Sau một thời gian dài chuẩn bị, tháng 5/2015, hệ thống BHTG Trung Quốc đã chính thức được thành lập. Ngày 11/8/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát hành Báo cáo thường niên về ổn định tài chính, trong đó có nội dung về hệ thống BHTG nước này. Hệ thống BHTG tại Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình BHTG hiệu quả, đồng thời phù hợp với thực trạng và bối cảnh phát triển chung của Trung Quốc.
Tổ chức tham gia BHTG và tiền gửi được bảo hiểm
Cơ quan quản lý Quỹ BHTG được thành lập với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền; đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh bình đẳng trong hệ thống ngân hàng. Theo Luật BHTG, các tổ chức tài chính nhận tiền gửi trên lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm: các NHTM, các NH hợp tác xã nông thôn và các Hiệp hội tín dụng nông thôn là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHTG. Chi nhánh tại nước ngoài của các tổ chức tham gia BHTG và chi nhánh nội địa của các NH nước ngoài sẽ không thuộc đối tượng được BHG trừ phi có thỏa thuận giữa Trung Quốc và các quốc gia này.
Đối với tiền gửi được bảo hiểm: cả tiền gửi bằng Nhân dân tệ và ngoại tệ của cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức đều thuộc đối tượng được bảo hiểm, bao gồm cả gốc lẫn lãi.
Tiền gửi của tổ chức tham gia BHTG, cán bộ cấp cao của tổ chức tham giam BHTG và Cơ quan quản lý Quỹ BHTG không thuộc đối tượng được bảo hiểm.
Hạn mức trả BHTG
Theo kinh nghiệm quốc tế, hạn mức trả BHTG cần được thiết lập để bảo vệ được 90% người gửi tiền hoặc cao gấp 2-5 lần GDP đầu người. Trong bối cảnh xu hướng tiết kiệm của người dân Trung Quốc ngày càng cao, tiền gửi đóng một vai trò quan trọng trong hình thành nguồn vốn ngân hàng và duy trì an ninh xã hội; hạn mức trả BHTG được xác định ở mức 500.000 Nhân dân tệ (khoảng 78.000 USD), tương đương 10,7 lần GDP đầu người năm 2014 và cao hơn nhiều quốc gia khác.
Theo thống kê, hạn mức này có thể bảo vệ toàn bộ được 99,63% người gửi tiền. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các tài khoản tiền gửi lớn hơn mức này sẽ không được bảo vệ. Trong những năm gần đây, hệ thống ngân hàng Trung Quốc hoạt động ổn định với các chỉ số về giám sát tài chính và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tốt. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát rủi ro của toàn hệ thống cũng được nâng tầm. Việc thiết lập mô hình BHTG góp phần củng cố mạng an toàn tài chính quốc gia, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực ngân hàng. Kinh nghiệm quốc tế là minh chứng rõ rệt cho việc khi tổ chức tài chính bị đổ vỡ, ngay lập tức tiền gửi tại đây sẽ được chuyển qua các ngân hàng lành mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền. Theo Luật BHTG, ngoài việc thực hiện chi trả BHTG trong hạn mức theo quy định, Cơ quan quản lý Quỹ BHTG có thể hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tham gia BHTG đủ điều kiện để thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập về tài sản, nợ từ các tổ chức đã được tiếp nhận hoặc các ngân hàng đã được công bố là phá sản nhằm bảo vệ đầy đủ và tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền.
Quỹ BHTG và hệ thống phí BHTG
Quỹ BHTG được hình thành trên cơ sở thu phí từ các tổ chức tham gia BHTG nhằm duy trì trật tự trên thị trường tài chính. Việc bảo toàn và sử dụng, đầu tư Quỹ này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại Luật BHTG, cụ thể: mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHTW, trái phiếu tài chính được xếp hạng tín nhiệm cao, một số trái phiếu phi tài chính xếp hạng tín nhiệm cao và được Quốc vụ viện chấp thuận.
Hệ thống phí BHTG là sự kết hợp giữa tỷ lệ phí cơ bản và phí theo mức độ rủi ro. Việc xác định tỷ lệ phí tiêu chuẩn do Cơ quan quản lý Quỹ BHTG quyết định và điều chỉnh trên cơ sở một số yếu tố kinh tế, điều kiện tài chính, cơ cấu tiền gửi và mức độ tích lũy của Quỹ BHTG. Tỷ lệ phí tiêu chuẩn sẽ được áp dụng sau khi được Quốc vụ viện thông qua. Cơ quan quản lý Quỹ BHTG sẽ căn cứ vào hồ sơ rủi ro của từng tổ chức tham gia BHTG mà áp mức phí phù hợp.
Việc kết hợp sử dụng tỷ lệ phí cơ bản và phí theo mức độ rủi ro sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh lành mạnh và tạo động lực phấn đấu cho các ngân hàng, qua đó giúp duy trì trật tự thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính.
Vai trò – chức năng
Theo Luật BHTG, Cơ quan quản lý Quỹ BHTG có chức năng đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ thống giám sát ngân hàng hiện hành và nâng cao hiệu quả của việc phát hiện và phòng ngừa rủi ro.
Trên cơ sở đó, Cơ quan quản lý Quỹ BHTG sẽ có một số quyền hạn sau:
- Kiểm tra thông tin liên quan đến tính phí BHTG, bao gồm cả các thông tin và tài liệu do các tổ chức tham gia BHTG gửi;
- Tham gia giám sát tài chính và hệ thống chia sẻ thông tin, yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG nộp tài liệu phục vụ cho mục đích bảo vệ Quỹ (nếu cần);
- Chi trả BHTG kịp thời, xác định tỷ lệ phí BHTG;
- Cảnh báo rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG trong trường hợp có nguy cơ đe dọa an toàn của người gửi tiền và Quỹ BHTG, ví dụ: không đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ;
- Có biện pháp khắc phục cần thiết đối với các tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ suy giảm vốn và có thể đe dọa an toàn Quỹ BHTG;
Việc vận hành Cơ quan quản lý Quỹ BHTG sẽ góp phần bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền, hạn chế sử dụng nguồn Quỹ, qua đó tăng cường chế tài xử lý nhanh và hiệu quả, bảo đảm hoạt động kinh doanh và dịch vụ diễn ra một cách bình thường, duy trì ổn định thị trường tài chính.