Tích cực triển khai công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Công tác tái cơ cấu trong 9 tháng đầu năm 2017 tiếp tục được NHNN tăng cường và thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, trong đó đặt trọng tâm vào 02 nội dung: xây dựng và triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”; triển khai cơ cấu lại các TCTD yếu kém.
Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về xử lý nợ xấu, NHNN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2017 (Nghị quyết số 42/2017/QH14). Nghị quyết này đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, giải quyết được nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu trước đây của TCTD, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu. Cùng với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu, ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg) (gọi tắt là Đề án 1058). Theo đó, Đề án đã xác định cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là khách quan, cần thiết và là một quá trình thường xuyên, liên tục, tiếp nối và kế thừa của quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu trong giai đoạn trước.
Đến nay, NHNN đã và đang tiếp tục tích cực triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 nêu trên. Theo đó, NHNN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Đồng thời, ngày 21/7/2017, NHNN đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, NHNN (Cơ quan TTGSNH) đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các TCTD triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 42 và Đề án 1058.
Về công tác xử lý nợ xấu, ngay từ đầu năm 2017, NHNN đã ban hành chỉ thị chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường đảm bảo an toàn hệ thống và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu. Theo đó, mục tiêu của toàn ngành ngân hàng trong năm 2017 là tiếp tục triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu một cách đồng bộ với nhiều giải pháp. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.
Về kết quả mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt: Từ 01/01/2017 đến hết 15/9/2017, VAMC đã mua nợ của 14 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 20.995 tỷ đồng, giá mua nợ là 20.619 tỷ đồng, đã đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được NHNN giao. Tính từ 2013 đến thời điểm 15/9/2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.108 khoản nợ của 16.197 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 296.550 tỷ đồng.
Về kết quả thu hồi nợ, tính từ đầu năm đến 15/9/2017, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 11.296 tỷ đồng, đạt 51,3% kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 của VAMC. Lũy kế từ năm 2013 đến 15/9/2017, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 61.465 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/ bán tài sản bảo đảm…).
Một số định hướng, giải pháp tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới
Theo NHNN, thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó quan trọng nhất là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý, cơ cấu lại TCTD yếu kém như: Tạo khung pháp lý về xử lý các TCTD yếu kém theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý, thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các TCTD trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của TCTD; Bổ sung thêm các quy định để tăng cường xử lý việc sở hữu chéo, ngăn ngừa lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của các TCTD và các bất cập về pháp lý liên quan khác...
Trên cơ sở đó, NHNN đầu mối nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan theo hướng: Quy định cụ thể để đảm bảo tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các TCTD yếu kém phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiệm cận với thông lệ quốc tế; Bổ sung thêm các quy định về tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động ngân hàng; Bổ sung các quy định, chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém...
Thứ hai, nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của TCTD, trong đó các TCTD phải triển khai một số hoặc tất cả các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính và chất lượng tín dụng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành và khả năng cạnh tranh trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể: Nâng cao năng lực tài chính và chất lượng tín dụng, bao gồm việc tăng vốn và cải thiện nguồn vốn tự có của TCTD; Xây dựng và triển khai lộ trình tăng vốn tự có của TCTD; Kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản; v.v.
Bên cạnh đó, chuyển đổi mô hình kinh doanh của TCTD từ lệ thuộc hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ, bao gồm: Kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ngành Ngân hàng; Mở rộng quan hệ đại lý với các tổ chức tài chính nước ngoài, đẩy mạnh tiếp cận thị trường tài chính quốc tế và xúc tiến hiện diện thương mại của TCTD Việt Nam tại các thị trường tài chính khu vực và quốc tế; v.v. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của TCTD.
Thứ ba, tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, theo đó tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (CQTTGSNH); nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành Ngân hàng của các TCTD; đổi mới công tác giám sát theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô; đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân TCTD; v.v.
Thứ tư, các giải pháp hỗ trợ, bao gồm: Thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD với thành phần theo hướng: Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó Trưởng Ban thường trực, Thống đốc NHNN làm Phó Trưởng Ban và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan làm thành viên (Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD với các thành phần theo hướng như trên. Để tham mưu Thống đốc NHNN thực hiện nhiệm vụ của Phó Trưởng Ban, các nội dung liên quan đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của NHNN với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN (Quyết định số 1403/QĐ-NHNN ngày 05/7/2017); Triển khai thực hiện các giải pháp, cơ chế đặc thù để hỗ trợ các TCTD lành mạnh tham gia xử lý các TCTD yếu kém; Tăng cường năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để tham gia xử lý, cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững; Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, từng bước đưa thị trường vốn trở thành một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính; Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và tích cực thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng;v.v.