Những năm gần đây, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế về cơ cấu lại hệ thống các TCTD yếu kém được xem là giải pháp trọng tâm nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý các TCTD yếu kém an toàn, hiệu quả, minh bạch. Trong đó, phát huy vai trò của BHTGVN trong việc liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các TCTD, trước mắt là các QTDND.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 đã trao thêm một số chức năng, nhiệm vụ mới cho BHTGVN khi tham gia vào quá trình cơ cấu lại TCTD được KSĐB, bao gồm: (i) Cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB (cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN, cho vay đặc biệt để hỗ trợ phục hồi); (ii) Mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; (iii) Tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; (iii) Tham gia xây dựng phương án phá sản.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc tăng cường nguồn lực của BHTGVN tham gia vào quá trình cơ cấu lại TCTD. Theo đó, tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đối với BHTGVN đó là: Tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức; Nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia KSĐB, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; Tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các TCTD yếu kém; Tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn đầu tư; Tuyên truyền chính sách BHTG; Chi trả bảo hiểm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Tại Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, một trong những mục tiêu, yêu cầu là phát huy vai trò BHTGVN trong việc hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các QTDND, tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các QTDND. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn kết dư phí BHTG xử lý các TCTD yếu kém.
Hiện nay, việc sửa đổi Luật BHTG đang trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG. Với vai trò là tổ chức chịu sự tác động trực tiếp của Luật BHTG, BHTGVN đã tích cực, bám sát Kế hoạch nghiên cứu, rà soát, lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG kèm theo Quyết định số 127/QĐ-BHTG ngày 28/01/2022 của Thống đốc NHNN; chủ động đề xuất nội dung chính sách sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, đặc biệt là những nội dung để BHTGVN tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD, trước mắt là đối với các QTDND. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của BHTGVN trong việc tham gia vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tham gia BHTG được KSĐB khi được cấp có thẩm quyền giao là nội dung lớn đang được nghiên cứu để đề xuất bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG. Cụ thể như sau:
Về việc BHTGVN tham gia vào từng phương án cơ cấu lại: Ngoài những nhiệm vụ đã được quy định tại Luật Các TCTD, một số nhiệm vụ mới đang được nghiên cứu bổ sung để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD được KSĐB, trong đó liên quan đến QTDND gồm:
Về phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, bổ sung quyền và nghĩa vụ của BHTGVN trong việc: (i) Tham gia đánh giá tính khả thi của phương án; (ii) Thực hiện biện pháp hỗ trợ theo quyết định của cấp có thẩm quyền bao gồm: mua lại tài sản của tổ chức tham gia BHTG được sáp nhập, hợp nhất; mua trái phiếu dài hạn của TCTD nhận sáp nhập, hợp nhất; cho TCTD nhận sáp nhập, hợp nhất vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ để tăng cường năng lực tài chính; gửi tiền tại TCTD nhận sáp nhập, hợp nhất với tỷ trọng, lãi suất ưu đãi.
Về phương án phá sản, bổ sung quyền và nghĩa vụ của BHTGVN trong việc phối hợp với Ban KSĐB thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phương án phá sản đã được phê duyệt.
Về nguyên tắc để BHTGVN tham gia vào quá trình cơ cấu lại, bổ sung một số quy định để BHTGVN tham gia vào quá trình cơ cấu lại như sau: Quy định về việc BHTGVN quản lý, sử dụng, xử lý tài sản trong quá trình thực hiện các biện pháp hỗ trợ khi tham gia cơ cấu lại các TCTD được KSĐB theo quy định của pháp luật; BHTGVN được hạch toán giảm Quỹ dự phòng nghiệp vụ để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được; tổng số tiền tham gia xử lý tái cơ cấu không vượt quá 30% số tiền thực có trong Quỹ dự phòng nghiệp vụ tại thời điểm thực hiện các biện pháp hỗ trợ; BHTGVN được trích lập dự phòng rủi ro để xử lý tổn thất đối với khoản tiền mua trái phiếu và các biện pháp hỗ trợ khác; Quy định BHTGVN cử người tham gia Tổ giám sát thanh lý tổ chức tham gia BHTG được KSĐB khi NHNN yêu cầu.
Về cử/thuê nhân sự tham gia quản trị, điều hành TCTD được KSĐB: Ngày 22/4/2022, NHNN có Thông báo số 133/TB-NHNN kết luận của Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú tại hội nghị chuyên đề quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ngày 30/3/2022. Theo đó, một trong những yêu cầu đối với BHTGVN là chủ động phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đề xuất, nghiên cứu phương án, giải pháp để tham gia mạnh mẽ hơn trong việc tái cơ cấu QTDND bằng nguồn lực của BHTG, trong đó có cơ chế cử cán bộ tham gia Hội đồng quản trị, Ban điều hành QTDND yếu kém được KSĐB.
Việc cử/thuê nhân sự tham gia quản trị, điều hành TCTD được KSĐB (trong đó có các QTDND) đang được nghiên cứu và đề xuất bổ sung tại văn bản hướng dẫn Luật để đảm bảo tính linh hoạt khi triển khai, đồng thời tạo thuận lợi cho việc thực thi chức năng của NHNN khi yêu cầu BHTGVN cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành TCTD được KSĐB. Theo đó, nội dung này có thể triển khai theo 2 hình thức: (i) BHTGVN cử nhân sự tại BHTGVN; (ii) BHTGVN thuê nhân sự bên ngoài. Trường hợp cần triển khai sớm cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành TCTD được KSĐB, việc BHTGVN thuê nhân sự bên ngoài có thể đảm bảo khả thi trong điều kiện hiện nay. Điều kiện thực hiện gồm:
(i) Ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy định về việc BHTGVN cử/thuê nhân sự tham gia quản trị, điều hành TCTD được KSĐB và các nội dung có liên quan (trường hợp cử/thuê nhân sự; thẩm quyền, quy trình cử/thuê nhân sự; tiêu chuẩn, điều kiện về nhân sự…) để việc triển khai được đồng bộ trên thực tế.
(ii) BHTGVN sửa đổi các quy định nội bộ có liên quan, cần có lộ trình xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu tham gia quản trị, điều hành TCTD được KSĐB. Theo đó, nhân sự của BHTGVN được cử tham gia quản trị TCTD được KSĐB cần có kinh nghiệm về quản lý, được đào tạo chuyên sâu, bài bản, có đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ để có thể đáp ứng được yêu cầu quản trị, điều hành TCTD được KSĐB theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn chức danh cần đảm nhận.
(ii) Có cơ chế miễn trách, bảo vệ quyền lợi của nhân sự được cử/thuê tham gia quản trị, điều hành TCTD được KSĐB.
(iv) Việc quy định nội dung cụ thể về việc BHTGVN cử/thuê nhân sự tại BHTGVN tham gia quản trị, điều hành TCTD được KSĐB cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.
(v) Các điều kiện liên quan khác.
Trên cơ sở tình hình thực tế của nguồn nhân lực hiện tại, BHTGVN cần có thêm thời gian để xây dựng lộ trình, đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngắn hạn và dài hạn để có đủ nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu quản trị, điều hành TCTD được KSĐB. Trong thời gian tới, BHTGVN tiếp tục nghiên cứu để có đề xuất cụ thể hơn về cơ chế cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành TCTD được KSĐB, trước mắt là các QTDND được KSĐB.
Như vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý để BHTGVN tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD được KSĐB, trong đó có các QTDND nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách BHTG, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Hiện kế hoạch xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG đang được từng bước triển khai. BHTGVN đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất các chính sách sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, trong đó nội dung hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam là một chính sách lớn trong đề nghị xây dựng Luật.