Ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất theo cam kết
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 8/2021, lãi suất cho vay bình quân của các TCTD giảm 0,66% so với cuối năm 2020, trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa (4,5%/năm) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng với lãi suất thấp đối với các khoản vay mới cho đối tượng khách hàng trong các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như sản xuất nông nghiệp, thủy sản; thực phẩm và đồ uống có cồn; dệt may; da giầy, cho thuê trung tâm thương mại; vận tải kho bãi; nhà hàng, khách sạn; giáo dục, dịch vụ du lịch, lữ hành.... và các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề của dịch covid (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...). Cụ thể: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng áp dụng cho khoản vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; Ngân hàng Công thương Việt Nam đưa ra gói tín dụng cho vay đối với khu vực phía Nam có quy mô 20.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm; Ngân hàng Quân đội triển khai gói vay mới với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường...
Trong tháng 7/2021, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, 16/16 ngân hàng quy mô lớn đã tiếp tục giảm ngay lãi suất cho vay bình quân khoảng 1%/năm đối với dư nợ tín dụng của khách hàng hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng hiện hữu và cho vay mới ước tính từ nay đến cuối năm 2021 là 20.372 tỷ đồng. Theo số liệu của NHNN, tính từ 15/7 đến 31/8/2021, 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 cho khách hàng 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch, lãi suất giảm chỉ có tác dụng với doanh nghiệp còn có khả năng phục hồi, còn với doanh nghiệp đã quá yếu thì vấn đề chính là khả năng hấp thụ vốn và cần các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ…
Theo PGS.TS Lê Thanh Tâm-Trưởng bộ môn Ngân hàng thương mại-Viện ngân hàng tài chính-Đại học Kinh tế Quốc dân, tín dụng ngân hàng dựa trên nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi. Tức là doanh nghiệp phải có vốn để kinh doanh có lãi, bù đắp mọi chi phí, thu lại được cả gốc và trả lãi. Như vậy, lãi suất giảm chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp vẫn còn tương đối khỏe, có cơ hội kinh doanh có lãi và biến được cơ hội đó thành doanh thu. Với các doanh nghiệp đã quá yếu hoặc dừng hoạt động, lãi suất giảm không hề có tác dụng vì họ không hấp thu được vốn. Trong trường hợp này, tái cơ cấu doanh nghiệp, hoặc các hỗ trợ hiện tại như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ có tác dụng nhiều hơn.
Bà Lê Thanh Tâm phân tích, về phía ngân hàng thì ngân hàng cho vay dựa trên nguồn vốn huy động tiền gửi. Do vậy, nguyên tắc cốt lõi của ngân hàng khi cấp tín dụng là phải thu hồi đủ vốn để trả cho người gửi tiền và có lãi để bù đắp các chi phí, rủi ro trong hoạt động. Đặc biệt, khi giữ nguyên nhóm nợ hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo các quy định hiện hành, các ngân hàng thương mại vẫn phải giữ mức dự phòng rủi ro tín dụng trong trường hợp các khoản nợ này chuyển thành nợ xấu. Hơn nữa, ban điều hành ngân hàng thương mại, đặc biệt với các ngân hàng thương mại cổ phần, vẫn phải chịu áp lực tạo lợi nhuận cao từ các cổ đông.
Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang có NIM (biên lãi ròng là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) trung bình 3,618% và chi tiết khác nhau tùy từng loại khách hàng. Theo bà Lê Thanh Tâm, mức NIM hiện nay của Việt Nam ở mức trung bình so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực (ví dụ NIM trung bình tại Mỹ là 3,3%, tại UK là 2,6%, tại châu Âu từ 1,8-3,3%, tại Malaysia là từ 1,52-4,94%; Thái Lan từ 2-3,5%). Bản thân các ngân hàng thương mại cũng nhìn nhận lãi suất hiện nay không cao và một số NHTM đã giảm lãi suất nhiều lần cho khách hàng. Tuy vậy, mức độ giảm cũng khác nhau giữa các ngân hàng, các khách hàng.
Do vậy, bà Tâm cho rằng, câu trả lời đối với mặt bằng lãi suất hiện nay là cả hai bên cần hiểu nhau hơn để chia sẻ và có được sự thỏa thuận tốt nhất về lãi suất.
Liên quan đến vấn đề giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất không phải là điểm nghẽn của doanh nghiệp bởi chưa bao giờ lãi suất lại hấp dẫn như ở thời điểm hiện tại. Nếu tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay dẫn tới hệ lụy là lạm phát và dòng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh. "Doanh nghiệp sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư vì không có đầu ra." - ông Lực nói.
Tại buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến ngày 2/10, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay lãi suất 2-3%/năm. Tuy nhiên, muốn như vậy thì phải huy động tiền gửi với lãi suất 1-2%/năm. Khi đó, người dân chắc chắn không gửi tiền vào ngân hàng mà chuyển sang kênh khác. "Việc huy động phải đảm bảo lãi suất tối thiểu để người dân gửi tiền có lợi nhuận. Ví dụ: bây giờ huy động bình quân 4,5 - 5%/năm trừ đi lạm phát khoảng 3%, ít nhất người dân còn 2% để có lợi nhuận từ tiền gửi" - ông Tú nói.
Theo Phó Thống đốc, bản thân các ngân hàng thương mại cũng đứng trước khó khăn, không trực tiếp như doanh nghiệp nhưng có nguy cơ trong tương lai gần, đặc biệt là vấn đề nợ xấu. Một doanh nghiệp phá sản có thể không ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng chỉ một ngân hàng mất ổn định sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền tài chính. Vì vậy, nguyên tắc điều hành là mở rộng tín dụng, hạ lãi suất nhưng phải ổn định vĩ mô, hệ thống ngân hàng thương mại, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Cần phối hợp đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế
Những tháng cuối năm nay, các chuyên gia dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh lên sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, dịch vụ, triệt tiêu đáng kể các lợi ích có được từ sự phục hồi kinh tế thế giới do năng lực sản xuất của doanh nghiệp (lao động, lưu thông) không đảm bảo cho các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch, ngoài những giải pháp của ngành Ngân hàng đưa ra, cần thực hiện đồng bộ các chính sách khác.
Theo đó, đối với chính sách quản lý giá, cần đảm bảo kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu, giữ ổn định giá dịch vụ, các mặt hàng Nhà nước quản lý nhằm ổn định đời sống nhân dân.
Trong việc lưu thông hàng hóa, đảm bảo chuỗi cung ứng, các Bộ ngành liên quan cần phối hợp các địa phương, doanh nghiệp có các giải pháp tháo gỡ ách tắc trong lưu thông, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân tại các địa phương giãn cách, nắm bắt tâm lý và có giải pháp kịp thời, thiết thực để người dân yên tâm hơn, giảm động cơ tích trữ hàng hóa.
Thời gian tới, chính sách tài khóa cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong kiểm soát lạm phát mục tiêu, ổn định thị trường, thanh khoản của nền kinh tế. Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế như: miễn, giảm, gia hạn nộp thuế; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, đẩy mạnh đầu tư PPP nhằm đa dạng nguồn vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế với các đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số), qua đó thúc đẩy năng lực sản xuất dài hạn, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô.
Những khó khăn do dịch bệnh đang "ngấm" ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp, do đó cần có những giải pháp tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp với tiêu chí dễ tiếp cận hơn để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp yếu, có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường. Khi họ không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, thì vẫn cần có cửa khác để cho họ huy động được vốn. Do đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm phát triển cân bằng, hài hòa và đồng bộ thị trường tiền tệ với thị trường vốn (đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp), để thị trường vốn từng bước tiếp quản và thay thế kênh tín dụng trung dài hạn.
TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm, trong kỷ nguyên mới, để phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019; vận hành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán; chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2023. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro hệ thống; tăng tính độc lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Về phía doanh nghiệp, cần thích nghi với bối cảnh “bình thường mới” khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó dự báo. Bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị, doanh nghiệp cần có những kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, nâng cao khả năng phân tích, dự báo thị trường và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, từ đó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ.