Góp phần quản lý chất lượng tín dụng
Theo NHNN, trần hạn mức tín dụng là công cụ điều hành quan trọng, góp phần quản lý chất lượng tín dụng. NHNN sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng ngân hàng để giao hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội và Chính phủ, hàng năm NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cho cả năm của toàn hệ thống để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Việc NHNN kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng hàng năm của cả hệ thống là cần thiết
Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là có những giải pháp phù hợp ổn định nền kinh tế, ổn định vĩ mô là tối quan trọng. Với quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP hiện nay, tức là nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, nên nếu bỏ trần hạn mức sẽ gây ra nhiều bất ổn.
"Tại Việt Nam, vốn tín dụng ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế là chủ yếu, trong khi thị trường cung ứng vốn ở các nước khác từ nhiều thị trường như chứng khoán và trái phiếu. Nếu không quản lý tốt, hài hoà, sẽ khiến các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu nguy cơ tăng lên"- Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định.
Cũng theo Phó Thống đốc NHNN, hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa đảm bảo tăng trưởng vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng, trước mắt là công cụ hiệu quả hữu hiệu. “Nếu như không quản lý tốt việc tăng trưởng sẽ tạo ra sự bất ổn ngay tại các ngân hàng thương mại. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng ở một ngân hàng trong năm tăng lên đến vài chục phần trăm, việc ồ ạt đưa tín dụng ra thị trường thì chất lượng sẽ không đảm bảo. Như vậy 1-2 năm, nợ xấu của nền kinh tế sẽ dâng lên, dẫn đến sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô”- ông Tú phân tích.
Theo các chuyên gia, việc duy trì hạn mức tín dụng còn nhằm ổn định thanh khoản và mặt bằng lãi suất (giai đoạn 2016-2020 lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 3,6%/năm so với giai đoạn 2011-2015). Đồng thời, thúc đẩy TCTD nâng cao năng lực tài chính, củng cố vốn điều lệ và chất lượng quản trị, điều hành tiệm cận với thông lệ quốc tế. Thông thường, khi giao chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD, NHNN sẽ chú ý những chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, thúc đẩy TCTD khẩn trương thực hiện Đề án tái cơ cấu, tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần lành mạnh hóa hệ thống. NHNN sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.
Hơn nữa, biện pháp điều hành thông qua hạn mức tín dụng còn góp phần kiểm soát và điều tiết lượng tiền cung ứng ra nền kinh tế, kiểm soát số nhân tiền tệ, đảm bảo mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán theo mục tiêu đề ra trong điều hành chính sách tiền tệ hàng năm, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu được Quốc hội đề ra; khuyến khích thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển để cung ứng nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, giảm sự lệ thuộc vào vốn ngân hàng.
Quan trọng hơn nữa là thông qua hạn mức tín dụng, cơ quan quản lý có thể định hướng cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực là động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Thực tế, hạn mức tín dụng cao hơn cũng được xem xét cho những ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ vậy, dòng vốn sẽ được điều chỉnh vào sản xuất, kiểm soát chặt cho vay với lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản
Theo số liệu của NHNN, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên ước luôn chiếm tỷ trọng lớn, đến cuối tháng 6/2021, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng gần 6% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng gần 25% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng gần 4% so với cuối năm 2020, chiếm hơn 19% tổng dư nợ toàn nền kinh tế...
Trong những năm qua, NHNN luôn kiên định mục tiêu điều hành và đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản (BĐS), chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; trong đó tập trung vào việc ban hành cơ chế chính sách (thông qua các quy định về đảm bảo an toàn; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; quy định hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay tiêu dùng lớn, các khoản phải đòi để đầu tư kinh doanh chứng khoán; phân tích dự báo tình hình và yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo, phản ánh tình hình cũng như sử dụng công cụ kiểm tra, giám sát để đảm bảo dòng vốn tập trung vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát lĩnh vực rủi ro và có cảnh báo kịp thời để đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo đánh giá của NHNN và thực tế triển khai tại các tổ chức tín dụng, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua trong tầm kiểm soát về cả quy mô và chất lượng tín dụng. Cụ thể, đến cuối tháng 5/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng khoảng 6,3% so với tháng 12/2020, trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm tỷ trọng lớn hơn (kinh doanh BĐS tăng trên 5 %, tín dụng tiêu dùng BĐS tăng trên 7%). Đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, đến 30/6/2021, dư nợ lĩnh vực này tăng khoảng trên 10%.
Năm 2021 giao chỉ tiêu tín dụng phù hợp thực tiễn
Năm 2021, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2021 khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Trong hoàn cảnh hiện nay, phục hồi kinh tế toàn cầu có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng quá trình phục hồi còn nhiều bất trắc phụ thuộc vào làn sóng Covid-19 mới phát sinh, biến động giá hàng hóa cơ bản và xu hướng lạm phát toàn cầu gia tăng, một số nước mới nổi và đang phát triển (Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga) đã tăng lãi suất để đối phó với rủi ro lạm phát.
Trong nước, tổng cầu của nền kinh tế đang phục hồi nhưng chưa về mức trước dịch (tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ 3 tháng đầu năm 2021 loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 4,42% so với cùng kỳ năm 2020); mặc dù lạm phát tháng 3 giảm trên diện rộng do quy luật mùa vụ sau Tết (Lạm phát bình quân Quý 1/2021 là 0,29%). Tuy nhiên, không thể chủ quan với rủi ro lạm phát và rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô với bối cảnh toàn cầu như đề cập ở trên.
Vì vậy, trong điều hành phải đảm bảo nguyên tắc tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo bám sát chủ trương, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng của Đảng và Chính phủ; chú trọng tăng về chất, không đặt nặng tăng quy mô, phải thận trọng với rủi ro lạm phát.
NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tín dụng cho từng TCTD đầu năm, cơ quan này thường có đợt nới “room” lần 2 vào nửa cuối năm. Điều này cũng dẫn đến việc các TCTD sử dụng hết hạn mức ngay từ giữa năm, hoặc quý III, trước khi NHNN xét duyệt nới thêm room tín dụng đợt 2.
Đó cũng là lý do các ngân hàng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20-30% trong năm nay, cho dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành được NHNN thông tin từ đầu năm 2021 là 12%. Theo kiến nghị của các TCTD, NHNN đang tiến hành xem xét và đánh giá, trên cơ sở đó sẽ cấp thêm “room” tín dụng cho các ngân hàng.
Trước đó, từ đầu năm, NHNN đề ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Kịch bản 1, nếu việc tiêm vaccine đại trà và dịch Covid-19 được kiểm soát, tín dụng sẽ tăng 12% đến 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vaccine kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10% đến 12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 7% đến 8%.
Với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, NHNN đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12%, nhưng sẽ điều chỉnh linh hoạt. Với mức tín dụng gần 5,5% ở thời điểm giữa tháng 6, theo NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% vào cuối năm nay sẽ đạt được, thậm chí nếu thuận lợi có thể mở rộng tín dụng cao hơn con số này.
Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực quản trị và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay.