Vàng đã có phiên lao dốc mạnh nhất trong 1 tháng rưỡi vào đêm qua tại thị trường New York. Tâm lý hoảng sợ của các nhà đầu tư đã kéo theo một phiên xả hàng mạnh, đẩy giá vàng có thời điểm xuống gần ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.550 USD/oz.
Tài liệu từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Cộng hòa Cyprus sẽ phải bán ra lượng vàng trong dự trữ ngoại hối để có 400 triệu Euro, đáp ứng nhu cầu về tài chính cho gói giải cứu hệ thống ngân hàng. Việc một ngân hàng trung ương bán vàng ở thời điểm này có thể tác động mạnh tới thị trường, bởi các ngân hàng trung ương trên thế giới nói chung đã mua ròng vàng từ năm 2010 đến nay để phòng ngừa rủi ro về nợ nần.
Áp lực giảm giá đối với kim loại quý càng gia tăng khi FED công bố biên bản cuộc họp gần nhất. Biên bản này cho thấy, trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 3, các quan chức của FED đã bắt đầu tính đến việc kết thúc chương trình nới lỏng định lượng số 3 (QE3) trước cuối năm nay.
Suốt mấy năm qua, giá vàng liên tục tăng mạnh và lập kỷ lục là nhờ nhận được sự hỗ trợ lớn từ các gói QE của FED. Việc FED bơm tiền ồ ạt để cứu tăng trưởng gây kỳ vọng lạm phát, khiến đồng USD mất giá, và rủi ro đối với tiền giấy, theo đó đẩy giá vàng tăng. Vàng luôn được xem là tài sản chống lạm phát và phòng ngừa rủi ro hàng đầu.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chính sách bơm tiền vào nền kinh tế của các ngân hàng trung ương lớn, mà gần đây nhất là gói kích thích 1,4 nghìn tỷ USD của Nhật, dường như lại giúp thị trường chứng khoán tăng điểm nhiều hơn. Sức hấp dẫn của chứng khoán tăng khiến sức hấp dẫn của vàng bị giảm.
“Chính sách tiền tệ lỏng lẻo khắp thế giới đang giúp ích nhiều hơn cho kênh đầu tư chứng khoán so với với vàng”, ông Michael Cuggino, nhà quản lý danh mục của quỹ Permanent Portfolio Funds, nhận xét với hãng tin Reuters.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại New York, giá vàng giao ngay hạ 25,7 USD/oz, tương đương giảm hơn 1,6%, còn 1.560,3 USD/oz. Reuters cho biết, đây là phiên mất giá thảm nhất của vàng kể từ ngày 20/2.
Trên sàn COMEX thuộc Sở giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá vàng giao tháng 6 đóng cửa giảm 27,9 USD/oz, còn 1.558,8 USD/oz.
Nếu giảm theo đúng giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng nay sẽ “bốc hơi” khoảng 700.000 đồng/lượng.
Nhiều nhà đầu tư giữ thái độ thận trọng trước biên bản cuộc họp của FED, bởi báo cáo thất nghiệp tháng 3 do Bộ Lao động Mỹ đưa ra hồi tuần trước, tức là sau khi FED họp, đã cho thấy thị trường việc làm của nước này còn yếu. Rất có thể, với tình hình như vậy, FED sẽ phải cân nhắc kỹ hơn khả năng sớm kết thúc QE3.
Trong phiên đêm qua, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục. Từ đầu năm tới nay, chỉ số này đã tăng 11,4%, trong khi giá vàng giảm 7%.
Kế hoạch bán vàng của Cyprus đánh dấu đợt bán vàng lớn nhất của một ngân hàng trung ương trong khối Eurozone trong vòng 4 năm trở lại đây. Theo dự kiến, 10 tấn vàng sẽ được bán ra trong đợt này. Đây là một mức bán không lớn, nhất là so với những đợt xả hàng chục tấn vàng gần đây của các quỹ tín thác (ETF) mà dẫn đầu là SPDR Gold Trust. Tuy vậy, điều khiến giới đầu tư lo ngại hơn cả là khả năng các nước nặng nợ ở Eurozone sắp tới có thể theo chân Cyprus bán vàng để có tiền giải quyết khủng hoảng nợ.
Quỹ SPDR Gold Trust hôm qua bán ra gần 17 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ còn 1.583,5 tấn. Trong hai phiên vừa qua, quỹ này bán 22 tấn vàng, gây tác động không nhỏ tới tâm lý của thị trường.
Không chỉ có vậy, một loạt ngân hàng lớn gần đây đã cắt giảm mức dự báo giá vàng cho năm 2013-2014.
Vào hôm qua, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo giá vàng trung bình cho 3 tháng tới xuống còn 1.530 USD/oz từ mức 1.615 USD/oz trước đó. Các mức dự báo trung bình cho 6 và 12 tháng cũng lần lượt giảm về 1.490 USD/oz và 1.390 USD/oz từ các mức dự báo trước đó là 1.600 USD/oz và 1.550 USD/oz.
Mức giá vàng trung bình cho năm 2013 mà Goldman Sachs đưa ra trong lần dự báo này là 1.545 USD/oz, từ mức 1.610 USD/oz trước đó. Mức giá trung bình cho năm 2014 hạ về 1.350 USD/oz từ mức 1.490 USD/oz. Năm 2012, giá vàng trung bình là 1.671 USD/oz.
Theo ngân hàng này, giá vàng có thể chốt năm 2013 ở mức 1.450 USD/oz và kết thúc năm 2014 ở mức 1.270 USD/oz.
Goldman Sachs cũng đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư nên bắt đầu bán khống vàng giao sau trên sàn COMEX.
Các tin khác
Tổng quan về Tổng công ty BHTG Đài Loan
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Đài Loan (CDIC, Trung Quốc) là một trong những mô hình tổ chức BHTG tiến bộ điển hình ở Châu Á. Được thành lập năm 1985 trên một nền tảng pháp lý vững chắc là Luật BHTG, CDIC là thành viên không thể thiếu của mạng an toàn tài chính quốc gia Đài Loan.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia chính thức hoạt động
Ngân hàng Trung ương Ethiopia (NBE) chính thức thành lập Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia (EDIF) từ tháng 11/2023 với tư cách là một thành viên của Mạng an toàn tài chính, bảo vệ cho cho người gửi tiền của các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, phòng ngừa việc rút tiền hàng loạt.
Campuchia: Nghiên cứu thành lập bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống tài chính quốc gia
Ngày 31/10/2023, tại Kampong Thom, trong sự kiện “Ngày Tiết kiệm Asian”, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã giới thiệu về bảo hiểm tiền gửi và vai trò đối với hệ thống tài chính quốc gia nhằm nâng cao niềm tin công chúng và thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Khmer Riel.
Uganda: Quỹ bảo hiểm tiền gửi tăng gấp 3 lần
Chính phủ Uganda vừa công bố tăng Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DPF) từ 400 tỷ Shs (tương đương 117 triệu đô la Mỹ) lên 1,3 nghìn tỷ Shs (tương đương 345 triệu đô la Mỹ).
PIDM tổ chức Hội nghị chuyên đề xử lý đổ vỡ quốc gia lần thứ nhất
Vừa qua, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)...