Thúc đẩy đổi thay
Các quốc gia trên thế giới, trong đó không loại trừ Việt Nam đều đang phải đối mặt với những tác động nặng nề ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam có thể sẽ khiến Việt Nam dần trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và kế hoạch hành động nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đối với NHNN, cơ quan điều hành cũng đã có những chính sách về lĩnh vực này như Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Trong Quyết định 1552 cũng nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thiện thể chế về NH và tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng cường năng lực cho hệ thống NH trong thực hiện NH - tín dụng xanh; xây dựng giải pháp thúc đẩy các sản phẩm NH - tín dụng xanh. Đầu năm 2017 và 2018, cơ quan điều hành cũng đã ban hành Chỉ thị trong đó tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành NH thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh tới năm 2020.
Hiểu một cách đầy đủ về tín dụng xanh, chuyên gia cho rằng tín dụng xanh không chỉ dừng lại ở những dự án vì môi trường, mà ngay kể cả những dự án cho vay sản xuất kinh doanh bình thường cũng cần có những điều kiện trong việc sử dụng vốn không gây ảnh hưởng tới môi trường. Nếu theo nghĩa rộng như vậy, vị chuyên gia này cho rằng tín dụng xanh ở Việt Nam còn rất hạn chế. Bởi thực tế, để tuân thủ được đúng theo tiêu chí thì các TCTD phải có những biện pháp bảo vệ môi trường khi sử dụng vốn vay, điều này sẽ tạo ra chi phí có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận. Ngược lại, khách hàng bị ràng buộc với những điều kiện như vậy thì cũng phần nào đó bất lợi cho NH.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, NH cũng như tất cả thành phần kinh tế sử dụng vốn phải hiểu được rằng cái giá phải trả khi xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường sẽ rất đắt cho cả xã hội và nền kinh tế, thậm chí trở thành sai lầm không thể cứu vãn. "Phát triển bỏ qua môi trường, thì tới một thời điểm, chính sự phát triển đó sẽ là tác hại cho nền kinh tế trong tương lai. Lúc đó, chi phí mà Chính phủ cũng như các thành phần kinh tế phải bỏ ra để phục hồi sẽ rất khó đo lường”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Hơn nữa, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng Việt Nam chưa có quy định cụ thể về lĩnh vực xanh, dự án xanh cần ưu tiên hỗ trợ. Nhận thức của các TCTD về tín dụng xanh cũng như rủi ro môi trường, xã hội chưa đồng bộ. Việc thiếu cán bộ được đào tạo chuyên sâu, chuyên trách trong đánh giá rủi ro môi trường; hay sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh còn hạn chế, chưa đa dạng… đều là thách thức khi triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam.
Từ nhận thức tới hành động
Ý thức giữ gìn môi trường là chìa khoá để có một môi trường xanh bền vững. Lý thuyết là vậy, nhưng để thực hiện được hiệu quả lại không phải chuyện dễ, khi phải cân đối với lợi ích về kinh tế. Thời gian gần đây, các NHTM tại Việt Nam đã và đang dần có những sự quan tâm hơn tới trong đầu tư với các dự án môi trường: VietinBank và Techcombank phối hợp cùng IFC xây dựng chương trình tiết kiệm năng lượng cho các DNNVV; BIDV, Agribank, Sacombank và Vietcombank cho vay thí điểm các dự án kinh doanh năng lượng tái tạo, xử lý tái chế rác thải môi trường, giảm thiểu các tác hại từ biến đổi khí hậu; Agribank với nguồn tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp sạch; ABBank tham gia nhóm Sáng kiến Tài chính chương trình Môi trường Liên hiệp quốc… Song chuyên gia nhận định, tín dụng xanh vẫn chưa thực sự lan rộng trong hệ thống các NHTM Việt Nam.
Một trong những nguyên do gây cản trở không nhỏ là nợ xấu. Đơn cử như với những tài sản bảo đảm mà phần lớn là bất động sản trở thành những dự án treo, biệt thự ma… chắc chắn sẽ có những tác hại nhất định tới môi trường xung quanh. Không chỉ nợ xấu, tín dụng xanh muốn phát triển được còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách. Việc kết nối từ chỉ đạo của Chính phủ với cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trong tương quan bảo vệ môi trường cần được đẩy mạnh hơn. Cơ quan chủ quan về tài chính tiền tệ phải có những quy định việc sử dụng đồng vốn được thực hiện ra sao trong việc bảo vệ môi trường. Đối với chính sách tài khoá cũng vậy, những dự án có thể gây tác hại tiêu cực môi trường phải được đánh giá, xem xét kỹ càng. "Chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ phải phối hợp với nhau để đưa ra những quy định bảo vệ môi trường khi đồng vốn của quốc gia và đồng vốn NH được sử dụng”, một chuyên gia kinh tế cho biết.
TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhấn mạnh: vai trò quan trọng của ngành NH trong huy động nguồn tài chính, đặc biệt khu vực tư nhân để thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Theo đó, NHNN có vai trò điều phối trong hình thành khung pháp lý, định hướng và giám sát; đề ra phân loại dự án tăng trưởng xanh; đảm bảo các nguồn tài chính trong nước và bên ngoài.
Trong Dự án Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh - Hợp phần cải cách khu vực tài chính xanh của GIZ phối hợp với NHNN và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, bên cạnh khung chính sách tài chính xanh, các chương trình tín dụng xanh thì có nhắc tới vấn đề trái phiếu xanh. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp huy động vốn cho các dự án sạch được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công. Phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam đã có chủ trương, nhưng vẫn còn ở mức hạn chế.
Ở bối cảnh ngân sách quốc gia còn eo hẹp, phát hành trái phiếu thường được ưu tiên cho những nhu cầu thực tiễn, khẩn trương hơn như xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội, quốc phòng, hạ tầng cơ sở… việc phát hành trái phiếu lo cho vấn đề môi trường xem ra còn khá xa vời. Nhưng thời gian tới, các chuyên gia đều khuyến nghị: đã tới lúc không thể lơ là được, mà bắt buộc phải có những chương trình tài trợ để phát hành trái phiếu xanh, từ đó sản sinh ra nguồn vốn phục vụ cho dự án tăng trưởng xanh.
IFC dự kiến trong năm tài khóa 2018 sẽ huy động được 1 tỷ USD vốn đầu tư dài hạn cho Việt Nam, trong đó trọng tâm là khu vực NH. Hợp tác của IFC đối với NHNN được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đề cập tới tín dụng xanh. |