Văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất về BHTG
Năm 2012 đánh dấu một mốc quan trọng đối với hoạt động BHTG ở Việt Nam khi lần đầu tiên có một văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất về BHTG – đó là Luật BHTG.
Luật BHTG quy định chi tiết các loại tiền gửi được bảo hiểm, tiền gửi không được bảo hiểm. Luật cũng quy định rõ BHTG là bắt buộc, trừ ngân hàng chính sách, còn lại tất cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi của cá nhân đều phải tham gia BHTG. Quy định tại Luật đã bảo đảm quyền và lợi ích cho người gửi tiền, tạo niềm tin cho người dân khi gửi tiền tại tổ chức tín dụng.
Hiện nay, 100% các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi đều chấp hành quy định tại Luật BHTG. Tính đến nay có 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 95 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 04 tổ chức tài chính vi mô. Thông qua đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) hiện đang bảo vệ cho hơn 70,8 triệu người gửi tiền, tăng hơn 133% so với thời điểm mới ban hành Luật.
Luật BHTG quy định tương đối đầy đủ về việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được trả bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm đều được quy định rõ ràng trong Luật.
Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của BHTGVN được phát huy và mở rộng với nhiều quyền hạn mới thông qua Luật BHTG. Với cơ sở pháp lý cao nhất là Luật BHTG, các hoạt động nghiệp vụ như cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, giám sát, kiểm tra, thông tin tuyên truyền, tham gia kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Ngân hàng nhà nước… được thực hiện kịp thời, sát sao, có kế hoạch và đạt được nhiều hiệu quả thực tiễn. Từ đó, khẳng định vị thế của BHTGVN trong hệ thống tài chính – ngân hàng, góp phần tăng niềm tin của công chúng, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào hệ thống các tổ chức tín dụng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung
Trước xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống tài chính – ngân hàng, Luật BHTG đang được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo sự đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các định chế tài chính hoạt động hiệu quả. Cụ thể:
Cần bổ sung quy định cụ thể về các khoản tiền gửi được bảo hiểm, các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Trên thực tế còn một số khoản tiền chưa rõ có thuộc tiền gửi được bảo hiểm không, ví dụ: tiền gửi ký quỹ, tiền của thẻ trả trước, tiền mua trái phiếu TCTD.
Sửa đổi, bổ sung quy định về niêm yết Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo hướng tổ chức tham gia BHTG chỉ có một điểm giao dịch đồng thời là trụ sở chính được niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG thay cho bản sao.
Xem xét quy định phí BHTG theo xếp hạng từng TCTD hay áp dụng mức phí đồng hạng. Việc áp dụng mức phí bảo hiểm phân biệt giữa các TCTD là phù hợp với xu thế phát triển cạnh tranh, tạo sự công bằng và khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG có hoạt động tốt sẽ được hưởng mức phí bảo hiểm tiền gửi thấp hơn. Tuy nhiên, áp dụng mức phí phân biệt cũng có những khó khăn bởi hệ thống các TCTD Việt Nam vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém. Nếu áp dụng phí BHTG phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là những TCTD có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này. Mặt khác, hiện nay theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD thì các TCTD được kiểm soát đặc biệt được miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Thực tế thời gian qua ở Việt Nam vẫn đang áp dụng mức phí đồng hạng 0,15% trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Với mức phí đồng hạng như hiện nay giúp BHTGVN tăng trưởng ổn định về nguồn thu phí BHTG, từ đó quỹ dự phòng nghiệp vụ cũng tăng trưởng ổn định tạo nguồn cho BHTGVN thực hiện chính sách chi trả bảo hiểm đối với người được BHTG.
Mô hình hoạt động của BHTGVN cũng cần được quy định rõ hơn, bởi Luật BHTG chỉ quy định tổ chức BHTG là tổ chức tài chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Quy định về nguồn vốn, đầu tư, các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, các loại thông tin mà BHTGVN được tiếp cận… cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mởi của BHTGVN.
Trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đang được đẩy mạnh, cần thống nhất quy định của Luật BHTG với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, đảm bảo cơ sở pháp lý cho BHTGVN (như quy định về cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ…) tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém, đặc biệt đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt.
BHTGVN cho biết sẽ tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan đề xuất sửa đổi Luật BHTG để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, từ đó bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền và góp phần bảo đảm hoạt động an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng quốc gia.