Thực tế, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tồn tại một hệ thống tài chính hợp nhất, ngoại trừ 2 yếu tố - i) thiếu một cơ quan quản lý ngân hàng thống nhất chịu trách nhiệm chung trong việc xử lý các ngân hàng gặp khó khăn và ii) thiếu một hệ thống bảo hiểm tiền gửi có khả năng vươn rộng trong cả khu vực tiền tệ. Liên minh ngân hàng sẽ phát huy lợi thế hơn nữa nếu bù đắp được hai thiếu hụt này.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu cũng công bố đề án quản lý giám sát ngân hàng. Đề án này cho phép ECB thẩm quyền mới trong việc giám sát 6000 ngân hàng trong khu vực eurozone. Tuy nhiên, hai yếu tố kể trên lại bị gạt sang một bên.
Theo kế hoạch của EC, ECB sẽ phối hợp với các cơ quan giám sát tại mỗi quốc gia chứ không tập hợp các cơ quan này thành một thể chế mới hoạt động dưới sự giám sát của mình. Điều này là phù hợp bởi nhiều cơ quan giám sát tại mỗi nước có thể chế và sự khác biệt riêng, trong khi nếu chỉ có một cơ quan điều phối chung sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng cả về thời gian và công sức làm quen. Ngoài ra, nếu xét ở mục tiêu hướng đến việc giám sát hiệu quả thì một thể chế quản lý giám sát chung sẽ không hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, Đức phản đối những đề xuất này vì cho rằng người trả tiền thuế của Đức phải đáp ứng thêm các yêu cầu gắn liền với quyền lợi sát sườn của họ. Trong khi các ngân hàng tại Đức hiện vẫn rất mỏng manh và trong tình trạng thiếu vốn như nhiều ngân hàng ở các quốc gia khác. Và nước Đức sẽ chịu nhiều mất mát nếu xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt như tại Tây Ban Nha, kế tiếp là sự nguy hại cho hệ thống đồng tiền chung châu Âu, dẫn đến sự hoảng loạn tài chính trên toàn khu vực.
Các nước châu Âu cho rằng, thiết lập liên minh ngân hàng châu Âu rất cần thiết để phá vỡ liên kết giữa một bên là các ngân hàng yếu kém với một bên là tình trạng mất khả năng thanh toán quốc gia – nguyên nhân đẩy châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính.