Kết thúc năm 2017, hàng loạt ngân hàng công bố lãi nghìn tỷ đồng đã khiến nhiều người kỳ vọng về việc lãi suất sẽ giảm thêm trong năm 2018.
Dẫn đầu lợi nhuận trong năm 2017 là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế đạt tới trên 11.000 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm trước. Đứng sau VietinBank với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.200 tỷ đồng, BIDV cũng đạt con số kỷ lục, lên tới 8.800 tỷ đồng… Ngoài ra, còn một loạt các ngân hàng khác cũng báo lãi khủng như Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội... cho thấy việc giảm lãi suất trong năm 2018 là hoàn toàn có cơ cở.
Chính vì vậy, ngay trong đầu năm mới, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp mạnh mẽ, ngành Ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiêp và nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối để xem xét, cân nhắc điều chỉnh linh hoạt lãi suất trên thị trường mở (OMO) nhằm hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay với thời điểm và liều lượng phù hợp. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng vào cuộc cùng Ngân hàng Nhà nước để phát thông điệp mạnh mẽ ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau đó, trên cơ sở cân đối tổng thể cung - cầu, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm mức niêm yết lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Các chỉ đạo và chính sách nói trên đã được thị trường phản ứng tích cực. Theo đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV đã thực hiện điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 – 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 – 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 – 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 – 7,3%/năm.
Hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 – 6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,6-6,0%/năm.
Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được Ngân hàng Nhà nước xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, để nâng cao tính lan tỏa trong việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng chủ động truyền thông trên trang thông tin điện tử chính thức của ngân hàng mình ngay sau khi điều chỉnh giảm lãi suất.
Đồng thời, ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/1/2018 chỉ đạo toàn hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiệm vụ kế hoạch ngành ngân hàng; trong đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.
Mặc dù mong muốn lãi suất cho vay sẽ giảm nhưng chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra phân tích, nếu không kiểm soát tốt lạm phát khiến lạm phát tăng sẽ khó giảm lãi suất huy động, và như vậy lãi suất cho vay cũng khó giảm.
"Kỳ vọng của tôi là lãi suất sẽ giảm đôi chút, tuy nhiên thực tế tùy thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, những yếu tố quan trọng có thể sẽ tác động đến lãi suất như lạm phát và tăng trưởng tín dụng” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.