Tham dự Hội thảo, về phía NHNN có bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN và các đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC). Về phía Ngân hàng Thế giới (WB) có ông Achim Fock, Giám đốc phụ trách hoạt động và các Dự án tại Việt Nam cùng nhiều đại diện, chuyên gia quốc tế thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG). Đặc biệt, Hội thảo còn có sự hiện diện của bà Beatrice Maser, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam cùng nhiều đại diện lãnh đạo của các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế.
Mục tiêu của Hội thảo là trao đổi kinh nghiệm thực tiễn của WB trong xử lý nợ xấu tại một số nước; các chính sách của NHNN về giám sát, xử lý nợ xấu; các cải cách ngân hàng trong thời gian vừa qua và phổ biến Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của NHNN. Hội thảo được chia thành 4 phiên làm việc, tập trung vào một số nội dung: (i) Các yêu cầu về giám sát các khoản nợ xấu; (ii) Các phương thức tiếp cận trong xử lý nợ xấu; (iii) Kinh nghiệm của các quốc gia về xử lý nợ xấu; (iv) Phát triển thị trường cho các tài sản bị tịch biên để xử lý nợ.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 là cần thiết, khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời là quá trình tiếp nối và kế thừa các kết quả đạt được trong quá trình triển khai Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng đến năm 2020.
“ Hoạt động tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng là quá trình rất khó khăn. Không chỉ ở Việt Nam, các nước trên thế giới khi triển khai xử lý nợ xấu đòi hỏi mất nhiều thời gian, nguồn lực tài chính. Vì vậy, NHNN mong muốn học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cả về thành công lẫn thất bại để từ đó cơ quan quản lý đưa ra những giải pháp phù hợp đảm bảo quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu diễn một cách hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, với sự tham gia đông đủ của các bộ, ngành tại Hội thảo chắc chắn cũng giúp nhiều cho quá trình xử lý nợ xấu. Bởi nợ xấu do nhiều nguyên nhân nên để xử lý được nợ xấu không chỉ ngành Ngân hàng mà sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành là rất cần thiết”- Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng công tác xử lý nợ xấu của các TCTD tại Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được bước đầu thành công. Nợ xấu được kiềm chế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2015 được đưa về mức 2,55% tổng dư nợ tín dụng. VAMC đã phát huy được chức năng của mình trong việc phân bổ chi phí nợ xấy, hỗ trợ cơ cấu lại doanh nghiệp. Qua đó, góp phần xử lý nợ xấu và thúc đẩu tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn lớn đang gây rủi ro đối với sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD tại Việt Nam. Hơn nữa, cơ chế và chính sách về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm vẫn còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ.
Bà Beatrice Maser – Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam đánh giá cao những quyết định chính sách của NHNN trong thời gian gần đây đã đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định, nỗ lực xử lý nợ xấu, nâng cao tính minh bạch khi công bố số liệu nợ xấu. Tuy nhiên, bà Beatrice cho rằng, nợ xấu là rất khó xử lý thấu đáo nếu không có cơ chế điều hành đặc biệt, khung quản lý giám sát cảnh báo sớm rủi ro… Để giải quyết điều này, bà khuyến nghị, chính sách tư duy nhiệm kỳ cần thay thế bằng nỗ lực hành động lâu dài, nợ xấu mua bán theo cơ chế thị trường phải đi song hành với tái cơ cấu dài hạn trên nền tảng giám sát ngân hàng hiệu quả.
Theo TS. Jenniffer Isern – Giám đốc Khối tư vấn tài chính và thị trường phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, vai trò của hệ thống ngân hàng đối với mỗi quốc gia và do đó việc cải cách trong khu vực ngân hàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế. Việc có bước đi cụ thể xử lý nợ xấu, tăng cường giám sát, cảnh báo nợ xấu sớm…sẽ giúp ngân hàng tối đa hoá thu hồi nợ xấu, ít tạo ra tổn thất nhất cho nền kinh tế.
“Xử lý nợ xấu thành công ở Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm hệ thống các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế”. TS.Jenniffer Isern nhấn mạnh và khẳng định WB sẽ cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù, đặc biệt là các giải pháp cải thiện khung pháp lý và giám sát, thiết lập môi trường và hệ thống pháp lý lành mạnh và thuận lợi, hình thành một thị trường mua bán nợ xấu hoạt động hiệu quả.