Kinh nghiệm hỗ trợ tài chính của một số tổ chức BHTG trên thế giới
Bảo hiểm tiền gửi Đài Loan(CDIC)
CDIC hoạt động theo mô hình giảm thiểu rủi ro. Đối tượng được nhận hỗ trợ tài chính của CDIC gồm:Tổ chức tài chính bị thiếu vốn trầm trọng mà các cơ quan có thẩm quyền xét thấy không thể tồn tại và sẽ bị đóng cửa; Tổ chức bị đặt trong tình trạng bị kiểm soát hoặc cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp quản thẩm quyền của Hội đồng quản trị và ban kiểm soát;Tổ chức tham gia bảo hiểm khác hoặc các công ty nắm giữ tài chính quỹ tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh, tài sản và các khoản nợ của tổ chức tham gia bảo hiểm bị đóng cửa;Ngân hàng bắc cầu trong trường hợp CDIC không thảo luận với các tổ chức tài chính tham gia bảo hiểm khác hoặc công ty nắm giữ tài chính để tiến hành sát nhập hoặc trực tiếp nhận tổ chức tham gia bảo hiểm bị đóng cửa.
CDIC có thể hỗ trợ tài chính thông qua các khoản vay, tiền gửi và các khoản đảm bảo, hoặc bằng cách mua lại các khoản nợ thứ cấp của tổ chức tham gia bảo hiểm hoặc công ty nắm giữ tài chính bị đóng cửa. Chi phí hỗ trợ phải thấp hơn so với chi phí ước tính phát sinh từ việc chi trả cho người gửi tiền của tổ chức tham gia bảo hiểm bị đóng cửa.
Khi CDIC cung cấp khoản hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia BHTG bị đặt trong tình trạng kiểm soát, CDIC có quyền yêu cầu thu hồi toàn bộ tài sản thế chấp từ các công ty nắm giữ tài chính của tổ chức này, hoặc bất kỳ tổ chức nào khác tham gia bảo hiểm mà những công ty nắm giữ tài chính chiếm hầu hết cổ phần.
Nguồn vốn hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng từ khoản dự phòng đặc biệt đã được tính toán tách biệt theo tỷ lệ phí BHTG của các tổ chức tài chính nói chung và các tổ chức tài chính nông nghiệp được bảo hiểm. Rủi ro trong quá trình hỗ trợ tài chính, CDIC được phép khấu trừ từ khoản dự phòng chi trả đặc biệt.
Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC)
KDIC hoạt động theo mô hình giảm thiểu rủi ro. Đối tượng được nhận hỗ trợ tài chính là các tổ chức tài chính được bảo hiểm có cơ cấu tài chính trong tình trạng quá xấu đến mức Ủy ban bảo hiểm tiền gửi nhận thấy dễ xảy ra nguy cơ mất khả năng thanh toán; Cung cấp vốn góp trong việc thành lập Tổ chức dàn xếp về tài chính.
KDIC hỗ trợ tài chính thông qua việc cho vay hoặc tiền gửi của Quỹ; mua bán tài sản có; bảo lãnh hoặc chấp nhận thanh toán và góp vốn cổ phần.Khi KDIC cung cấp hỗ trợ tài chính cho một tổ chức tài chính được bảo hiểm, điều kiện tiên quyết là chia sẻ thiệt hại công bằng giữa các bên tham gia tổ chức tài chính này chịu trách nhiệm về việc mất khả năng thanh toán của tổ chức đó. KDIC sẽ thỏa thuận bằng văn bản (sau đây được gọi là “thỏa thuận”) với tổ chức nhận hỗ trợ để khôi phục lại tình trạng của tổ chức này theo sắc lệnh của Tổng thống.
KDIC có thể trợ giúp về tài chính cho tổ chức tài chính được bảo hiểm hoặc cho công ty mẹ của tổ chức tài chính được bảo hiểm với điều kiện: Tổ chức tài chính phải có đơn xin trợ giúp về tài chính phù hợp (trường hợp có ý định mua lại hoặc sáp nhập một tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán hay đang trong tình trạng bị phá sản tiếp quản hoạt động) hoặc khi thấy cần thiết để đảm bảo cho một công sáp nhập có liên quan đến tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán được hoạt động một cách trôi chảy và khi thấy cần thiết tăng cường cơ cấu về tài chính cho tổ chức tài chính bị mất khả năng thanh toán vì đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền và duy trì sự ổn định của hệ thống tín dụng.
Nguồn vốn hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng từ Quỹ BHTG. Quỹ BHTG được hình thành từ: Nguồn đóng góp củacác tổ chức tài chính được bảo hiểm; nguồn góp từ chính phủ; nguồn thu của quỹ tăng lên thông qua việc bảo hiểm đối với các trái khoán thuộc quỹ bảo hiểm tiền gửi; nguồn từ các khoản đi vay; nguồn thu phí bảo hiểm; nguồn thu của quỹ liên quan đến việc tăng tài sản nợ; nguồn thu từ mua bán các khoản tiền gửi và các trái quyền khác; các quỹ đền bù; lợi nhuận thu từ hoạt động của Quỹ BHTG và các khoản lợi nhuận khác. Rủi ro hỗ trợ tài chính sẽ được tính vào Quỹ BHTG.
Bảo hiểm tiền gửi Indonesia (IDIC)
IDIC hoạt động theo mô hình giảm thiểu tổn thất. Đối tượng được nhận hỗ trợ tài chính là các ngân hàng gặp vấn đề đang trong tình trạng giám sát đặc biệt nhằm khôi phục năng lực thanh khoản của ngân hàng.
Nguồn vốn mà IDIC hỗ trợ nhằm cứu ngân hàng sẽ trở thành nguồn vốn thay thế tạm thời của IDIC tại ngân hàng. Chi phí hỗ trợ phải thấp hơn chi phí dự kiến nếu không cứu ngân hàng, bao gồm chi phí chi trả tiền gửi được bảo hiểm, cộng thêm tiền lương nhân viên, khoản thu hồi dự kiến từ việc bán tài sản của ngân hàng đã bị thu hồi giấy phép.
Đối với các ngân hàng đổ vỡ không tác động đến hệ thống, để được IDIC hỗ trợ phải thỏa mãn điều kiện, sau khi thực hiện cứu ngân hàng, ngân hàng có triển vọng kinh doanh tốt. Để đảm bảo thực hiện việc hỗ trợ tài chính, IDIC cần có báo cáo của Cơ quan giám sát, ở mức độ tối thiểu, thỏa thuận về việc chuyển giao quyền lợi và quyền hạn của Cơ quan giám sát cho IDIC, chuyển giao quyền quản lý ngân hàng cho IDIC. Đồng thời, không quy trách nhiệm cho IDIC hoặc các bên khác do IDIC bổ nhiệm trong trường hợp giải quyết không thành công, với điều kiện là IDIC và các bên khác do IDIC bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với các ngân hàng đổ vỡ tác động đến hệ thống, IDIC hỗ trợ tài chính bằng cách cùng với cổ đông góp vốn. IDIC sẽ phải quản lý ngân hàng này và bán tài sản trong vòng 3 hoặc 5 năm.
Nguồn vốn hỗ trợ tài chính được lấy từ Quỹ BHTG. Tất cả nguồn vốn do IDIC hỗ trợ nhằm cứu ngân hàng sẽ trở thành nguồn vốn thay thế tạm thời của IDIC tại ngân hàng. Sau khi bơm vốn, IDIC sẽ được nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng đó trong vòng 02 năm và thực hiện việc bán cổ phiếu để thu hồi nguồn vốn ban đầu đã bỏ ra.
Thực trạng hỗ trợ tài chính của BHTGVN, đề xuất và kiến nghị
Điều 14 Nghị định 89/NĐ-CP ngày 01/9/1999 nghị định của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi quy định “1. Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả nhưng chưa đến mức đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể hỗ trợ dưới các hình thức sau:
a) Cho vay hỗ trợ để chi trả tiền gửi được bảo hiểm;
b) Bảo lãnh cho các khoản vay đặc biệt để có nguồn chi trả tiền gửi được bảo hiểm;
c) Mua lại nợ trong trường hợp khoản nợ đó có tài sản bảo đảm.
2. Việc hỗ trợ nêu tại khoản 1 điều này do Hội đồng quản trị tổ chức bảo hiểm tiền gửi xem xét quyết định.”
Trên cơ sở quy định tại Nghị định 89/NĐ-CP từ năm 2005 đến năm 2009 Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã thực hiện giải ngân hỗ trợ đối với một số quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có nguy cơ mất khả năng thanh toán đề nghị vay hỗ trợ. Các QTDND này đã hoàn trả gốc và lãi đầy đủ cho BHTGVN.
Với số tiền cho vay hỗ trợ trên đã giúp cho các QTDND ổn định tình hình hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Đồng thời thông qua hoạt động cho vay hỗ trợ đã giúp nâng cao năng lực tài chính, cải thiện vị thế của BHTGVN.
Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, nghiệp vụ hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả của BHTGVN không còn được thực hiện, do vậy nếu các tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả có nhu cầu hỗ trợ tài chính thì phải vay các tổ chức tín dụng khác với lãi suất cao hơn, điều này làm tăng chi phí của các tổ chức vay vốn trong khi ngày càng có nhiều tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ lâm vào tình trạng mất an toàn, mất khả năng thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 về việc phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 để xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp, trong đó “Giải pháp về nâng cao vai trò của BHTGVN:
a/ Tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật các TCTD được sửa đổi, bổ sung;
b/ Đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là thành viên của QTDND”.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, trong đó yêu cầu “Phát huy vai trò Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các Quỹ tín dụng nhân dân,…”, và “Tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các Quỹ tín dụng nhân dân; thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đầu mối liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã trong điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với Quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; …”.
Trên cơ sở kinh nghiệm hỗ trợ tài chính của một số tổ chức BHTG trên thế giới, cùng với quan điểm chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước về chấn chỉnh, củng cố hệ thống ngân hàng, đặc biệt là hệ thống QTDND, việc thực hiện nghiệp vụ hỗ trợ tài chính vào thời điểm này là cần thiết, phù hợp với năng lực tài chính của BHTGVN hiện nay.
Để BHTGVN thực hiện tốt nghiệp vụ hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả cần bổ sung nghiệp vụ hỗ trợ tài chính vào Luật Bảo hiểm tiền gửi, trong đó quy định rõ điều kiện để BHTGVN thực hiện hỗ trợ tài chính, mục đích hỗ trợ tài chính, nguồn tiền hỗ trợ tài chính và đặc biệt là cơ chế xử lý rủi ro, tổn thất khi BHTGVN không thu hồi được số tiền đã hỗ trợ tài chính, từ đó góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nâng cao năng lực tài chính và vị thế của BHTGVN.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Bảo hiểm tiền gửi Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia.
- Nghị định 89/NĐ-CP ngày 01/9/1999 nghị định của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi.
- Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.