Tiền của dân gửi vào ngân hàng tăng mạnh
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tiền gửi dân cư trong tháng 5/2022 tiếp tục tăng tăng 36.889 tỷ so với tháng 4, đạt 5,56 triệu tỷ đồng. Nếu so với cuối năm 2021, tiền gửi của người dân tăng 5,07%, tương đương tăng hơn 268.480 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, số dư tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân đã tăng liên tục 8 quý liên tiếp. Tính đến hết quý I/2022, số dư tiền gửi thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đạt 1,04 triệu tỷ đồng, tăng tới 11% so với thời điểm đầu năm và cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Điều này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư đã chảy mạnh trở lại vào hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng liên tục tăng lãi suất huy động. Nhìn lại 6 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi đã tăng trung bình khoảng 0,5-1 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6-12 tháng so với cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ thanh toán cùng các chương trình khuyến mại của các ngân hàng chính là yếu tố giúp tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng nhanh trong thời gian qua.
Tiền gửi của người dân liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay một phần do sự ảm đạm của các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tăng lãi suất huy động lên mức cao đi kèm các ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút tiền quay trở về hệ thống.
Thực tế thanh toán điện tử và các dịch vụ ngân hàng điện tử đã trở nên phổ biến từ trước COVID-19. Song dưới tác động của đại dịch, dịch vụ ngân hàng điện tử và xu hướng thanh toán không tiền mặt tiếp tục bùng nổ và phát triển mạnh mẽ. Kết quả khảo sát mới nhất của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng vừa được công bố cho thấy, 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Trong đó, gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỉ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn là 82%.
Bên cạnh việc mở tài khoản trực tuyến và trải nghiệm các dịch vụ tiện ích trên ứng dụng ngân hàng, dịch vụ gửi tiết kiệm online đang ngày càng thu hút người tiêu dùng. Động lực thúc đẩy việc áp dụng các hình thức này xuất phát từ sự tiện lợi, người gửi tiền có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến ngân hàng.
Tiền gửi của người gửi tiền được bảo vệ bởi bảo hiểm tiền gửi
Hiện nay, nhiều người dân đã quen với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) – tổ chức tài chính Nhà nước được thành lập năm 1999 và đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000. Đây là tổ chức duy nhất được giao làm đầu mối triển khai chính sách BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Từ những chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN đã thực hiện kiểm tra tại chỗ theo kế hoạch đối với các tổ chức tham gia BHTG, triển khai kiểm tra một số tổ chức tham gia BHTG theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Khi phát hiện các vấn đề sai sót, tồn tại cũng như các rủi ro, yếu kém, BHTGVN sẽ báo cáo NHNN để chấn chỉnh, xử lý. Nhờ vậy, từ năm 2015 cho tới nay chưa xảy ra đổ vỡ, phá sản tổ chức tham gia BHTG. Hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, không có rủi ro lớn mang tính hệ thống. Do đó, quyền lợi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo.
Điều 18, Luật BHTG quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.”
Như vậy, tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tham gia BHTG có nhận tiền gửi của cá nhân đều được bảo hiểm, kể cả tiền gửi thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn) và tiết kiệm trực tuyến (gửi tiết kiệm online), trừ trường hợp là tiền gửi của các đối tượng không được bảo hiểm như sau:
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, tiền gửi không phải bằng Đồng Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi không phải của cá nhân thì không được bảo hiểm.