Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã ra phiên bản thứ 12 với hơn 20 bản nháp nhưng vẫn còn rất nhiều tranh luận. Giới DN cho rằng họ ở dưới sàn, còn cơ quan soạn thảo thì ở trên cao nên đã định ra những nội dung hỗ trợ rất lý tưởng nhưng lại chưa phải điều DN cần. Thời báo Ngân hàng xin trích đăng một số ý kiến đóng góp mới nhất cho dự luật này.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO - Trọng tài viên VIAC: Hỗ trợ DNNVV, nhiều thứ quan trọng hơn tiền
Thưa ông, khi góp ý với dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, còn ý kiến cho rằng, DNNVV đang không có sự bình đẳng nên vẫn rất khó tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất lại cao. Thực tế, theo ông?
Đúng là có một thời gian dài, NHTM tập trung nhiều vào DN lớn và siêu lớn, ít quan tâm đến DNNVV. Nhưng nay, thực tế đã thay đổi, hầu hết ngân hàng đều coi DNNVV là lực lượng khách hàng quan trọng. Nhưng DNNVV khó vay vốn do năng lực quản trị hạn chế; phương án, dự án kinh doanh, vay vốn không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu; tài sản bảo đảm ít; họ dễ bị rủi ro, tổn thương... DN khởi nghiệp thì chưa có thị trường, chưa có thương hiệu, chưa có kinh nghiệm… cho nên đương nhiên sẽ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, nhất là vốn có lãi suất thấp.
DN nói rằng, phần lớn các NHTM chỉ chấp nhận thế chấp khoản vay bằng bất động sản, ít chấp nhận động sản, đặc biệt là giấy tờ có giá, đề nghị quy định cứng vào Luật Hỗ trợ DNNVV. Ý kiến khác cho rằng quy định như thế là trái với Luật Các TCTD là vi phạm quyền tự do kinh doanh của NHTM. Ý kiến của ông?
Luật hiện hành không quy định bắt buộc tài sản thế chấp nào, NHTM nhận thế chấp tài sản nào là quyền của họ nếu họ thấy như thế là an toàn. TCTD cho vay hay không cho vay và cho vay với điều kiện nào là hoàn toàn theo sự xem xét quyết định của họ. TCTD cũng là DN, hoạt động theo cơ chế thị trường. Luật Các TCTD quy định: “TCTD có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.
Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của TCTD”. Vì vậy, TCTD hoàn toàn có quyền từ chối cho vay (và rất cần phải từ chối) nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.
Vẫn muốn NHTM dành ưu tiên đặc biệt với DNNVV, nên dự thảo đã quy định NHTM cho vay lãi suất thấp và được Chính phủ lấy NSNN để cấp bù lãi suất. Nhưng phía Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc nội dung này?
Dự thảo có nội dung NSNN cấp bù lãi suất và các hình thức khác để hỗ trợ các ngân hàng cho vay DNNVV và tổ chức hỗ trợ DNNVV. Như vậy sẽ phải phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách, ý kiến của Bộ Tài chính là hợp lý.
Vì việc hỗ trợ lãi suất trực tiếp từ ngân sách hay yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất là cơ chế mang tính hành chính và bao cấp không phù hợp với kinh tế thị trường, lại dễ nảy sinh tiêu cực, lại là xin - cho. Làm cách này không chỉ không có tác dụng hỗ trợ DN về chiều sâu và lâu dài mà còn gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng, làm méo mó cung cầu, méo mó thị trường tín dụng và gây ra nhiều hệ quả tiêu cực khác.
Vậy nên quy định thế nào để giúp DNNVV về bài toán vốn?
Cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ DN nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh. Khi đó DN sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, ngân sách sẽ tăng thu thay vì phải chi lại hỗ trợ lãi suất cho DN, và ngân hàng sẽ tự nguyện, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN với các sản phẩm và quy trình phục vụ tốt nhất, lãi suất ưu đãi nhất.
Trong dự thảo luật có quy định về việc hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của DN. Đây mới thật sự là những vấn đề cần hỗ trợ chung cho DN một cách cần thiết và lâu dài, chứ không chỉ nhằm để DN tiếp cận tín dụng.
Ông Phí Văn Hoan – Giám đốc Công ty TNHH Ngân Giang thiết bị điện G7: Cơ quan Nhà nước chưa thay đổi thì chính sách với DN cũng chỉ là trên giấy.
Tôi cho rằng dù không có hỗ trợ, DN vẫn có thể phát triển mạnh nếu môi trường kinh doanh bình đẳng, không còn lợi ích nhóm, không còn những công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn gây khó cho DN. Nếu có luật hỗ trợ mà cơ quan chức năng không thay đổi, công chức thực thi không làm tròn trách nhiệm, văn bản dưới luật vẫn có chỗ phục vụ lợi ích của một bộ phận nào đó thì hỗ trợ ghi trong luật cũng chỉ là lời nói suông. DN hội nhập thì cơ quan nhà nước cũng phải hội nhập. DN cạnh tranh thì cơ quan nhà nước cũng phải cạnh tranh.
Tôi thấy DN có 19 thứ cần để tồn tại và phát triển: 1-Thị trường; 2- Vốn; 3- Công nghệ; 4- Đất đai; 5- Đào tạo nhân lực; 6- Khoa học quản trị; 7- Xúc tiến thương mại; 8- Trợ giúp pháp lý; 9- Giải quyết tranh chấp tại Tòa; 10- Thông tin; 11- Thời gian 12- Giảm thuế; 13- Bình đẳng; 14- Giảm chi phí; 15- Quyền đảm bảo về tài sản; 16- Luật phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng; 17- Truyền thông trên các phương tiện công cộng; 18- Cần chính quyền xử lý nghiêm khắc với công chức có hành vi hại DN; 19- Cần Nhà nước nâng cao nhận thức cho công chức theo kịp kinh tế thị trường.
Đó là những thứ mà DN cần nhưng cũng là những thứ làm cho DN chết, nếu nó không được đáp ứng. Cái cần thứ 18 và 19 của DN nêu trên tuy đặt ở cuối cùng nhưng lại có tính quyết định đến sự thành công của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Hiểu được những gì DNNVV cần, Luật nên đưa ra những hỗ trợ cụ thể, thiết thực để người chưa thành lập DN muốn thành lập DN, người đang có DN thấy được tương lai tươi sáng sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời.
Ông Lê Xuân Hiền - Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư: DN cần hỗ trợ đầu vào hơn là đầu ra
Dự thảo Luật dành riêng chương 4 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng còn chung chung, hình thức.
Cần quy định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan cụ thể đối với nhiệm vụ hỗ trợ, thay vì quy định chung chung là “nhà nước” như hiện nay.
DN cần hỗ trợ đầu vào như mặt bằng sản xuất, đổi mới khoa học công nghệ, các thủ tục pháp lý liên quan… Đầu vào có tốt, có thông thoáng, hiệu quả thì nhất định sẽ có đầu ra tốt. Như thế việc hỗ trợ sẽ mang tính khả thi hơn và không mất quá nhiều nguồn lực.