Với câu hỏi của báo giới về việc nới room tín dụng (hạn mức cấp tín dụng) cho các ngân hàng, ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tới nay, tín dụng toàn hệ thống đang ở mức 8,15%, còn cách khá xa với hạn mức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề ra từ đầu năm là khoảng 14%. Bên cạnh đó, NHNN có thể xem xét, điều chỉnh room tín dụng của từng tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực quản trị, do đó sẽ không có chuyện dòng vốn bị “mắc kẹt”, không lưu thông được.
Góp phần thúc đẩy các ngân hàng cho vay an toàn, nâng cao năng lực quản trị
Trước đó, ngày 8/6 tại hội trường Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh về tính hợp lý của hạn mức cấp tín dụng. Thống đốc nêu thực tế: tại Việt Nam, vốn đầu tư chủ yếu đang dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Dư nợ tín dụng trên GDP hiện ở mức 24%, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nằm trong số nước có hệ số tín dụng cao nhất thế giới.
Việc cấp hạn mức tín dụng được áp dụng từ năm 2011, thể hiện là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng. Trước đây, khi chưa áp dụng công cụ chính sách này, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất cao, tới 30%, cá biệt có năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng tới 53,8%, tạo ra cuộc đua lãi suất huy động tiền cho vay.
Do đó, hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát, GDP, cơ quan điều hành đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng. Chỉ tiêu này có thể sẽ được điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn do chính sách tiền tệ có đặc thù mang tính ngắn hạn và nền kinh tế cũng sẽ chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố trong và ngoài nước, chủ quan và khách quan. Sau khi xác định mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống, NHNN phân loại các ngân hàng, nơi nào có tình hình hoạt động lành mạnh, quản trị tốt sẽ được phân bổ "room" tín dụng cao hơn. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, từ góc độ của các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng nào cũng mong muốn tăng trưởng tín dụng cao, song Ngân hàng Nhà nước phải đứng ở trên góc độ điều hành kinh tế vĩ mô, nếu đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng thì chính sách tiền tệ sẽ không đạt được mục tiêu là kiểm soát lạm phát.
Tại buổi họp báo sáng 15/6, nội dung này tiếp tục được báo giới quan tâm. Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ, những năm gần đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là rất lớn, vượt khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn, nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát sẽ rất lớn dẫn tới áp lực tăng lãi suất huy động. Như vậy, lạm phát cũng sẽ trở nên trầm trọng. Bên cạnh đó, việc cho vay dễ dàng, vượt quá năng lực quản trị của các ngân hàng có thể tác động tới gia tăng nợ xấu, để lại hậu quả trầm kha trong suốt nhiều năm sau. Với bài học kinh nghiệm trong quá khứ, NHNN phải đi song song cả hai chân: Vừa nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, vừa tăng cường giám sát từ sớm, từ xa các hoạt động của ngân hàng thương mại, các lĩnh vực quản trị rủi ro, trong đó có tín dụng. Do đó, mỗi năm, NHNN đều đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo NHNN, hiện có sự phân hóa trong các ngân hàng. Một số ngân hàng còn room tín dụng nhưng có ngân hàng đã gần cạn room. Đây là cơ hội để các ngân hàng xem xét lại khẩu vị rủi ro của mình, “gạn đục khơi trong” trong việc cấp tín dụng. Đối với những tổ chức tín dụng gần hết room, đương nhiên sẽ có trạng thái “phòng thủ” để đảm bảo cân nhắc, cấp tín dụng cho những khách hàng ưu tiên hơn. Đó cũng là dụng ý của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, những khoản nợ chất lượng cao hơn. Về dài hạn, tầm nhìn của NHNN là mong muốn chuyển đổi vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn từ hệ thống ngân hàng sang các thành phần khác của thị trường vốn.
Ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết thêm, hiện trên thế giới có nhiều quốc gia sử dụng công cụ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, trong đó có những nền kinh tế có mức độ phát triển cao hơn so với Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có nhiều hình thức cấp hạn mức tín dụng, ví dụ như có quốc gia cấp hạn mức tín dụng theo doanh nghiệp, theo hộ gia đình, hoặc cấp hạn mức tín dụng cho từng lĩnh vực đặc thù hoặc tính hạn mức chung cho toàn bộ nền kinh tế.
Room tín dụng có thể được cân nhắc trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát
Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú khẳng định, trong những năm qua, NHNN xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, song thực tế luôn có điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tế. Điều chỉnh ở đây nghĩa là chỉ tiêu đặt ra là 14%, song thực tế có thể thắt chặt chỉ 11-12%, hoặc có thể nới lên tới 15-16%. Do đó, đây không phải là một hạn mức cứng nhắc.
Theo Phó Thống đốc Thường trực, nếu không có những hậu quả dịch Covid-19 để lại thì mức mức tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp. Sau dịch, nền kinh tế khôi phục nhanh, nhu cầu vốn tăng cao nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề sâu hơn, trong nhu cầu vốn đó đang phải "bao sân" cho phần vốn đang được cơ cấu lại cho các doanh nghiệp bằng chính sách giãn, hoãn hàng trăm ngàn tỉ đồng. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, số vốn này đã được quay vòng, đã được trả nợ cho ngân hàng và bước vào những vòng quay tín dụng mới. Nhu cầu vay vốn mới bổ sung tạo áp lực cho tăng trưởng tín dụng, dẫn đến một số ngân hàng phản ánh gần hết room tín dụng. NHNN đang theo dõi sát tình hình hoạt động của các ngân hàng để đánh giá đúng, kịp thời.
Phó Thống đốc khẳng định, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động mạnh, nhiều tác động phức tạp, NHNN đã xây dựng các phương án điều hành chính sách tiền tệ cùng với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.
"Kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ điều hành theo hướng để các tổ chức tín dụng tiếp tục cung ứng vốn một cách hợp lý trên cơ sở kiểm soát lạm phát"- Phó Thống đốc nhấn mạnh. Về room tín dụng, NHNN sẽ tính toán, đánh giá, phân tích để xác định trong trường hợp cần điều chỉnh thì sẽ điều chỉnh vào thời điểm nào, tăng thêm như thế nào một cách phù hợp.