Sau 5 năm triển khai thực hiện, BHTGVN đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn còn TCTD yếu kém, được đặt vào KSĐB; thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) về việc tăng cường vai trò của BHTGVN trong quá trình xử lý TCTD được KSĐB; với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, vai trò của BHTGVN cần được nâng cao trong quá trình tham gia KSĐB TCTD theo Luật Các TCTD năm 2017.
Kinh nghiệm quốc tế về xử lý TCTD yếu kém
Theo tài liệu Các hướng dẫn thực thi đối với xử lý ngân hàng hiệu quả (Practical Guidelines for Effective Bank Resolution) của World Bank, xử lý ngân hàng được hiểu là một tập hợp các quy trình và biện pháp được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết tình trạng ngân hàng có vấn đề. Xử lý là một hoạt động không thể tách rời với quá trình giám sát ngân hàng, thường đặt ở cuối vòng đời của các ngân hàng khi (và nếu) các biện pháp được thực hiện trong các giai đoạn giám sát tiêu chuẩn và giám sát chuyên sâu (các hành động khắc phục kịp thời và các kế hoạch chính thức) không thể giúp ngân hàng hoạt động bình thường trở lại.
Theo Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hoa Kỳ (FDIC), tiếp nhận và xử lý là việc cơ quan có thẩm quyền giải quyết và tái cơ cấu ngân hàng thông qua việc sử dụng các công cụ, biện pháp xử lý nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng, bao gồm tính liên tục của hoạt động quan trọng của ngân hàng, ổn định tài chính và giảm thiểu chi phí cho người nộp thuế.
Nhìn chung, tiếp nhận và xử lý chính là một loạt các quy trình và biện pháp được thực hiện nhằm giải quyết triệt để các vấn đề của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (TCTGBHTG) theo tín hiệu thị trường nhằm bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền và an toàn hệ thống tài chính trên cơ sở nguyên tắc chia sẻ thiệt hại công bằng, hạn chế tổn thất và giảm tối đa việc sử dụng quỹ công (tiền đóng thuế). Hoạt động tiếp nhận và xử lý thường được thực hiện ở các hình thức: Xử lý riêng lẻ, xử lý khủng hoảng, chủ động tái cấu trúc hệ thống.
Theo nguyên tắc số 14 Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), cơ chế xử lý đổ vỡ hiệu quả cho phép tổ chức BHTG thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định tài chính. Khuôn khổ luật pháp cần quy định cơ chế xử lý đặc biệt.
Thẩm quyền quyết định xử lý TCTD yếu kém thường do các cơ quan chính phủ quyết định và được quy định rõ trong các văn bản luật. Thông thường, thẩm quyền này thường được giao cho Bộ Tài chính hoặc cơ quan giám sát tài chính quốc gia hoặc ở một số nước giao cho Ngân hàng Trung ương. Các cơ quan quản lý cần được trao đầy đủ quyền hạn để xử lý các TCTD yếu kém và cần có quy trình xử lý minh bạch và hợp lý. Các cơ quan này sẽ quyết định việc xử lý theo hình thức nào và giao lại cho một cơ quan thực thi.
Các biện pháp xử lý TCTD yếu kém thường được áp dụng nhiều tại các tổ chức BHTG tiên tiến: Hỗ trợ tài chính (OBA), mua lại và tiếp nhận (P&A), ngân hàng bắc cầu (Bridge Bank), bảo lãnh (Bail-in), thanh lý, chi trả... Việc lựa chọn biện pháp xử lý phụ thuộc vào nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức BHTG vì mỗi tổ chức sẽ được phép áp dụng các biện pháp xử lý khác nhau, phụ thuộc vào khung khổ pháp lý, bối cảnh kinh tế xã hội, đặc điểm riêng của hệ thống tài chính ngân hàng và loại hình TCTD được xử lý.
Theo kết quả khảo sát thường niên của IADI năm 2021 đối với 109 tổ chức BHTG, phương pháp được các tổ chức BHTG trên thế giới áp dụng để xử lý TCTD yếu kém: 88% thanh lý; 86% chi trả; 73% P&A; 67% ngân hàng bắc cầu; 45% bảo lãnh; 42% các phương pháp khác, trong đó có OBA.
Kinh nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC)
KDIC là một trong 5 thành viên mạng an toàn tài chính (Bộ Kinh tế và Tài chính - MoEF, Ủy ban dịch vụ tài chính - FSC, Ngân hàng Trung ương - BOK, Ủy ban Giám sát tài chính- FSS). Cơ sở pháp lý hoạt động chính của KDIC bao gồm: Luật Tái cơ cấu hệ thống tài chính (ASIFI) và Luật Bảo vệ người gửi tiền (DPA).
Nguồn: KDIC cung cấp năm 2021
Sau khi được FSC chỉ định là cơ quan tiếp nhận, KDIC có trách nhiệm giám sát hoạt động, tiếp nhận tài sản và nợ của tổ chức đổ vỡ.
Trong giai đoạn xử lý, KDIC có nhiệm vụ xác định xem tổ chức (có ảnh hưởng hệ thống hay không), tính toán rủi ro, kiểm tra chi phí tối thiểu. Xác định hướng xử lý (đóng hay mở) và biện pháp xử lý. Sau xác định được biện pháp xử lý, KDIC sẽ đệ trình lên FSC phê duyệt. KDIC chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp này.
Nguyên tắc xử lý của KDIC là chi phí thấp nhất và chia sẻ rủi ro đồng đều. Sau khi biện pháp xử lý được phê duyệt, KDIC chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp được lựa chọn.
Theo Luật ASIFI, khi FSC yêu cầu, KDIC có thể hỗ trợ các tổ chức tài chính gặp khó khăn trong cả giai đoạn trước và trong xử lý thông qua các biện pháp như OBA, P&A, ngân hàng bắc cầu, quốc hữu hóa và chi trả tiền gửi. Nguồn vốn lấy từ Quỹ BHTG hoặc Quỹ mua trái phiếu của Quỹ BHTG.
Các phương pháp xử lý được KDIC áp dụng là: Ngân hàng bắc cầu; P&A thông qua bên thứ 3; sáp nhập và mua lại (M&A); tự phục hồi thông qua hỗ trợ tài chính; phá sản/thanh lý (Chi trả tiền gửi). Theo thống kê từ KDIC, M&A thường được áp dụng đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính có quy mô lớn. Phá sản, thanh lý, P&A được chủ yếu áp dụng với các Liên minh tín dụng (Credit Unions) và Công ty cho thuê tài chính (Lease companies).
Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế có thể rút ra một số nội dung sau:
Thứ nhất, trong việc xử lý TCTD yếu kém có quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn, cũng như cơ chế phối hợp của các cơ quan trong quá trình phát hiện sớm các vấn đề của các ngân hàng và tổ chức tài chính, tiến hành xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi cũng như có các hoạt động can thiệp kịp thời. Biện pháp xử lý sẽ được quyết định nếu như các hoạt động can thiệp kịp thời không thành công.
Thứ hai, cơ quan tiếp nhận, chịu trách nhiệm chính thực hiện các phương án xử lý có quyền quản lý tài sản, nợ và hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính đổ vỡ, cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cần thiết.
Thứ ba, cơ chế chia sẻ thông tin được quy định trong luật về quyền tiếp cận, truy cập thông tin từ TCTD và từ các thành viên trong mạng an toàn tài chính kịp thời để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Thứ tư, tổ chức BHTG khi tham gia quá trình xử lý TCTD yếu kém phải được trao đầy đủ quyền hạn, chức năng, công cụ thực hiện và các nội dung này phải được quy định tại văn bản pháp luật.
Thực trạng quá trình tham gia KSĐB các TCTD của BHTGVN
Khoản 13 Điều 13 Luật BHTG năm 2013 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG quy định:“Tham gia vào quá trình KSĐB đối với TCTGBHTG theo quy định của NHNN Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của TCTGBHTG theo quy định của Chính phủ”. Đây chính là cơ sở pháp lý để BHTGVN chính thức được tham gia vào quá trình KSĐB các TCTGBHTG.
Sau khi Luật Các TCTD năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật được ban hành đã tạo lập một khung pháp lý để BHTGVN thực hiện các nhiệm vụ mới trong quá trình tham gia KSĐB.
Một số hoạt động của BHTGVN
Triển khai công tác tham gia KSĐB, BHTGVN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị, điều hành về KSĐB để phù hợp với Luật Các TCTD năm 2017, gồm: hoạt động cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB, tham gia vào quá trình KSĐB đối với TCTGBHTG, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính được KSĐB.
Về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, BHTGVN đã xây dựng và ban hành khung Quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Chi nhánh BHTGVN và Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố và đã thực hiện ký Quy chế làm việc, trao đổi thông tin với Chi nhánh NHNN có QTDND hoạt động trên địa bàn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Trong quá trình tham gia KSĐB, BHTGVN chủ động, tích cực phối hợp với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, Ban KSĐB để xử lý các tình huống phát sinh, tham gia ý kiến đối với phương án xử lý QTDND được KSĐB, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi.
BHTGVN cử cán bộ tham gia Ban KSĐB các TCTGBHTG thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng ban KSĐB và đã tập trung đối chiếu, xác minh số liệu về tiền gửi, lập danh sách người gửi tiền, đặc biệt là hỗ trợ các QTDND được KSĐB thuộc diện ngân hàng thương mại tham gia xử lý thực hiện phương án đã được phê duyệt.
Về hoạt động cho vay đặc biệt, hàng năm BHTGVN xây dựng mức vốn dự phòng nhằm giữ vững thế chủ động nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB đủ điều kiện vay vốn.
BHTGVN còn chủ động nghiên cứu và bảo vệ đề tài cấp BHTGVN và ngành ngân hàng liên quan đến hoạt động KSĐB QTDND được KSĐB. Cùng với đó, các khoá đào tạo về KSĐB cho lãnh đạo, cán bộ phòng ban nghiệp vụ, Chi nhánh BHTGVN liên tục được thực hiện nhằm chia sẻ, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tham gia KSĐB.
Với triển khai đồng bộ các hoạt động trên nên kết quả BHTGVN đã hoàn thành các nhiệm vụ trong quá trình tham gia KSĐB theo quy định của Luật Các TCTD năm 2017, qua đó đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Mặc dù đã chủ động trong công tác KSĐB, BHTGVN vẫn còn gặp một số khó khăn trong hoạt động thực tiễn. Cụ thể:
Một là, các thành viên tham gia ban KSĐB thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng ban KSĐB và chưa có văn bản cụ thể quy định công việc đối với cán bộ BHTGVN là thành viên ban KSĐB. Điều này dẫn đến một số trường hợp được phân công nhiệm vụ chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN hoặc không được tiếp nhận thông tin đầy đủ, không được triệu tập họp tham gia ý kiến.
Hai là, việc cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN đã được quy định tại Thông tư số 34/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, trên thực tế thông tin về KSĐB, BHTGVN được nhận còn hạn chế.
Ba là, việc tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi chỉ dựa trên tình hình thực tế của các QTDND được KSĐB, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về cơ sở, tiêu chí, phương pháp đánh giá phương án phục hồi TCTD được KSĐB. Do vậy, việc tham gia ý kiến đối với phương án phục hồi QTDND được KSĐB còn mang tính chủ quan.
Bốn là, cho vay đặc biệt là hoạt động hỗ trợ TCTD được KSĐB, tiềm ẩn rủi ro không thu hồi được vốn. Tuy nhiên, cơ chế xử lý tổn thất về cho vay đặc biệt chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, công ty tài chính không là đối tượng tham gia BHTG nên trong trường hợp BHTGVN cho vay đặc biệt, không đủ thông tin và cơ sở để thực hiện.
Giải pháp nâng cao vai trò của BHTGVN trong tham gia KSĐB
Để công tác tham gia KSĐB theo Luật Các TCTD năm 2017 đạt hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, BHTGVN cần tiếp tục chủ động nâng cao hiệu quả phối hợp trong hoạt động nghiệp vụ cũng như trình độ nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ thông tin để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của BHTGVN khi tham gia KSĐB. Cụ thể:
Cần liên tục tăng cường tổ chức các khóa đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia KSĐB;
Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa công tác giám sát, kiểm tra, KSĐB, thông tin tuyên truyền;
Hoàn thiện cơ chế quản trị công nghệ thông tin, tăng cường bảo mật và an toàn hệ thống nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của BHTGVN, qua đó tăng cường vai trò của BHTGVN trong công tác tham gia KSĐB;
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, các vụ, cục của NHNN, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố và các ban KSĐB trong việc chia sẻ thông tin về TCTD được KSĐB nhằm tạo điều kiện để BHTGVN thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao;
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để BHTGVN tham gia sâu hơn quá trình cơ cấu lại TCTD được KSĐB.
Về phía NHNN cũng cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy định hiện hành về việc tham gia KSĐB để tháo gỡ các khó khăn nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của BHTGVN trong quá trình này.
Theo đó, NHNN cần có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ BHTGVN khi tham gia Ban KSĐB;
Đề xuất hoặc ban hành văn bản, nội dung quy định cụ thể về cơ sở, tiêu chí, phương pháp đánh giá phương án phục hồi để hướng dẫn các bên liên quan, trong đó có BHTGVN tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi;
Về cho vay đặc biệt, cần có cơ chế giám sát thu hồi hiệu quả và xử lý tổn thất khi khoản vay đặc biệt không được thu hồi. Có văn bản hướng dẫn cụ thể để BHTGVN đủ cơ sở triển khai thực hiện cho vay đặc biệt đối với công ty tài chính khi phát sinh hoặc loại bỏ đối tượng cho vay đặc biệt đối với công ty tài chính từ nguồn của BHTGVN;
Ngoài việc tiếp tục thực hiện các hoạt động hiện nay của BHTGVN trong quá trình KSĐB, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN, BHTGVN cần đề xuất sửa đổi Luật BHTG để tiếp tục tham gia sâu hơn nữa vào hoạt động cơ cấu lại TCTD yếu kém phù hợp với nguồn lực của BHTGVN và thông lệ quốc tế.