. Để đạt được hiệu quả tối đa cho mục tiêu cuối cùng của chính sách BHTG là củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, hạn mức BHTG cần được điều chỉnh định kỳ, theo sát những bước phát triển của nền kinh tế cũng như mức sống của người dân.
Cơ sở xác định hạn mức BHTG
Nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý giữa bảo vệ người gửi tiền, ổn định tài chính và kỷ luật thị trường, Nguyên tắc 8 về hạn mức bảo hiểm trong Bộ nguyên tắc cơ bản sửa đổi của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) năm 2014 khuyến nghị: Các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng mức độ và phạm vi BHTG. Hạn mức nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để tuân theo kỷ luật thị trường.
Theo đó, IADI hướng dẫn cụ thể cách thức thiết lập hạn mức bảo hiểm tiền gửi như sau:
Thứ nhất, việc xác định hạn mức trả tiền phù hợp có thể liên quan đến một quá trình cân bằng các mục tiêu chính sách của các nước với chi phí của chính sách đó. Với việc sử dụng dữ liệu về số lượng người gửi tiền được bảo hiểm và tỷ lệ tổng giá trị tiền gửi được bảo hiểm theo các hạn mức bảo hiểm khác nhau (tất cả các khoản tiền gửi/người gửi tiền đủ điều kiện được bảo hiểm), các cơ quan có thẩm quyền có thể thiết lập hạn mức bảo hiểm để bảo vệ nhiều người gửi tiền nhất có thể, trong khi để lại một lượng lớn giá trị tiền gửi không được bảo hiểm.
Tính hợp lý của hạn mức bảo hiểm có thể được xác định trong bối cảnh của tổng thể nền kinh tế cũng như tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nếu ở mức quá thấp, những người gửi tiền tương đối nhỏ có thể rút tiền ồ ạt khi xảy ra sự cố đối với ngân hàng của họ. Nếu hạn mức là quá cao, người gửi tiền sẽ không quan tâm đến rủi ro của ngân hàng, do đó không duy trì được kỷ luật thị trường, các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro đạo đức khi chấp nhận những hoạt động có rủi ro cao hơn.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền ước lượng giá trị tiền gửi có nguy cơ rủi ro và khả năng đổ vỡ. Các phương pháp ước lượng có thể mang tính kỹ thuật như giá trị chịu rủi ro hoặc xác suất đổ vỡ ngân hàng; hoặc trực tiếp hơn như bảo hiểm được một số lượng nào đó các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa.
Thứ ba, sau khi xác định số tiền tối đa của các khoản tiền gửi có nguy cơ rủi ro, các cơ quan có thẩm quyền phải xác định xem có một cơ chế cấp vốn đáng tin cậy để chi trả không. Nếu cần, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phát triển cơ chế cấp vốn để đảm bảo đủ nguồn chi trả sẵn có.
Nếu nguồn quỹ không có sẵn hoặc quá nhỏ đối với một đất nước, hạn mức bảo hiểm cần phải giảm xuống hoặc thu hẹp lại. Giảm hạn mức bảo hiểm hoặc phạm vi bảo hiểm có thể làm giảm các yêu cầu góp vốn.
Cân nhắc tăng hạn mức BHTG
Việc xác định hạn mức chi trả cho người gửi tiền một cách hợp lý trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi đổ vỡ là hết sức quan trọng. Nếu xét về khía cạnh tác động trực tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi và thị trường tài chính, mức độ Nhà nước chi trả phải bảo đảm tác động được tối đa tới càng nhiều người gửi tiền và càng nhiều số tiền gửi càng tốt. Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh tác động gián tiếp, nếu như mức cam kết chi trả quá cao và quá rộng sẽ dẫn tới sự thờ ơ, ỷ lại của người dân trong việc đánh giá tín nhiệm, chất lượng của các tổ chức tín dụng để gửi tiền. Bên cạnh đó, cũng sẽ dễ dẫn tới các hành vi lạm dụng, lợi dụng chính sách, vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà không chú ý nâng cao hiệu quả hoạt động và củng cố hệ thống quản trị rủi ro của các tổ chức nhận tiền gửi. Từ đó, lại làm cho rủi ro mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của các tổ chức nhận tiền gửi cũng như toàn bộ hệ thống ngày càng cao. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều rất chú trọng xác định mức này hợp lý cho từng thời kỳ.
Tại Việt Nam, hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng nhiều lần được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế. Cụ thể, tại Nghị định 89/1999/NÐ-CP của Chính phủ về BHTG ngày 01/9/1999 đã quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG, tối đa là 30 triệu đồng. Sau 5 năm hoạt động, đến năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NÐ-CP ngày 24/8/2005 sửa đổi Nghị định 89/1999/NÐ-CP, Chính phủ đã nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 50 triệu đồng để phù hợp với sự thay đổi của điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Và mới đây nhất, theo Quyết định số 21/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 05/8/2017, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được nâng từ 50 triệu đồng lên mức 75 triệu đồng.
Theo thống kê, với hạn mức 75 triệu đồng hiện nay, BHTGVN có khả năng bảo vệ toàn bộ được hơn 87% số lượng người gửi tiền. Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế,. bảo đảm được quyền lợi người gửi tiền và góp phần tích cực làm ổn định thị trường tài chính.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi mà kinh tế Việt Nam đang được kỳ vọng tiếp tục phát triển, thu nhập dân cư ngày càng cao thì lượng tiền gửi của dân cư cũng tăng theo, đồng thời nhu cầu phải ổn định tâm lý người gửi tiền cũng cao hơn. Bên cạnh đó, mặt bằng giá cũng liên tục tăng trong thời gian vừa qua kèm theo việc thực hiện chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 (2016-2020) cũng đang tác động ít nhiều đến tâm lý người gửi tiền. Vì vậy, việc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, góp phần thúc đẩy lành mạnh hóa và ổn định thị trường tài chính trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.
Không chỉ vậy, sự gia tăng không ngừng của các dịch vụ tài chính mới trong thị trường tài chính - ngân hàng cũng là một yếu tố tác động đến giá trị thực của hạn mức chi trả BHTG. Trong một thị trường tài chính - ngân hàng tiềm năng, kinh tế đang phát triển, ngày càng nhiều các công cụ tài chính mới được ra đời, thay thế những công cụ truyền thống; sản phẩm tiền gửi đang không ngừng bị cạnh tranh bởi sự ra đời và phát triển các công cụ đầu tư khác; lợi nhuận và những tiện ích của những sản phẩm tài chính mới khiến cho tính hấp dẫn của tiền gửi bị lung lay trong một số thời điểm khi người dân có nhiều lựa chọn cho việc đầu tư, tích lũy của cải của mình. Ðiều này dẫn đến cần thiết phải có sự cân nhắc thay đổi hạn mức chi trả BHTG kịp thời cho phù hợp tình hình hiện tại để củng cố lòng tin của người gửi tiền vào sản phẩm truyền thống này, bảo vệ tính an toàn của hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, tại các sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG tới đông đảo công chúng trên phạm vi cả nước, cũng có rất nhiều người dân, tổ chức tham gia BHTG hay các cơ quan liên quan có ý kiến, kiến nghị về hạn mức chi trả BHTG. Họ mong muốn hạn mức được điều chỉnh nâng lên mức cao hơn nữa để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, duy trì niềm tin công chúng và thích ứng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Lưu Văn Lệ – một khách hàng của QTDND Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện tại, tôi đang có tiền gửi tại QTDND Thanh Lãng, cũng có tìm hiểu và được biết hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi hiện nay là 75 triệu đồng. Theo tôi hạn mức này chưa đảm bảo được quyền lợi của tôi, song tôi nghĩ việc phá sản ngân hàng là khó có thể xảy ra nên cũng không quan tâm lắm. Tuy nhiên, nếu có thể thì nên tăng hạn mức chi trả bảo hiểm lên sẽ tốt hơn, khi ấy tôi cũng tự tin hơn khi gửi tiền vào các TCTD.
“Hiện có khá nhiều khách hàng có số dư tiền gửi cao hơn đến 4-5 lần hạn mức BHTG và thực tế vẫn có nhiều khách hàng có số dư tiền gửi từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ. Rất nhiều khách hàng cho rằng hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay thấp. Tôi không cho rằng nên bảo hiểm toàn bộ số dư tiền gửi của khách hàng, mà nên thiết kế đảm bảo một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm. Như vậy người gửi tiền sẽ có cơ hội cân nhắc, cẩn trọng trong việc tìm đến các TCTD hoạt động tốt, có thương hiệu để gửi tiền và đây cũng là để các TCTD có cơ hội cạnh tranh công bằng trên cùng địa bàn hoạt động. Tuy nhiên, để chính sách phù hợp hơn với thực tiễn, phù hợp với mức thu nhập và tiền gửi của người dân, hỗ trợ tốt hơn cho các đơn vị trong công tác huy động vốn, đề nghị Chính phủ sớm nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm trong thời gian tới” - ông Nguyễn Như Đôn – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Ninh kiến nghị.
Những nhận định trên cho thấy việc tăng hạn mức chi trả BHTG trong tương lai gần là một điều cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa cho mục tiêu cuối cùng của chính sách BHTG là củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, góp phần bảo đảm tính an toàn lành mạnh của hệ thống, việc tăng hạn mức chi trả BHTG cũng cần được cân nhắc cụ thể và chi tiết.
Theo đó, để nâng hạn mức chi trả BHTG, trước hết cần nâng cao nguồn lực tài chính của BHTGVN. Tuy nhiên, để tăng năng lực tài chính của BHTGVN, cũng cần phải xét đến điều kiện cụ thể nguồn tăng này là từ phí BHTG hay từ ngân sách cấp. Hơn nữa, việc tăng hạn mức chi trả BHTG cũng cần xét đến rủi ro đạo đức của các tổ chức nhận tiền gửi. Bởi khi hạn mức chi trả cao, các tổ chức nhận tiền gửi có xu hướng sử dụng tiền gửi vào những dự án có rủi ro cao để theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, vì họ đã yên tâm có sự bảo vệ cần thiết khi đổ vỡ chẳng may xảy ra…