Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Thanh toán không tiền mặt sẽ thành thói quen ở đô thị
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ TTKDTM, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân. Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP; TTKDTM thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm.
Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm; tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Mục tiêu TTKDTM đối với dịch vụ công: Từ 90% - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; từ 90% - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai giải pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN lần thứ 4.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM; tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy TTKDTM.
Thúc đẩy TTKDTM bằng nhiều chính sách, giải pháp
Những năm gần đây, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm phát triển TTKDTM và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện giao dịch thanh toán, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
NHNN đã tích cực hoàn thiện hành lanh pháp lý và chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực thanh toán. Theo đó, NHNN đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách về hoạt động thanh toán, cụ thể:
Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 về phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công;
Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tiền ảo;
Thông tư số 02/2018/TT-NHNN ngày 12/02/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2016/TT-NHNN.
Trong những tháng đầu năm 2021, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Hiện NHNN đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money của ba Doanh nghiệp viễn thông. NHNN đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Ngày 6/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định và giao NHNN chủ trì xây dựng Nghị định.
Ngoài ra, NHNN cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về TTKDTM, trong đó đề xuất nhiều chính sách mới về TTKDTM thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0 và đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy hoạt động TTKDTM tại Việt Nam trên cơ sở khai thác, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại.
Nhằm thúc đẩy các giải pháp, dịch vụ thanh toán đổi mới, sáng tạo, NHNN đã tăng cường thúc đẩy hợp tác ngân hàng - Fintech, đặc biệt là với các tổ chức trung gian thanh toán, khuyến khích các ngân hàng tăng cường đầu tư, phát triển ngân hàng số, thanh toán số, tập trung vào một số hoạt động, ứng dụng công nghệ có tiềm năng, như nhận biết, định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC/e-ID), xác thực sinh trắc học (biometrics), kết nối, chia sẻ dữ liệu mở qua giao diện lập trình ứng dụng (open APIs). Để khuyến khích và chuẩn hóa việc sử dụng QR Code trong thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật và tăng cường tiện ích cho khách hàng, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở về đặc tả kỹ thuật QR Code trong thanh toán tại Việt Nam và công bố rộng rãi.
Về hạ tầng, để thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán điện tử, NHNN tập trung triển khai nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia quan trọng là Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào vận hành hạ tầng thanh toán bán lẻ quan trọng là Hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH). Các ngân hàng thương mại cũng không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thanh toán, tích cực chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, gia tăng công nghệ bảo mật nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của khách hàng trong giao dịch ngân hàng. Hệ thống máy POS, ATM được nâng cấp hiện đại và rộng khắp.
Trong bối cảnh CMCN 4.0, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi là những rủi ro về tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, phức tạp. Do đó, NHNN tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thanh toán, nhấn mạnh khía cạnh tuân thủ của các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đối với các quy định về an toàn, bảo mật; tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động thanh toán và pháp luật có liên quan khác.
Để TTKDTM dần trở nên phổ biến trong xã hội, ngăn ngừa những rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, cơ quan quản lý đã cùng các NHTM tăng cường truyền thông, cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong lĩnh vực thanh toán; phối hợp truyền thông về các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, thực hiện giao dịch an toàn nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ về an toàn thông tin, góp phần giảm thiểu rủi ro trong giao dịch thanh toán và tạo sự tin tưởng của công chúng về các phương tiện thanh toán an toàn, tiện lợi. Truyền thông giáo dục tài chính được ngành Ngân hàng triển khai bài bản, từ đó góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và khả năng của người dân trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM.
Với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, sự vào cuộc tích cực của các TCTD, đến nay, hoạt động thanh toán, trong đó có TTKDTM đã phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của NHNN, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 97,36 triệu món, tương ứng với giá trị đạt 95,40 triệu tỷ đồng (tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020).
Kết quả TTKDTM qua các kênh trong 8 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng cao: qua kênh Internet đạt 435,25 triệu món với giá trị 22,78 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020); qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% về số lượng và 93,69% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% về số lượng và 133,12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến hết ngày 30/6/2021, tại Việt Nam có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 40 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,39 triệu ví (tăng khoảng 2,75 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020).
Kết quả 3 năm 2018 – 2020 thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cho thấy hoạt động TTKDTM đối với dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ, như 92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng hay 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng, vượt mức mục tiêu đề ra tại Đề án.