Mô hình giám sát và xếp hạng của KDIC
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC), được thành lập từ năm 1996, là một ví dụ điển hình về hoạt động giám sát của hệ thống BHTG khi thực hiện công tác giám sát để đưa ra các cảnh báo sớm cho hệ thống tài chính cũng như hỗ trợ việc bảo vệ người gửi tiền thông qua phát hiện sớm các rủi ro và ngăn ngừa tổ chức tài chính phá sản.
Khung giám sát rủi ro của KDIC
Hoạt động giám sát của KDIC được thực hiện thông qua quy trình gồm 2 hoạt động chính, đó là: Giám sát từ xa và Kiểm tra tại chỗ. Nhằm phát hiện sớm các rủi ro, hoạt động giám sát bao gồm các nghiệp vụ về thu thập thông tin của các tổ chức tài chính được KDIC bảo hiểm, thông tin từ thị trường tài chính, thông tin tài chính và phi tài chính khác…Đồng thời, đánh giá rủi ro thông qua việc xác định mức độ rủi ro dựa trên các yếu tố hiện tại.
Nhằm thực hiện đánh giá tổ chức tham gia BHTG hàng quý, KDIC sử dụng 3 cấp độ khác nhau để đánh giá giám sát rủi ro: Cấp độ 1 (Giám sát thông thường bao gồm các hoạt động đánh giá rủi ro hàng quý và thu thập thông tin tài chính một cách thường xuyên); Cấp độ 2 (Theo dõi, bao gồm các biện pháp giám sát như Cấp độ 1 và phỏng vấn với ban quản lý khi cần thiết); Cấp độ 3 (Theo dõi đặc biệt…).
Các mô hình đánh giá rủi ro của KDIC bao gồm 4 mô hình chính: Đánh giá rủi ro (RE), Dự báo Rủi ro (RF), Chỉ số rủi ro (RI) và Kiểm tra sức chịu đựng (ST).
Được coi là mô hình quan trọng nhất, mô hình đánh giá rủi ro (RE) giúp đo lường tình trạng tài chính hiện tại của các tổ chức tài chính được bảo hiểm, sử dụng các chỉ số tài chính liên quan đến An toàn vốn (C), Chất lượng tài sản (A), Thu nhập (E) và Thanh khoản (L). 13 chỉ số định lượng trên 4 nhân tố (CAEL) trong hoạt động tài chính được tính toán, nhân với trọng số (sử dụng PCA[1]) để đưa ra hệ số điểm cho mỗi tổ chức, mỗi nhóm tổ chức và điểm cuối cùng.
Trong khi đó, các mô hình còn lại mang chức năng bổ trợ cho mô hình RE. Mô hình Dự báo rủi ro (RF) được sử dụng để dự báo khả năng đổ vỡ của 1 tổ chức trong vòng 6 tháng, nhằm cung cấp thông tin bổ sung cho mô hình RE trong việc đánh giá từng tổ chức riêng lẻ. Mô hình chỉ số rủi ro (RI) được sử dụng để đánh giá mức độ rủi ro toàn ngành tài chính khi tính toán đến các chỉ số tài chính của từng tổ chức và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Cuối cùng, mô hình kiểm tra sức chịu đựng (ST) dự báo cách một ngân hàng sẽ đối phó với các tình huống khó khăn bất thường thông qua việc đo lường những thay đổi trong các yếu tố rủi ro của một tổ chức (độ nhạy) trong thời gian khó khăn để đánh giá khả năng đổ vỡ của tổ chức đó.
Quy trình và triển khai xếp hạng của KDIC
Quy trình đánh giá tổng thể bao gồm 5 bước chính: Thu thập dữ liệu, Xác nhận dữ liệu từ các công ty tài chính, Tiến hành đánh giá, Phân bổ mức xếp hạng và Kết thúc. Theo đó, 5 bước trong quy trình được KDIC thực hiện kỹ lưỡng từ việc kiểm tra tính chính xác của dữ liệu đầu vào đến việc xác minh, kiểm tra kết quả đầu ra. Để tính toán đầy đủ các rủi ro cho tổ chức tài chính, các chỉ số tài chính, phi tài chính được xây dựng cụ thể với điểm số cụ thể cho từng chỉ tiêu.
Ngoài ra, hàng năm, KDIC lựa chọn trong từng lĩnh vực tài chính các chỉ số bổ sung (tài chính và phi tài chính) để tích hợp vào mô hình đánh giá dựa trên các yếu tố rủi ro tiềm ẩn được xác định theo những thay đổi của môi trường tài chính. Việc xếp hạng được thực hiện kỹ lưỡng nên KDIC không gặp nhiều khó khăn về giải quyết các khiếu nại sau xếp hạng. Một số khiếu nại từ các tổ chức được tiếp nhận và xử lý thông qua Ủy ban về phí bảo hiểm theo rủi ro và Ủy ban bảo hiểm tiền gửi nhằm xem xét, đánh giá và xử lý.
Trong năm 2022, KDIC đã thực hiện thay đổi các tiêu chí, thuật ngữ và tập trung nhiều hơn vào các chỉ số phi tài chính (nâng hệ số điểm) nhằm bắt kịp với những thay đổi của thị trường. Nhận thấy những thay đổi của môi trường tài chính có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, KDIC đã điều chỉnh bổ sung các chỉ số đánh giá, giới thiệu thêm các chỉ số tiềm năng để nâng cao độ chính xác của mô hình. Việc cải tiến trong hệ thống xếp hạng của KDIC còn thể hiện ở việc tăng số lượng mức điểm xếp hàng từ 3 mức (mức 1,2,3) lên 5 mức (mức A+, A, B, C+, C) giúp tăng khả năng phân biệt các tổ chức tài chính.
Các thách thức và định hướng của KDIC trong tương lai
Nhận thấy mô hình xếp hạng cần liên tục thay đổi và cải tiến, KDIC luôn đặt ra những định hướng hoàn thiện mô hình thông qua việc: (1) Mở rộng biên độ biến động rủi ro cao hơn mức hiện tại (±10%); (2) Tăng số lượng mức xếp hạng; (3) Tích hợp vào rủi ro hệ thống; (4) Xây dựng các chỉ số đánh giá mới để phản ánh tốt hơn các rủi ro tiềm tàng.
Giám sát và xếp hạng tổ chức tín dụng của CDIC
CDIC thuộc sở hữu của Chính phủ được thành lập vào ngày 27 tháng 9 năm 1985, với nguồn vốn do Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương cùng đầu tư. Vào tháng 1 năm 2007, Luật BHTG đã được sửa đổi trên diện rộng; nhiệm vụ và chức năng của hệ thống bảo hiểm tiền gửi ở Đài Loan đã được nâng cao hơn nữa, trong đó có nhiệm vụ giám sát các tổ chức tham gia BHTG.
Phương pháp xếp hạng
Hệ thống xếp hạng dựa trên Báo cáo giám sát mỗi quý 1 lần, thông qua các chỉ số CAMELSO để đưa ra kết quả xếp hạng điểm (A, B, C, D, E) và được chia sẻ với các thành viên của mạng an toàn tài chính.
Quy trình gồm 5 bước: Thu thập thông tin, Kiểm định mức độ ý nghĩa – Lựa chọn chỉ số có ý nghĩa trong việc phân biệt tổ chức tốt- xấu; Kiểm định mức độ liên quan- Lựa chọn chỉ số có mối liên hệ chặt chẽ, Kiểm định thử và đánh giá chuyên gia – xác định chỉ số hiệu quả, Xác định trọng số thông qua phân tích nhân tố.
Nhóm chỉ số được CDIC lựa chọn bao gồm:
i) Nhóm chỉ số tài chính:
Các chỉ số |
Phân bố chỉ số |
An toàn vốn (Captital adequacy) |
3 Chỉ số |
Chất lượng tài sản (Asset quality) |
4 Chỉ số |
Khả năng sinh lời (Earnings) |
3 Chỉ số |
Thanh khoàn (Liquidity) |
1 Chỉ số |
Nhạy cảm với rủi ro thị trường (Sensitivity to market risk) |
1 Chỉ số |
Các chỉ tiêu khác (Others) |
1 Chỉ số |
Thang điểm đối với các chỉ tiêu nhóm này được chia theo tính trung bình và độ lệch chuẩn sau đó nhóm lại và phân chia theo thang điểm từ 1-5.
ii) Nhóm chỉ số quản lý và nhân tố điều chỉnh
Nhóm này được lựa chọn từ 4 chỉ tiêu định tính và 1 nhân tố điều chỉnh. Đây là nhóm chỉ tiêu định tính được thực hiện đánh giá bởi kiểm tra viên phụ trách, kiểm tra đánh giá trực tiếp dựa theo các nội dung: (1) Hệ thống thực hiện phân lớp; (2) Hệ thống quản lý nghiệp vụ và kiểm soát nội bộ; (3) Hệ thống kiểm toán nội bộ; (4) Hệ thống tuân thủ; (5) Cơ cấu tổ chức và sự ổn định; (6) hệ thống quản lý rủi ro. Để lượng hóa các chỉ số nhóm định tính này CDIC cũng chia các nội dung theo 5 mức độ đánh giá (Kém – Trung bình – Khá – Tốt – Xuất sắc).
Theo các sự kiện trên bảng đánh giá rủi ro của tổ chức, CDIC đã liệt kê 7 nguyên nhân liên quan đến rủi ro về quản lý: Các biện pháp xử phạt hành chính; Yêu cầu khắc phục trong khoảng thời gian xác đinh; Các yếu tố lừa đảo/ gian lận; Mức độ rủi ro tập trung kinh doanh; Có sự báo cáo sai đáng kể chỉ số tài chính; Chứng chỉ an toàn thông tin; Sự cố ảnh hưởng đến an toàn thông tin.
Thực tế áp dụng quy trình xếp hạng tại CDIC
CDIC đang thực hiện xếp hạng đối với 2 loại hình là Tổ chức tín dụng Hợp tác và Ngân hàng. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều điểm khác nhau trong hoạt động và quy mô tổ chức nên được vận dụng linh hoạt phù hợp với từng loại hình.
Các chỉ tiêu và thang điểm đối với TCTD Hợp tác ở Đài Loan được nới lỏng hơn so với ngân hàng, do mô hình kinh doanh nhỏ và đơn giản, lãnh thổ hoạt động bị hạn chế. Do đó số lượng chỉ tiêu đánh giá được lược bỏ còn 13 chỉ tiêu (trong khi ngân hàng là 18 chỉ tiêu đối). Các tỷ lệ về yêu tố thanh khoản của TCTD Hợp tác đáp ứng Basel II thay vì Basel III như nhóm ngân hàng, nhóm các yêu tố định tính cũng được nới lỏng hơn 1-2 điểm trên cùng 1 kết quả đối với ngân hàng.
Thông qua rà soát kết quả xếp hạng, CDIC đánh giá mức độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Nếu kết quả xếp hạng cuối cùng được cải thiện và số tổ chức có mức xếp hạng thấp (D hoặc E) giảm, hệ thống ngân hàng có thể đánh giá là tương đối an toàn và lành mạnh.
CDIC thực hiện điều chỉnh báo cáo rủi ro giám sát định kỳ để có thể đạp ứng các thay đổi theo tình hình tài chính. Nếu kết quả xếp hạng của các tổ chức tham gia BHTG xấu đi, chuyên viên kế toán sẽ phân tích kỹ hơn. Nếu hoạt động kinh doanh có dấu hiệu không ổn định, CDIC sẽ gửi một đề nghị yêu cầu cải thiện chất lượng hoạt động tới các bên liên quan và tiếp tục theo dõi.
Bài học kinh nghiệm đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN)
Từ kinh nghiệm của KDIC và CDIC, nhằm nâng cao hoạt động giám sát, một số bài học kinh nghiệm rút ra đối với hoạt động BHTG ở Việt Nam:
Thứ nhất, liên tục cải tiến mô hình, quy trình, phương pháp giám sát rủi ro; Điều chỉnh bộ chỉ tiêu giám sát, nội dung báo cáo giám sát phù hợp với sự thay đổi, phát triển của thị trường trong từng thời kỳ;
Thứ hai, xem xét áp dụng khung giám sát chung cho toàn bộ hệ thống TCTD, có sự điều chỉnh phù hợp đối với từng loại hình tổ chức dựa trên đặc thù hoạt động cũng như đặc điểm về các loại rủi ro (nới lỏng đối với hệ thống tín dụng hợp tác (quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô) để đánh giá khách quan tình hình tài chính của tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế chung);
Thứ ba, nghiên cứu tính khả thi của việc xếp hạng các TCTD hiệu quả nhằm phân loại đánh giá và hỗ trợ cho hoạt động thu phí phân biệt trong tương lai.
Phòng Giám sát
[1] Phương pháp PCA là phương pháp phân tích thành phần chính (Principal Components Analysis – PCA)