Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế là nhiệm vụ kép rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.
Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường do không còn sức chống chịu. Theo Phó Thống đốc, Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành Ngân hàng được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua. Như việc NHNN đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí. Cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…
Song Phó Thống đốc cũng cho rằng, cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện Nghị quyết 63, NHNN đã và đang xây dựng Chương trình hành động để Nghị quyết được triển khai khẩn trương, quyết liệt và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Trao đổi với các đại biểu tham dự, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hoà, song hành giữa 2 mục tiêu: hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung và dài hạn.
Tại Hội nghị, đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN như Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng… đã đánh giá thực trạng, khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế trước tác động của dịch covid-19 cũng như đưa ra kiến nghị, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế của ngành Ngân hàng.
Nhìn nhận những thách thức mà nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang phải đối diện, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, các NHTM cũng đã nêu ra các ý kiến cũng như đề xuất để tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất - kinh doanh; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân…
Lắng nghe các kiến nghị từ phía các NHTM, Hiệp hội Ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế. Với tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là Nghị quyết 63 cũng như một số văn bản gần đây, ngành ngân hàng đã hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp, người dân từ khi dịch bùng phát tới nay, vào thời điểm này, toàn hệ thống ngân hàng cần tiếp tục hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân ở mức độ cao hơn, tương đồng với những khó khăn tăng lên của nền kinh tế.
“Việc triển khai này trong toàn ngành là rất cần thiết, phù hợp với chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cũng là mong muốn của ngành ngân hàng” - Phó Thống đốc khẳng định.
Phó Thống đốc cũng củng cố quan điểm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, cho cả hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia. Hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội bằng những hành động cụ thể, chương trình hành động cụ thể, sẽ được Thống đốc NHNN ban hành trong thời gian tới với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn ngành triển khai thực hiện. Đồng thời, giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này.
Với các đơn vị thuộc NHNN, Phó Thống đốc đề nghị khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ để trình Thống đốc ký ban hành.