Đài Loan là nơi đầu tiên của châu Á thành công trong việc căn cứ vào Hệ thống cảnh báo sớm tình hình tài chính các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) làm cơ sở để xây dựng Hệ thống cảnh báo quốc gia về tài chính rất hiệu quả.
Hệ thống cảnh báo sớm tình hình tài chính các tổ chức tham gia BHTG ở Đài Loan là một mô hình thống kê để các cơ quan quản lý tài chính đánh giá định kỳ tình hình hoạt động của tất cả các tổ chức tài chính nhận tiền gửi bao gồm: ngân hàng, công ty tín thác đầu tư, hiệp hội hợp tác xã tín dụng và hiệp hội tín dụng nông dân, ngư dân.
Đầu năm 1985, một số sự kiện xảy ra đã gây hoảng loạn trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy sự cấp thiết cần có hệ thống BHTG. Bộ Tài chính và ngân hàng Trung ương Đài Loan đã tổ chức và tài trợ thành lập CDIC nhằm kiểm soát hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, phát hiện sớm các vấn đề của các tổ chức này để kịp thời có các hoạt động hỗ trợ, kiểm soát cần thiết, đồng thời hình thành công cụ hữu hiệu cho công tác kiểm tra tài chính và phân tích, quản trị rủi ro. CDIC ngay từ đầu đã thành lập hệ thống cảnh báo sớm tình hình tài chính của các tổ chức tham gia BHTG. Hệ thống này đã phát huy hiệu quả cao. Năm 1993, Bộ Tài chính đã ủy quyền cho CDIC phát triển và xây dựng thành Hệ thống cảnh báo sớm tài chính của quốc gia, được đưa vào sử dụng từ tháng 6/1993. Việc phát hiện và cảnh báo được dựa trên các chỉ số về vốn (C), chất lượng “tài sản có“ (A), năng lực quản lý (M), khả năng sinh lời (E), tính thanh khoản (L), độ nhạy cảm với rủi ro thị trường và các chỉ tiêu khác. Năm 2000, hệ thống này đã được phát triển thành phiên bản chạy trên mạng máy tính. Quá trình vận hành trong nhiều năm cho thấy, hệ thống cảnh báo này rất hiệu quả trong việc phản ánh tình trạng hoạt động của tổ chức tài chính và cho phép hoạt động kiểm tra phát huy hiệu quả đầy đủ. Các hoạt động chính của hệ thống này bao gồm: chuẩn bị và đệ trình báo cáo theo định kỳ để trao đổi thông tin kiểm tra, hiệu quả của kiểm tra; công bố tình hình tài chính và các chỉ số có liên quan của tổ chức tài chính trong nội dung báo cáo định kỳ quý của CDIC để tăng cường kỷ cương thị trường; yêu cầu tổ chức tham gia BHTG củng cố hoạt động nếu hệ thống cảnh báo sớm có thông báo hoặc kết quả kiểm tra cho thấy là cần thiết nhằm giảm rủi ro bảo hiểm; xác định các chỉ số liên quan tới kết quả kiểm tra để làm cơ sở cho việc ấn định phí rủi ro áp dụng cho từng tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát, cải thiện hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Hệ thống cảnh báo sớm của CDIC sử dụng 2 công cụ giám sát chính là:
- Hệ thống kiểm tra và đánh giá dữ liệu: tập trung đánh giá các chỉ tiêu sau: mức đủ vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản lý, thu nhập, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm rủi ro thị trường và các chỉ số khác. Ngoài ra dựa vào đặc điểm của mỗi nhóm tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cùng hạng mức để lựa chọn các tiêu chuẩn đánh giá cho mỗi mục đánh giá lấy từ báo cáo kiểm tra của các cơ quan giám sát ngành ngân hàng qua các năm.
- Hệ thống xếp hạng tham chiếu báo cáo: sử dụng các hạng mức tham chiếu thống kê nhằm xây dựng mô hình phân tích. Hệ thống này thu thập dữ liệu từ các báo cáo giám sát hàng quý về các tổ chức tài chính và sử dụng phương pháp thử nghiệm thống kê nhằm lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá quan trọng về mặt thống kê nhưng ít có quan hệ với nhau. Các hạng mức tham chiếu cho từng chỉ tiêu đánh giá và các hạng mức tham chiếu hợp nhất được tính toán cho từng nhóm cùng hạng mức để phát hiện các tổ chức tài chính nào cần chú ý đặc biệt. Từ mức phân loại tổng hợp của mỗi nhóm tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, CDIC có thể so sánh tình trạng và xu hướng hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.
Hệ thống cảnh báo sớm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không phải là liều thuốc chữa bách bệnh mà chủ yếu để đánh giá tình hình tài chính, có thể phát hiện những thay đổi và biến động tài chính chung của các tổ chức tham gia BHTG, nhưng là mô hình thống kê nên hệ thống EWS này không phát hiện được những gian lận hoặc các vấn đề trong quản lý đặc thù. Vì vậy hoạt động kiểm tra tại chỗ và các phương pháp giám sát khác cần được bổ sung trong hệ thống EWS này.
Việc xây dựng, phát triển và vận hành có hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về tài chính được đánh giá là thành công to lớn của CDIC, góp phần quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra nhằm phát hiện rủi ro của tổ chức tài chính, góp phần bình ổn nền kinh tế vĩ mô.
Ở Việt Nam, BHTG là một định chế tài chính của Chính phủ, là tổ chức công đóng vai trò thực hiện chính sách công cho hoạt động tiền tệ và không vì mục tiêu lợi nhuận, đây là tổ chức quan trọng và là mắt xích trong mạng an toàn tài chính quốc gia. Vì có chức năng giám sát, đánh giá rủi ro và đưa ra những cảnh báo sớm nhằm chấn chỉnh hoạt động, bảo đảm sự lành mạnh của từng tổ chức tham gia bảo hiểm. Cảnh báo sớm tình hình hoạt động các tổ chức tín dụng là công cụ rất mạnh thể hiện rõ vai trò cũng như sự phối hợp của tổ chức BHTG với các thành viên trong mạng an toàn tài chính quốc gia. Hơn nữa, một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả, giảm thiểu rủi ro là phải có hoạt động quản lý và giám sát tốt, liên tục đánh giá tình hình kinh tế và hệ thống ngân hàng.
Để từng bước xây dựng thành công Hệ thống cảnh báo sớm đối với các tổ chức tham gia BHTG nhằm kịp thời đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo sớm hơn những rủi ro của từng tổ chức tín dụng nhằm chấn chỉnh hoạt động, bảo đảm tính lành mạnh của từng tổ chức tín dụng thì BHTGVN cần phải được chú trọng trong những vấn đề chủ yếu sau:
- Nâng cao năng lực thể chế của BHTGVN: năng lực thể chế của BHTG còn yếu, ở nước ta vẫn chưa tạo lập được môi trường pháp lý vững chắc cho hoạt động BHTG, trong khi ở các nước Luật BHTG thường được ban hành trước khi tổ chức BHTG ra đời.
- Nâng cao năng lực giám sát các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: Lợi ích của người gửi tiền và sự ổn định xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ vào tình hình hoạt động của các tổ chức tài chính tham gia bảo hiểm tiền gửi. Để hiểu đầy đủ tình hình hoạt động mới nhất của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và xác định sớm vấn đề của các tổ chức này, BHTGVN cần phải có một hệ thống giám sát hiệu quả với công nghệ hiện đại để đánh giá thường xuyên rủi ro của các tổ chức tài chính. Đây không phải là hoạt động giám sát của cơ quan quản lý nhà nước mà là giám sát mang tính chuyên ngành để đưa ra những cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động ngân hàng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Giám sát của BHTG cũng là một khâu rất quan trọng, tạo ra một hệ thống thông tin độc lập để phục vụ cho giám sát tài chính quốc gia.
- Cần tạo lập cơ chế chia sẻ thông tin định kỳ cũng như bất thường một cách kịp thời, chính thức hóa giữa BHTGVN với các cơ quan giám sát khác như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm thông tin tín dụng... để tăng cường hợp tác với nhau đảm bảo cho công tác cảnh báo được nhìn từ nhiều góc độ, từ nhiều khía cạnh và thấy rõ được các rủi ro sớm hơn, chính xác hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Tài liệu khuyến nghị của IADI
- Website của Ngân hàng Nhà nước,BHTGVN...