Đây cũng là cơ sở, nền tảng cho BHTGVN tham gia ngày càng sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là đối với hệ thống QTDND như chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” - Nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ để BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém.
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” đã khép lại với sự chuyển biến tích cực của toàn hệ thống, với những bước tiến lớn cả về quy mô tài chính, chất lượng tín dụng, nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp... Trong tiến trình đó, BHTGVN đã có những đóng góp tích cực thông qua việc tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra và xử lý QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt (KSĐB); giám sát, phân tích, đánh giá, cảnh báo an toàn đối với hệ thống QTDND, nhất là an toàn về tiền gửi và cho vay của các quỹ; phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với QTDND.
Cụ thể, đối với công tác giám sát chuyên sâu, Ban chỉ đạo giám sát, kiểm tra và xử lý QTDND có vấn đề của BHTGVN tích cực giám sát chuyên sâu đối với QTDND có vấn đề, đặc biệt là các QTDND yếu kém thuộc diện xử lý pháp nhân và các QTDND yếu kém mà ngân hàng thương mại (NHTM) đang tham gia xử lý. Bên cạnh đó, các QTDND mới phát sinh yếu kém cũng được theo dõi sát sao. Đến nay, trong tổng số 1.181 QTDND tham gia BHTG, số lượng QTDND có vấn đề đã giảm so với thời điểm cuối năm 2021.
Cùng với đó, BHTGVN cũng tiến hành kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm đối với các QTDND có vấn đề.
BHTGVN cử cán bộ tham gia các Ban KSĐB tại QTDND được KSĐB. Căn cứ thực trạng của các QTDND này và định hướng, chỉ đạo của NHNN, trên cơ sở nắm bắt thông tin, diễn biến hoạt động của các quỹ, hướng xử lý của các cơ quan có thẩm quyền, BHTGVN triển khai các biện pháp xử lý đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể:
Đối với các QTDND được KSĐB đang thực hiện phương án NHTM tham gia xử lý, BHTGVN quán triệt việc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN về các nội dung liên quan đến BHTGVN, trong đó chú trọng công tác phối hợp xây dựng, tham gia góp ý đối với phương án NHTM tham gia xử lý QTDND cũng như hỗ trợ quá trình chi trả tiền gửi cho người gửi tiền tại các quỹ này.
Với các QTDND được KSĐB đang thực hiện chi trả cho người gửi tiền, BHTGVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN Chi nhánh, ban KSĐB các QTDND, chính quyền địa phương và các NHTM trong việc xác minh danh sách người gửi tiền được chi trả; thực hiện hỗ trợ chi trả cho người gửi tiền, cũng như tuyên truyền nhằm giúp dư luận hiểu đúng, tin tưởng vào các biện pháp mà Chính phủ, NHNN thực hiện, ngăn chặn nguy cơ rút tiền hàng loạt, giữ vững an ninh, chính trị tại địa phương.
Với các QTDND được KSĐB đang thực hiện các giải pháp củng cố, chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, nhân sự của BHTGVN cũng tích cực phối hợp với ban KSĐB, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc cập nhật phương án xử lý của NHNN, tăng cường giám sát mọi hoạt động của QTDND; hỗ trợ ban KSĐB trong việc triển khai các công việc theo phương án xử lý mà NHNN đã phê duyệt; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi khi có yêu cầu của NHNN.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của BHTGVN tham gia vào quá trình tái cơ cấu QTDND ngày càng lớn hơn khi cần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD 2017; Đề án củng cố và phát triển QTDND đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-NHNN của Thống đốc NHNN. Đặc biệt, tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND được coi là nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. BHTGVN cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn nhân lực tham gia KSĐB các QTDND, cũng như tham gia phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả chức năng kiểm tra của NHNN đối với QTDND theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 06.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp và chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai khi phương án xử lý các QTDND yếu kém được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động, kết quả kiểm soát đặc biệt, phương án xử lý của NHNN đối với các QTDND có vấn đề. Tham gia có hiệu quả các công việc tại ban KSĐB các QTDND; nghiên cứu và nắm chắc tình hình tổ chức và hoạt động các QTDND đang được KSĐB để tham gia đánh giá phương án phục hồi, cho vay đặc biệt, chi trả tiền gửi... Tích cực tuyên truyền chính sách BHTG để người dân yên tâm, tin tưởng hơn nữa vào chính sách BHTG và hoạt động ngân hàng.