Thời gian gần đây, cơ quan công an đã khởi tố nhiều vụ án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng, nhân viên bưu điện để mở sổ tiết kiệm giả, hoặc mời gọi gửi tiền qua các website, mạng xã hội, sử dụng các app do người nước ngoài tạo lập trên mạng internet kêu gọi mọi người tham gia đầu tư nộp tiền vào sàn giao dịch để lấy lãi…Sau khi người tham gia đầu tư nhiều, các đối tượng tội phạm này sẽ bỏ trốn hoặc đánh sập website để không ai có thể truy cập được, đồng thời chiếm đoạt toàn bộ số tiền của những người tham gia đầu tư. Do đó, người gửi tiền cần nắm được các quy định liên quan đến gửi tiền tiết kiệm để tránh bị mất tiền.
Tổ chức nào phải tham gia bảo hiểm tiền gửi?
Ở Việt Nam hiện nay, có duy nhất 01 tổ chức BHTG là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Đối với người gửi tiền, hoạt động của BHTGVN góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đối với hệ thống các TCTD, BHTGVN tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, an toàn và huy động tiền gửi cho đầu tư phát triển, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.
BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua các hoạt động nghiệp vụ kiểm tra, giám sát... Bên cạnh đó, khi TCTD mất khả năng chi trả hoặc phá sản, mỗi người gửi tiền tại TCTD đó được bảo hiểm với hạn mức theo quy định.
Luật pháp quy định việc tham gia BHTG là bắt buộc đối với các TCTD có huy động tiền gửi. Theo Điều 6 Luật BHTG và Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ:
“Tổ chức tham gia BHTG là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các TCTD;
Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.
Ngân hàng chính sách không phải tham gia BHTG”.
Như vậy, các tổ chức phải tham gia BHTG gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô (TCVM) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam.
Tại Việt Nam mới có khoảng 04 tổ chức TCVM chính thức được NHNN cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Các TCTD, gồm: tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương (TYM), tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên M7 (MF – MFI), tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Thanh Hóa (Thanh Hóa MFI) và TCTCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP). Ngoài ra, có các TCTD khác cũng cung cấp dịch vụ TCVM tại Việt Nam, như Ngân hàng Chính sách xã hội và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
Thời gian qua, các tổ chức TCVM tại Việt Nam đã thu hút được một lượng khách hàng không nhỏ thường xuyên gửi tiết kiệm. Khách hàng đến gửi tiết kiệm tự nguyện tại tổ chức TCVM được bảo đảm an toàn, bởi Luật BHTG tại Việt Nam quy định: BHTG là sự bảo đảm tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Ngoài ra, khi gửi tiền tại TCVM, khách hàng được bảo mật tuyệt đối về thông tin. Với phương châm lấy lợi ích khách hàng làm triết lý kinh doanh, TCVM cũng cam kết thực hiện bảo vệ thông tin khách hàng.
Khách hàng có thể nhận biết TCTD tham gia BHTG bằng cách nào? Điều 15, Luật BHTG quy định, tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi. Trong đó, bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là bản sao do BHTGVN cấp từ sổ gốc.
Như vậy, người gửi tiền có thể nhận biết TCTD đã tham gia BHTG qua việc quan sát điểm giao dịch của TCTD có treo bản sao Chứng nhận tham gia BHTG hay không.
Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG có đầy đủ thông tin của Chứng nhận tham gia BHTG, gồm: Tên tổ chức BHTG; tên tổ chức tham gia BHTG; nội dung khác theo quy định của BHTGVN.
Tiền gửi nào được bảo hiểm?
Theo quy định tại Điều 18 Luật BHTG 2012, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới nhiều hình thức khác nhau như có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức khác theo quy định của Luật Các TCTD.
Thể chế này cho thấy chính sách BHTG đáp ứng và có khả năng bảo vệ toàn bộ đối với đại đa số người gửi tiền tại các TCTD. Như vậy, khách hàng gửi tiền bằng đồng Việt Nam sẽ được BHTG, còn không được BHTG đối với ngoại tệ và kim loại quý.
Đặc biệt, tiền gửi không kỳ hạn - hình thức thông dụng và được sử dụng nhiều nhất hiện nay cũng được BHTG. Theo đó, người gửi tiền không nhất thiết phải lập sổ tiết kiệm mà sử dụng thẻ thanh toán của ngân hàng hay tài khoản ngân hàng thông thường cũng chính là dạng gửi tiền không kỳ hạn, loại hình này không giới hạn thời gian gửi cũng như số dư trong tài khoản.
Thực tế, hiện nay, các hình thức huy động tiết kiệm ngày càng đa dạng và tiện ích phù hợp với nhu cầu của người dân, từ hình thức thông thường (không kỳ hạn, có kỳ hạn) đến các khuyến mại, gia tăng lợi ích cho khách hàng như: tiết kiệm dành cho trẻ em, cá nhân tích lũy trong tương lai, hưu trí... Đặc biệt, với xu hướng số hóa, nhằm gia tăng tiện ích cho người sử dụng dịch vụ, ngân hàng còn thu hút khách khách hàng gửi tiết kiệm online thông qua Internet banking, Mobile banking thay vì giao dịch trực tiếp tại ngân hàng.
Theo quy định, tiền gửi tiết kiệm thông qua các phương tiện điện tử là hình thức khách hàng gửi/tất toán tiền khoản tiết kiệm thông qua các phương tiện điện tử mà không phải trực tiếp tới điểm giao dịch của TCTD. Tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tham gia BHTG có nhận tiền gửi của cá nhân đều được bảo hiểm, kể cả tiền gửi thông qua các phương tiện điện tử (còn gọi là tiết kiệm online), trừ trường hợp là tiền gửi của các đối tượng không được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Vậy người được BHTG có quyền lợi và nghĩa vụ gì? Điều 11, Luật BHTG quy định, người được BHTG có quyền: “Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật này; Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này; Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật”.
Khoản 3, Điều 6, Quy chế chi trả tiền gửi được bảo hiểm được ban hành kèm theo Quyết định số 807 ngày 19/10/2016 của Hội đồng quản trị BHTGVN quy định trách nhiệm của tổ chức tham gia BHTG: “Cung cấp đầy đủ hồ sơ, sổ sách, chứng từ và các văn bản, tài liệu có liên quan đến danh sách người được BHTG và số tiền bảo hiểm đề nghị chi trả theo yêu cầu của BHTGVN để phục vụ công tác kiểm tra và chi trả. Cung cấp cho người được BHTG giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm khi có yêu cầu; xác nhận cho người được BHTG khi sổ tiền gửi bị mất, rách nát, chắp vá không rõ ràng và các trường hợp cần thiết khác. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực và chính xác của các tài liệu cung cấp.”
Như vậy, khi BHTGVN thực hiện kiểm tra và chi trả bảo hiểm, tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, sổ sách, chứng từ và các văn bản, tài liệu có liên quan đến danh sách người được BHTG. Bên cạnh đó, người được BHTG cũng có quyền yêu cầu tổ chức tham gia BHTG cung cấp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm của mình.
Tiền gửi nào không được bảo hiểm?
Theo Điều 19, Luật BHTG, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định:
“Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó; Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;
Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành.
Ngoài ra, tiền gửi không phải bằng Đồng Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức TCVM, tiền gửi không phải của cá nhân thì không được bảo hiểm”.
Quy định trên nhằm nâng cao trách nhiệm trong quản lí và điều hành của thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) trong hoạt động của TCTD và hạn chế rủi ro đạo đức, tiền gửi của các đối tượng trên không được bảo hiểm.
Đáng chú ý, bên cạnh các hình thức gửi tiền thông thường, những năm qua, tại Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt các công ty công nghệ tài chính, tạo ra một phương thức thanh toán dần trở nên phổ biến là ví điện tử... Tuy nhiên, theo Luật BHTG, tiền gửi đã chuyển từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử để sử dụng cho giao dịch không phải là tiền được bảo hiểm. Khoản 3 Điều 4 Luật BHTG cũng quy định, "tổ chức tham gia BHTG là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật Các TCTD được nhận tiền gửi của cá nhân". Do đó, các công ty công nghệ tài chính không phải là tổ chức tham gia BHTG.
Theo một số chuyên gia, luật BHTG và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa quy định rõ về "các hình thức tiền gửi khác", dẫn đến có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với các hình thức như: tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước... Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa vai trò bảo vệ người gửi tiền, hệ thống văn bản pháp lý về BHTG tại Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi. Cụ thể, cần nghiên cứu xem xét bổ sung tiền ký quỹ, tiền gửi trong thẻ trả trước, tiền trong tài khoản ví điện tử (có thể giới hạn đối tượng chủ tài khoản) được BHTG để thích ứng với bối cảnh tài chính và xu hướng tiêu dùng mới của người dân.