Lãi suất huy động: đã giảm, nhưng chưa nhiều
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, đã có thêm nhiều nhà băng thông báo giảm lãi suất huy động. Mới đây nhất, Techcombank công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới áp dụng từ 12/6. Lãi suất huy động của ngân hàng này tại tất cả kỳ hạn giảm từ 0,1% đến 0,3%. Cụ thể, với kỳ hạn 1-2 tháng lãi suất là 4,6%/năm, giảm 0,2%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng lãi suất 4,75/năm, giảm 0,2%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn 6-11 tháng được ngân hàng này điều chỉnh giảm 0,3%, xuống còn 5,6%/năm. Kỳ hạn 1-3 năm giảm 0,1%, xuống chỉ còn 6,5%/năm.
LienVietPostBank cũng mới giảm lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng còn 4,6%/năm, kỳ hạn 6-8 tháng giảm xuống 5,1%/năm. Không phải tới thời điểm này, tín hiệu giảm lãi suất huy động mới diễn ra ở các ngân hàng. Mà ngay từ cuối tháng 5, nhiều NHTM lớn như BIDV, VietinBank đã có động thái giảm lãi gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, xét trên tổng thể, giới chuyên gia nhận định: Giảm lãi suất huy động vẫn chưa thể trở thành làn sóng trong hệ thống NHTM. Do đó dù nhiều NHTM đang tích cực triển khai các chương trình, sản phẩm với lãi suất vay ưu đãi cho khách hàng. Song chủ yếu các chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay ở mức ưu đãi thường chỉ được nhà băng áp dụng trong thời gian ngắn. Nên khả năng lãi vay có thể giảm được trên diện rộng được nhận định còn khá ngặt nghèo.Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng việc giảm lãi suất huy động cho thấy nhà băng đang có nguồn cung vốn tương đối dồi dào. Trong tháng 5, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều phiên sụt giảm, cộng thêm thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại khiến dòng tiền quay trở về hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng tăng vốn tự có thông qua IPO cũng hỗ trợ cho lãi suất tiền gửi có cơ hội giảm.
Nguyên do được giới chuyên gia đưa ra một phần tới từ hệ số NIM của ngân hàng hiện đang ở mức khá thấp, nhất là khi các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên 0,5% hồi đầu năm. NIM hẹp không đủ để cho ngân hàng bù đắp chi phí từ vấn đề dự trữ bắt buộc, trích lập dự phòng, tới trích lập cho nợ xấu, rủi ro hoạt động... dẫn đến việc giảm lãi vay là rất khó, dù lãi suất huy động có thể giảm. Kể cả trong trường hợp có điều kiện giảm lãi suất huy động thì cũng chưa chắc ngân hàng đã mặn mà giảm lãi vay, bởi muốn có được biên lợi nhuận phù hợp hơn. Thêm nữa, lãi suất huy động theo quan sát thường chỉ giảm ở những ngân hàng lớn và hạng trung, còn phân khúc ngân hàng có quy mô nhỏ thì khá hiếm.
Giảm tiếp lãi vay: chờ thêm điều kiện
Nhìn rộng ra, hệ thống ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, khi dành sự quan tâm cho việc xử lý nợ xấu thì cũng có thể có câu chuyện một số nhà băng không quá dồn mục tiêu vào việc cho vay, mức cạnh tranh về lãi suất cũng sẽ không quá căng thẳng, nhà băng không nhất thiết phải giảm lãi suất cho vay. Nợ xấu là nguyên do ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của nhà băng. Các ngân hàng phải tính toán cho chuyện này bằng việc giữ lãi suất cho vay ở mức vừa phải, bù trừ cho dự phòng rủi ro cũng như dự phòng nợ xấu.
Một chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng nhắc tới vấn đề chi phí hoạt động của ngân hàng ngày càng cao như: chi phí lao động tăng, đầu tư công nghệ thông tin, chi phí hoạt động... Chính những điều này góp phần khiến cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay khó thực hiện. Ngân hàng dưới áp lực tạo lợi nhuận trả cổ tức cho cổ đông, đặc biệt với những NHTM có nhà nước nắm phần lớn vốn phải đóng góp vào ngân sách nhà nước thì câu chuyện này còn khó khăn hơn.
Năm 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được nhà điều hành đặt ra ở con số 17%. Đây là mức thấp hơn so với năm 2017, nên hạn mức tín dụng của các nhà băng theo đó cũng khó được NHNN chấp nhận nới thêm, và tác động tới cơ hội giảm lãi suất cho vay.
Trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng tăng trưởng tín dụng quá cao là không cần thiết, thậm chí là khá nguy hiểm. Nếu xét trong dài hạn, tăng trưởng tín dụng đôi khi chỉ cần 15-16% đã là tương đối lớn. “Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP quá cao, đến lúc lên tới 200% GDP sẽ là con số rủi ro. Tăng trưởng tín dụng quá cao sẽ ảnh hưởng tới an toàn hệ thống ngân hàng trong tương lai”, TS. Độ cho hay.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng chỉ là một phần. Muốn giảm được lãi vay, quan trọng nhất là phải giảm được lãi suất huy động, và giảm trên diện rộng. Tuy nhiên, lãi suất huy động khó có thể giảm sâu khi mà áp lực lạm phát đang tăng cao.
Lãi suất huy động giảm được, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, lạm phát phải giảm. Xét trên thực tế, CPI tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước đó, là mức cao nhất kể từ năm 2012. Lạm phát 5 tháng tăng 1,34% so với cùng kỳ năm trước. Do đó theo chuyên gia này, kiểm soát lạm phát ở mức 4% là rất khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nếu đẩy lạm phát xuống quá thấp sẽ chặn hết mức tăng trưởng của Việt Nam. Bởi hệ quả của việc quá thắt chặt chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ sẽ dội ngược lại bằng việc DN khó mở rộng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong dân cư không tăng trưởng, đầu tư vào nền kinh tế giảm... kìm hãm sự tăng trưởng.
Ngoài ra, những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản có dấu hiệu khởi sắc trong thời gian qua cũng đang chia sẻ một phần dòng vốn chảy vào ngân hàng, từ đó khiến các ngân hàng phải hết sức thận trọng với việc giảm lãi suất huy động.
Xét tới các yếu tố bên ngoài, lãi suất đồng USD dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Ngay trong phiên họp 13/6 vừa qua của Fed, cơ quan này đã quyết định tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn của USD thêm 0,25 điểm % lên mức khoảng 1,75-2%. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 của Fed trong 2018, cơ quan này cũng để ngỏ khả năng sẽ tăng thêm hai lần nữa trong năm nay. Lãi suất USD tăng sẽ tác động tới tỷ giá USD/VND, ảnh hưởng tới lãi suất VND và khiến lạm phát tăng lên. “Bài toán lãi suất là bài toán khó giải của nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi áp lực lên lạm phát sẽ ngày càng nặng gánh. Chúng ta giữ được mức 4% đã là thành công rồi”, một chuyên gia bình luận.