Hoạt động ngân hàng luôn gắn liền với sự nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây mất an toàn hệ thống. Là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN, trong sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng, BHTGVN còn góp phần không nhỏ vào việc duy trì sự ổn định, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống QTDND. Tháng 4/2015, BHTGVN đã thành lập Ban chỉ đạo giám sát, kiểm tra và xử lý đối với các QTDND có vấn đề tại Trụ sở chính và Tổ chỉ đạo tại các Chi nhánh BHTGVN. Qua quá trình hoạt động tích cực, với những kết quả đạt được, có thể nói, Ban chỉ đạo và các tổ chỉ đạo có vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng phục hồi cũng như phát hiện nguy cơ rủi ro tiềm ẩn của quỹ, từ đó tham mưu cho NHNN đưa ra phương hướng và giải pháp xử lý đối với QTDND yếu kém. |
Thực tiễn triển khai giám sát chuyên sâu QTDND trên địa bàn
Chi nhánh luôn nhận thức được nhiệm vụ và vai trò quan trọng của Tổ chỉ đạo trong việc thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/3019 về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND để khắc phục tình trạng một số QTDND thời gian qua hoạt động yếu kém; tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh việc cơ cấu lại TCTD nói chung, QTDND nói riêng đi đúng hướng.
Nhằm mục đích tăng cường vai trò của BHTGVN trong việc giám sát và hỗ trợ kịp thời đối với các QTDND, Chi nhánh triển khai tăng cường giám sát chuyên sâu các QTDND hoạt động yếu kém, xử lý những vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo diễn biến tình hình của QTDND có vấn đề và bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả chung của Ban chỉ đạo.
Cụ thể, Tổ chỉ đạo Chi nhánh đã thực hiện giám sát chuyên sâu đối với QTDND bị xếp loại rủi ro nhóm 4, 5 theo Hướng dẫn 628/HD-BHTG ngày 25/9/2015 và Hướng dẫn 777/HD-BHTG ngày 1/7/2019 V/v hướng dẫn giám sát chuyên sâu QTDND có vấn đề. Nghiệp vụ giám sát chuyên sâu luôn được thực hiện đầy đủ quy trình từ việc thu thập, lưu trữ thông tin, sau đó, dựa trên các chỉ tiêu giám sát, thực hiện phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động và theo dõi diễn biến tình hình của các quỹ có vấn đề, làm rõ những yếu kém, tồn tại và nguyên nhân nhằm tham mưu Ban lãnh đạo xử lý các vấn đề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của BHTGVN và kiến nghị với NHNN có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, góp phần ngăn ngừa hành vi trục lợi tiền bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và của BHTGVN.
Bên cạnh việc sử dụng dữ liệu từ phần mềm kết xuất mẫu biểu giám sát, Chi nhánh cũng chủ động tính toán các chỉ tiêu giám sát và tích cực trao đổi với lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để nắm bắt thêm thông tin, từ đó giúp nâng cao được chất lượng báo cáo giám sát chuyên sâu. Thông qua hoạt động giám sát chuyên sâu, tổ chỉ đạo đã làm rõ những rủi ro tiềm ẩn, những yếu kém, tồn tại và nguyên nhân, kiến nghị với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời, hiệu quả các yếu kém của QTDND.
Hơn nữa, việc tăng cường khảo sát thực tế các quỹ có quy mô hoạt động lớn, địa bàn hoạt động phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cao và các đơn vị vi phạm chỉ tiêu giám sát được BHTGVN cảnh báo, lưu ý tại các báo cáo giám sát giúp Chi nhánh nắm chắc tình hình hoạt động của đơn vị, xây dựng nội dung giám sát phù hợp hoặc đưa ra kiến nghị, đề xuất đối với NHNN chi nhánh để có biện pháp chấn chỉnh, hạn chế tối đa các rủi ro hoạt động của các đơn vị có thể xảy ra. Thông qua các chuyến khảo sát thực tế, cán bộ của Chi nhánh cũng nắm bắt được khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong công tác thực hiện Quy chế thông tin báo cáo, từ đó hỗ trợ các đơn vị giải quyết, giúp cho chất lượng công tác thông tin báo cáo ngày càng được nâng cao.
Từ những công việc và cách làm cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế công tác giám sát chuyên sâu, Chi nhánh đã từng bước nắm chắc tình hình các đơn vị thuộc địa bàn quản lý, từ đó có các biện pháp quản lý đơn vị hiệu quả; xây dựng mối quan hệ phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương sở tại để triển khai tốt nhất chính sách BHTG.
Đồng thời, hỗ trợ tối đa các tổ chức tham gia BHTG trong việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo; góp phần duy trì hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả của các QTDND thuộc địa bàn quản lý.
Vẫn còn những khó khăn
Đạt được những kết quả trên là bởi công tác kiểm tra chuyên sâu có thuận lợi như: Đã có đầy đủ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của từng phòng nghiệp vụ; nhân sự của Tổ chỉ đạo đều là lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, qua thời gian tích lũy kinh nghiệm đã nắm bắt công việc nhanh nhạy hơn, phối hợp với các đơn vị liên quan nhịp nhàng, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo cũng như Ban lãnh đạo Chi nhánh, sự phối hợp giữa các phòng trong Chi nhánh, phòng ban chức năng Chi nhánh NHNN các tỉnh, sự hợp tác tích cực của các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn cùng với nỗ lực, đoàn kết, chịu khó học hỏi, tiếp thu, vận hành các kỹ năng, ứng dụng công nghệ tin học...
Cùng với đó, Chi nhánh NHNN các tỉnh trên địa bàn Chi nhánh quản lý luôn đề cao trách nhiệm trong việc cấp phép và thanh tra, giám sát hoạt động của các QTDND, do vậy hoạt động của các QTDND trên địa bàn quản lý tương đối an toàn.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, vẫn còn có một số khó khăn nhất định như: đặc thù địa bàn Chi nhánh quản lý là các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với địa hình đồi núi, đèo dốc gây khó khăn cho đoàn kiểm tra, cũng như các đoàn khảo sát thực tế trong quá trình di chuyển; trình độ cán bộ tại các QTDND chưa đồng đều, khối lượng công việc nhiều nên việc nghiên cứu, cập nhật các văn bản nghiệp vụ còn chưa kịp thời dẫn tới xử lý công việc chưa theo đúng các quy định hiện hành;hệ thống công nghệ tin học về phần mềm giao dịch tại các QTDND chưa đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước; chưa có văn bản quy định chi tiết về ấn chỉ quan trọng.
Ngoài ra, Chi nhánh BHTGVN khu vực Tây Bắc Bộ đang trong giai đoạn kiện toàn lãnh đạo cấp phòng, nên cơ cấu thành viên Tổ chỉ đạo thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Tổ. Vì vậy Tổ chỉ đạo cũng gặp khó khăn ban đầu khi nhận, tiếp cận, phân công, bố trí và triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Mặt khác, hầu hết dữ liệu báo cáo giám sát các QTDND đều được tiếp nhận từ nguồn NHNN. Tuy nhiên, Chi nhánh vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các số liệu, báo cáo thống kê theo quy định trong Thông tư 34, gây khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo giám sát tại Chi nhánh. Một số kiến nghị, đề xuất
Để công tác giám sát chuyên sâu tại Chi nhánh đạt hiệu quả cao hơn, xin đề xuất một số kiến nghị:
Thứ nhất, những nhiệm vụ mới của BHTGVN theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD đòi hỏi cần có chiến lược và lộ trình thích hợp để đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ được giaoThứ hai, để đảm bảo nguồn thông tin đầu vào được đầy đủ, chính xác và kịp thời, cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa NHNN và BHTGVN trong việc chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của các QTDND theo quy định tại Thông tư 34, đồng thời có cơ chế chia sẻ thông tin liên quan công tác thanh kiểm tra đối với các QTDND có vấn đề.
Thứ ba, BHTGVN tiếp tục quan tâm đào tạo cán bộ kiểm soát đặc biệt, cán bộ làm công tác giám sát chuyên sâu; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát và thông tin tuyên truyền.
Thứ tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tin học để cán bộ Chi nhánh có thể ứng dụng công nghệ vào công tác chuyên môn, đảm bảo hoàn thành có hiệu quả công việc.