Trước đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các TCTD với thay đổi chính nằm ở tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và hệ số rủi ro đối với một số lĩnh vực. Theo đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% về 50% vào năm 2017 và 40% vào năm 2018.
Tại lần sửa đổi này, Dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 của Thông tư 36 về việc các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa với lộ trình 3 năm như sau:
Từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 50%; TCTD phi ngân hàng là 90%.
Từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2018, tỷ lệ này tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%; TCTD phi ngân hàng là 90%.
Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ này tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40%; TCTD phi ngân hàng là 90%.
Như vậy, thay vì áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% vào năm 2018, NHNN quyết định lùi thời điểm này sang năm 2019. Năm 2018 sẽ áp dụng tỷ lệ 45%.
Thay đổi lần này được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm.
Theo NHNN, trên cơ sở Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 06/2016/TT-NHNN của các TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; kết quả đánh giá tác động thông qua số liệu thống kê và giám sát của NHNN, NHNN đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 (dự thảo Thông tư) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc triển khai thực hiện các quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn cũng như đảm bảo thực hiện được các chủ trương, định hướng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo Thông tư được xây dựng dựa trên các định hướng: Phù hợp hơn với tình hình thực tế hoạt động và khả năng tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Bổ sung một số quy định, thuật ngữ để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai thực hiện; Các nội dung quy định tại dự thảo Thông tư đảm bảo rõ ràng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng điều chỉnh giãn lộ trình thực hiện tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn một cách phù hợp, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về tăng trưởng kinh tế cũng như việc thực hiện các chương trình, dự án lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ; Thúc đẩy và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, Thủ tướng cũng đã ra Nghị quyết giao NHNN xem xét, điều chỉnh mở rộng hạn mức tín dụng cho vay trung dài hạn của các TCTD.
Cùng với đó, dự thảo cũng chỉ rõ nguồn vốn để tính tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn không bao gồm nguồn tiền gửi, tiền vay từ các TCTD, chi nhánh NHNN khác tại Việt Nam nhằm phản ánh chính xác cơ cấu nguồn vốn, đồng thời hạn chế việc các TCTD, chi nhánh NHNN thông đồng cho vay, gửi tiền lẫn nhau nhằm tăng nguồn vốn ảo.
Đặc biệt, tại cuộc họp về triển khai chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo NHNN “theo thẩm quyền xem xét đề nghị của các ngân hàng thương mại, quyết định việc cho phép các ngân hàng thương mại tham gia chương trình được loại trừ dư nợ cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong việc đáp ứng tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp để có nguồn vốn cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực công nghệ cao”.
Theo đó, dự thảo lần này cũng chỉ rõ: “Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia các chương trình, dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, việc xác định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với những chương trình, dự án này thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ".
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho biết tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi đó, nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống chỉ chiếm khoảng 15%, đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng.
Để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các TCTD sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán; nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dự thảo sửa đổi Thông tư 36 với việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục cho thấy định hướng hỗ trợ của NHNN đối với các NHTM trong việc phát triển tín dụng. Thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn huy động cũng như nắn dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất mang tính trung và dài hạn cũng là mục tiêu mà NHNN hướng đến cho hệ thống ngân hàng. Nếu dự thảo này được thông qua, BVSC đánh giá các ngân hàng thương mại sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng mà chưa phải lo lắng nhiều về khả năng đụng “trần” các tỷ lệ giới hạn như quy định ban đầu của Thông tư 36.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, một loạt các chỉ đạo gần đây cho thấy Chính phủ đang chuyển hướng mục tiêu từ việc siết chặt rủi ro hệ thống ngành ngân hàng qua tăng đưa vốn vào nền kinh tế. Theo ông Đinh Thế Hiến, mấy năm trước, do lo ngại rủi ro hệ thống cùng nợ xấu bất động sản tăng cao nên NHNN đã ban hành Thông tư 36 quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Tuy nhiên, đến năm 2017, Chính phủ thấy nền kinh tế cần thêm nguồn vốn để tăng trưởng trong khi các vấn đề tín dụng trong hệ ngân hàng cũng đã được xử lý tương đối ổn nên muốn chuyển sang phục vụ kinh tế trong giai đoạn này. Ông Hiển đánh giá, theo tình hình hiện tại, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp cho thấy các ngân hàng không gặp khó khăn về thanh khoản nên việc giãn lộ trình là một điều hợp lý.