TTCK toàn cầu đã khởi đầu năm 2014 trong trạng thái đầy sôi nổi, sau khi TTCK Mỹ tăng tới 30% trong năm trước đó. Có vẻ như nhà đầu tư tin rằng thời kỳ tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính đã qua và nền kinh tế toàn cầu đang chuyển sang trạng thái “Golilocks” – tức là tăng trưởng ở mức vừa phải, không quá mạnh để gây nên lạm phát và không quá yếu để khiến lợi nhuận giảm sút.
Tuy nhiên, trong những tuần đầu tiên, các thị trường đã vấp những đợt điều chỉnh. Đầu tiên, tiền tệ của các thị trường mới nổi đứng trước nhiều áp lực. Đồng peso của Argentina và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhiều đồng tiền mới nổi khác giảm giá mạnh, khiến một vài nước bắt buộc phải nâng lãi suất. Thêm vào đó, các số liệu về kinh tế Trung Quốc bộc lộ những điểm yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với chỉ số Nhà quản trị mua hàng giảm xuống 50,5 điểm trong tháng 1 – thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây.
“Làn gió ngược” thứ hai đến từ nước Mỹ, nơi chỉ số PMI cũng giảm từ 56,5 xuống còn 51,3 điểm. Con số này đi cùng với doanh số xe hơi bán ra trong tháng 1 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước và số đơn hàng hóa lâu bền bất ngờ giảm 4,3% trong tháng 12.
Những tin tức chẳng hề tốt lành khiến chỉ số S&P 500 ngay lập tức giảm tới 2,3% trong phiên ngày 3/2. Hầu hết các chuyên gia phân tích trước đó cho rằng thị trường việc làm yếu ớt trong tháng 12 phần lớn có nguyên nhân là do một mùa đông quá lạnh. Thế nhưng, một loạt số liệu gây thất vọng đã khiến người ta phải suy nghĩ lại.
Thị trường đứng trước mối lo ngại: chính sách nới lỏng định lượng của Cục dự trữ liên bang (Fed) thường đi kèm với đà tăng trên TTCK và đà giảm của lợi suất trái phiếu. Giờ đây, Fed đang “giảm dần cho đến hết” tốc độ mua tài sản. Điều này sẽ là một áp lực không nhỏ đối với các thị trường.
Như thường lệ, tâm lý là nhân tố đóng vai trò quan trọng. Fed vẫn mua vào 65 tỷ USD tài sản mỗi tháng và đây vẫn là lượng đủ lớn để hỗ trợ nền kinh tế. Chỉ dẫn của Fed cho thấy tăng lãi suất vẫn là động thái còn xa vời. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư dự đoán rút gói kích thích đồng nghĩa với thị trường đi xuống, họ sẽ muốn bán trước để giảm bớt những khoản lỗ tiềm tàng. Trên thực tế, mức lợi nhuận cao trong năm 2013 của TTCK còn có thể đẩy mạnh quá trình này bởi nhà đầu tư hài lòng và muốn giữ chặt lợi nhuận đã đạt được trong năm 2013.
Xu hướng này dường như đang diễn ra ở Nhật Bản, mặc dù NHTW vẫn khẳng định sẽ duy trì chương trình nới lỏng tiền tệ. Chỉ số Topix đã giảm 4,8% hôm 4/2 trong khi tăng 51% trong năm 2013.
Chốt lãi thực sự không phải là vấn đề trên các TTCK mới nổi, bởi trong 3 năm gần đây các thị trường mới nổi vẫn có diễn biến tệ hơn so với TTCK của các nước phát triển. Những thị trường bị ảnh hưởng mạnh nhất trong vài tuần gần đây đều có những vấn đề đặc biệt: khủng hoảng chính trị (Ukraine), cán cân vãng lai thâm hụt lớn và lạm phát cao (Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc đơn giản là chính sách quản lý kinh tế yếu kém (Argentina).
Tuy nhiên, Raghuram Rajan – Thống đốc NHTW Ấn Độ - đã nêu lên một vấn đề rộng hơn. Trong thời kỳ đầu của khủng hoảng tài chính 2007-08, dòng vốn ồ ạt đổ vào các thị trường mới nổi, một phần là bởi các nước này không gặp phải những vấn đề của các nước phát triển và một phần khác là do lãi suất ở các nước phát triển quá thấp.
Khi dòng vốn tiếp tục quay trở lại, các đồng tiền của thị trường mới nổi (trong đó có đồng rupee của Ấn Độ) phải chịu nhiều áp lực. Các nước này lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: để tỷ giá giảm xuống và phải đối mặt với lạm phát, hoặc nâng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ và đối mặt với suy thoái. “Mỹ nên lo lắng về hiệu ứng mà chính sách tiền tệ của họ có thể gây ra cho phần còn lại của thế giới”, Rajan nói.
Qua hành vi của thị trường trong vài tuần gần đây, nhiều nhà đầu tư lại đưa ra những lo lắng trái ngược: liệu những khó khăn trên thị trường mới nổi có thể ảnh hưởng đến các thị trường phát triển? Các chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Macquarie chỉ ra rằng 5 nước có đồng nội tệ giảm mạnh nhất (Argentina, Brazil, Ấn Độ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) đóng góp khoảng 12% kinh tế toàn cầu. Còn theo Goldman Sachs, khoảng 18% doanh thu của các tập đoàn châu Âu đến từ thị trường mới nổi. Tỷ lệ của các doanh nghiệp Anh và Thụy Sĩ lần lượt là 24% và 31%. Trong khi đó, khoảng 15% lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P 500 đến từ thị trường mới nổi.
Tính đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng. Theo ước tính của Bank of America Merrill Lynch, hầu hết các công ty Mỹ đã có lợi nhuận tốt hơn dự báo trong quý IV. Với 70% công ty trong chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, chỉ số EPS tăng trưởng với tốc độ 7%.
Tuy nhiên, phố Wall Street không có nhiều cơ hội để mắc sai lầm. Tỷ lệ lợi nhuận/GDP đang ở mức gần với thời kỳ trước chiến tranh. Trong khi đó, giá cổ phiếu khá đắt.
Tin xấu cho cổ phiếu là điều tích cực cho trái phiếu chính phủ, mặc dù Fed đang giảm lượng trái phiếu mua vào. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ mức 3% của đầu năm xuống còn 2,59% hôm 3/2, và lợi suất trái phiếu Đức giảm từ 1,94% xuống còn 1,56%. Trong khi nhà đầu tư có vẻ đã quá lạc quan về cổ phiếu trong cuối năm 2013, dường như họ quá bi quan về trái phiếu. Lạm phát ở Mỹ, Anh và eurozone đã thấp hơn so với cách đây 1 năm. Chỉ số hàng hóa của The Economist đã giảm 13,9% trong năm 2013 và đồng – vốn là loại hàng hóa đặc biệt nhạy cảm với điều kiện kinh tế vĩ mô – giảm gần 15%.
Những đợt chao đảo của thị trường tài chính kể từ đầu năm tới nay có thể được giải thích bằng việc nhà đầu tư điều chỉnh lại dự báo vốn quá lạc quan của họ. Để chuyển từ bán tháo sang điều gì đó nghiêm trọng hơn, thị trường cần dấu hiệu rõ ràng hơn về suy giảm kinh tế (Trung Quốc hoặc các nước phát triển) hoặc một đòn mạnh hơn giáng vào lợi nhuận của các doanh nghiệp.