Phát biểu trong phiên điều trần Thượng viện tại Washington, ông Gruenberg cho hay: FDIC và các cơ quan giám sát đang trông đợi sự đồng thuận của các đối tác tại Anh, đồng thời tích cực thảo luận với giới giám sát Nhật Bản và Thụy Sỹ. Theo ông, tiềm năng hợp tác về xử lý các vấn đề xuyên biên giới giữa Hoa Kỳ, Thụy Sỹ và Nhật Bản là rất lớn. FDIC đang tăng cường họp bàn với các cơ quan giám sát Nhật Bản và dự kiến sắp tới sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao để đàm phán về vấn đề xuyên biên giới.
FDIC đang gây sức ép cho FED và các cơ quan giám sát để bài trừ nhận thức rằng luôn có sẵn một mạng an toàn của Chính phủ hỗ trợ các ngân hàng lớn khi xảy ra đổ vỡ. FED cũng đang tích cực triển khai Đạo luật Dodd-Frank, yêu cầu các ngân hàng phải xuất trình kế hoạch tháo gỡ hậu đổ vỡ, đồng thời trao toàn quyền xử lý các tổ chức tài chính phức tạp cho FDIC.
Theo ông Michael Gibson – Giám đốc phụ trách về quy chế và giám sát ngân hàng của FED: cần tăng cường cơ chế hợp tác pháp lý giữa Hoa Kỳ và giới giám sát các nước khi xảy ra sự cố tầm cỡ quốc tế trong hệ thống tài chính – ngân hàng. Bên cạnh đó, FED và FDIC cũng đang cân nhắc đề nghị các tổ chức tài chính lớn duy trì nợ không có thế chấp dài hạn ở mức tối thiểu để sẵn sàng gánh chịu tổn thất tiềm tàng, hoặc hỗ trợ cấp vốn cho các tổ chức tài chính bị đóng cửa.