện nay sẽ tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cũng theo Thống đốc, NHNN sẽ xem xét trình Thủ tướng điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép. Ngoài việc được nhận bảo hiểm tiền gửi chi trả theo hạn mức quy định, khi ngân hàng phá sản, người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại khoản 1 điều 101 Luật Phá sản.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Trong thời gian qua, NHNN đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, trong đó có các quy định về xử lý các ngân hàng yếu kém. Ngày 20/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018. Đây được xem là đạo luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật chủ yếu tập trung vào các nội dung như nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, biện pháp can thiệp sớm các tổ chức tín dụng có dấu hiệu yếu kém và cơ chế xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt…Trong đó, phương án phá sản ngân hàng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, để xử lý TCTD yếu kém, các phương án phục hồi, bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới sẽ được ưu tiên áp dụng, theo đó, không có việc áp dụng ngay phương án phá sản đối với một TCTD yếu kém. Trên thực tế, việc phá sản TCTD yếu kém sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ các tác động và chỉ được áp dụng như là biện pháp cuối cùng khi TCTD yếu kém không có khả năng thực hiện được các phương án khác và phương án phá sản cũng chỉ được thực hiện khi bảo đảm được yêu cầu về xử lý TCTD yếu kém của Đảng và Nhà nước. Hay nói cách khác, việc lựa chọn phương án xử lý đối với một TCTD yếu kém cụ thể, bao gồm cả phương án phá sản luôn được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm đảm các mục tiêu bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống TCTD, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Theo Vụ Pháp chế (NHNN), yêu cầu nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ khi xử lý các TCTD yếu kém là phải bảo đảm các mục tiêu giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống TCTD, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Bên cạnh đó, quy định về phá sản tổ chức tín dụng không phải là lần đầu tiên được đưa vào Luật. Việc phá sản tổ chức tín dụng đã được quy định trong Luật các TCTD 1997, Luật các TCTD 2010 và gần đây nhất được quy định cụ thể trong một chương riêng của Luật phá sản 2014.
Khắc phục bất cập của pháp luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD có sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về xử lý TCTD yếu kém, trong đó có quy định về phá sản TCTD yếu kém nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho phép Chính phủ, NHNN xem xét, áp dụng phương án xử lý phù hợp với thực trạng của từng TCTD yếu kém.
Ngoài ra, một trong các yêu cầu khi áp dụng phá sản TCTD yếu kém là phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Bên cạnh quyền lợi được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả theo quy định, Điều 146 của Luật đã có quy định trao quyền cho Chính phủ được áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Theo đó, để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, Chính phủ có quyền quyết định chi trả tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền cá nhân khi phá sản TCTD. Do vậy, với các quy định của Luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền đã được bảo đảm.