Hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền
Theo một khảo sát do Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) thực hiện mới đây, trên toàn thế giới, hạn mức trả tiền bảo hiểm có sự phân hóa rõ rệt từ mức dưới 1.000 USD cho tới bảo hiểm toàn bộ. Thực tế, hầu hết các quốc gia đều áp dụng việc bảo hiểm có giới hạn, trong khi số quốc gia bảo đảm toàn bộ cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có sự khác biệt này chính là bởi sự khác biệt về môi trường tài chính – ngân hàng của mỗi nước cũng như mục tiêu công của chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý giữa bảo vệ người gửi tiền, ổn định tài chính và kỷ luật thị trường, Nguyên tắc 8 về Hạn mức Bảo hiểm trong Bộ nguyên tắc cơ bản sửa đổi của IADI năm 2014 và Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả tháng 3/2013 đưa ra khuyến nghị với các tổ chức BHTG như sau: Các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng mức độ và phạm vi bảo hiểm tiền gửi. Hạn mức nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để tuân theo kỷ luật thị trường. Hạn mức bảo hiểm tiền gửi cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống bảo hiểm tiền gửi, bao gồm quá trình trả tiền bảo hiểm và các nỗ lực về nhận thức công chúng.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm phải được thiết lập phù hợp với các mục tiêu chính sách, theo đó phần lớn người gửi tiền tại các ngân hàng có nguy cơ bị xử lý được bảo vệ toàn bộ, trong khi phần lớn giá trị các khoản tiền gửi có xu hướng tuân theo kỷ luật thị trường. Với việc sử dụng dữ liệu về số lượng người gửi tiền được bảo hiểm và tỷ lệ tổng giá trị tiền gửi được bảo hiểm theo các hạn mức bảo hiểm khác nhau (tất cả các khoản tiền gửi/người gửi tiền đủ điều kiện được bảo hiểm), các cơ quan có thẩm quyền có thể thiết lập hạn mức bảo hiểm để bảo vệ nhiều người gửi tiền nhất có thể, trong khi để lại một lượng lớn giá trị tiền gửi không được bảo hiểm. Qua việc xác định một hạn mức trả tiền bảo hiểm có giới hạn, người gửi tiền trực tiếp tham gia vào quá trình duy trì kỷ luật thị trường thông qua việc lựa chọn tổ chức tín dụng an toàn, hoạt động lành mạnh để gửi tiền. Bên cạnh đó, các ông chủ nhà băng cũng phải kiểm soát ngân hàng của mình tránh khỏi các quyết định rủi ro quá mức có thể dẫn tới nguy cơ đổ vỡ.
Hạn mứctrả tiền bảo hiểm cũng phải đạt yêu cầu về mức độ đáng tin cậy.Thông thường, cơ quan có thẩm quyền ước lượng giá trị tiền gửi có nguy cơ rủi ro và khả năng đổ vỡ, qua đó xác định xem có một cơ chế cấp vốn đáng tin cậy để chi trả không.Nếu cần, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phát triển cơ chế cấp vốn để đảm bảo đủ nguồn chi trả sẵn có.Hầu hết các cấu trúc xây dựng quỹ bao gồm sự kết hợp giữa cơ chế cấp vốn trước, cấp vốn sau và cấp vốn dự phòng khẩn cấp. Theo cơ chế cấp vốn trước, quy mô phù hợp của quỹ và các mức phí cần thiết để xây dựng quỹ theo thời gian phải được xác định. Theo cơ chế cấp vốn sau, việc xây dựng quỹ đảm bảo cần có tính thanh khoản.Tất cả các cơ chế cấp vốn cần phải tính đến các kế hoạch cấp vốn dự phòng khẩn cấp.Nếu nguồn quỹ không có sẵn hoặc quá nhỏ đối với một đất nước, hạn mức bảo hiểm cần phải giảm xuống hoặc thu hẹp lại.
Tại Việt Nam, quyền lợi của người gửi tiền được bảo vệ như thế nào?
Tại Việt Nam, theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền này được Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Từ ngày 05/08/2017, hạn mức này đã được điều chỉnh lên 75 triệu đồng. Dù hạn mức trả tiền bảo hiểm được điều chỉnh tăng nhưng phí bảo hiểm tiền gửi vẫn không thay đổi nhằm tránh gây áp lực đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Tuy nhiên, không nên hiểu nhầm rằng với hạn mức nêu trên, khi tổ chức tín dụng phá sản, người gửi tiền được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng đó chỉ được nhận tối đa 75 triệu đồng, dù khoản tiền gửi có thể lên tới hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đồng. Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, số tiền gửi được bảo hiểm vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật. Như vậy người gửi tiền với vượt hạn mức sẽ có thể tiếp tục được hoàn trả tiền gửi sau khi thanh lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Có thể nói, việc cho phá sản tổ chức tín dụng là sự kiện không mong muốn, có thể tác động tới nhiều đối tượng khác nhau. Sáng 26/10 vừa qua, giải trình trước Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, đối với phương án phá sản, thẩm quyền quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản thuộc Chính phủ trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc phá sản đối với sự an toàn của toàn hệ thống, rủi ro tiềm ẩn đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng, khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác, như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện chính sách BHTG, cũng là một thành viên trong mạng an toàn tài chính quốc gia,là một trong những công cụ của Chính phủ trong việc bảo vệ người gửi tiền và giữ an toàn hệ thống. Bên cạnh bảo hiểm tiền gửi, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn có các công cụ khác nhằm thực hiện mục tiêu chính sách công này như các chính sách kinh tế vĩ mô, ngân hàng trung ương thực hiện vai trò “người cho vay cuối cùng” để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, chính sách thuế… để đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Quốc hội khóa XIV hiệnđang thảo luận nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng, trong đó, quyền lợi của người gửi tiền nhận được sự quan tâm lớn tại nghị trường. Chắc chắn, dự luật sau khi được thông qua sẽ đảm bảo thấu tình, đạt lý, bảo vệ tốt cho người gửi tiền, đồng thời giữ an toàn hệ thống trong bối cảnh tái cơ cấu ngân hàng đang tới giai đoạn nước rút./.