Rõ ràng, tăng trưởng tín dụng với tốc độ cao và dồn dập trong thời gian ngắn buộc chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm, đồng thời không gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô trong năm 2017 và các năm tiếp theo. Hiệu quả tín dụng ngân hàng cần bảo đảm dựa trên các yếu tố chủ yếu như: hướng tăng trưởng tín dụng vào những ngành, những lĩnh vực then chốt có tác động tích cực nhất tới tăng trưởng GDP; kiểm soát tăng tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản và chứng khoán. Bên cạnh đó, gắn hiệu quả tín dụng với hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước khi cùng với yêu cầu tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch là yêu cầu tăng quy mô tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên 34-35% GDP thay vì chỉ 32,8% GDP như nửa đầu năm 2017. Nếu không bảo đảm tốt chất lượng và hiệu quả đầu tư cũng như tín dụng ngân hàng thì tuy có thể đạt mục tiêu tăng GDP năm 2017 nhưng nguy cơ lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô có thể xảy ra ngay từ năm 2018. Không chỉ vậy, hiệu quả tín dụng cần hỗ trợ tích cực cân đối cung cầu và được hỗ trợ từ chính sách quản lý giá, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, chống lạm phát trong bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng đầu năm 2017 đã tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 8,9% nếu loại trừ yếu tố giá, còn kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cũng đã tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như của từng tổ chức tín dụng (TCTD) cần được kiểm soát chặt chẽ gắn với tiến trình cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ban hành Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống TCTD đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại hệ thống theo hướng lành mạnh hóa, xử lý dứt điểm nợ xấu, củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của mỗi TCTD phải phù hợp với năng lực tài chính và khả năng kiểm soát rủi ro, bảo đảm chất lượng tín dụng, ngăn ngừa phát sinh nợ xấu.
Tăng quy mô tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là cần thiết và quan trọng, song mục tiêu bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng đó còn cần thiết và quan trọng hơn nhiều. Chỉ khi bảo đảm được chất lượng và hiệu quả tín dụng mới đạt được cả hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.