Trung Quốc nỗ lực thành lập hệ thống BHTG
Cơ chế BHTG đã được ban lãnh đạo mới của Trung Quốc khẳng định sẽ có vai trò là một trụ cột trong mạng an toàn tài chính. Thành lập hệ thống BHTG là một bước đi quan trọng trong kế hoạch cải tổ ngành ngân hàng. Sự ra đời của một hệ thống bảo hiểm tiền gửi công khai sẽ góp phần vào tiến trình tự do hóa tài chính hơn nữa ở nước này.
Mặc dù chưa chính thức được thành lập, theo ý kiến của nhiều chuyên gia Trung Quốc, khi đi vào hoạt động, hệ thống BHTG Trung Quốc nên áp dụng mức phí theo mức độ rủi ro.
Cộng đồng Đông phi hướng tới kế hoạch xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả
Tính cấp thiết phải xây dựng một hệ thống BHTG hiệu quả tại châu Phi đã trở thành chủ đề “nóng” trong các hội nghị, diễn đàn quốc gia và quốc tế. Sau khủng hoảng, các quốc gia nhận thấy rằng việc quan tâm cũng như áp dụng không đúng mức hệ thống BHTG khu vực châu Phi ảnh hưởng bất lợi ra sao đến sự ổn định và khả năng phục hồi hệ thống tài chính ngân hàng của khu vực này. Tại châu Phi, chỉ có 9 nước trong tổng số 54 quốc gia có hệ thống BHTG. Đây là động lực chính thúc đẩy cộng đồng Đông Phi thành lập hệ thống BHTG.
Trước tình hình đó, các ngân hàng trung ương (NHTW) thuộc Cộng đồng các nước Đông Phi (EAC) đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả vào năm 2015 với mục đích đảm bảo người gửi tiền tại tất cả các tổ chức tài chính trong khu vực đều được bảo hiểm trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng.
BAN HÀNH KHUNG PHÁP LÝ CHO CƠ CHẾ BHTG
Trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc và cộng đồng Đông Phi đang rục rịch chuẩn bị cho quá trình thành lập tổ chức BHTG, một số quốc gia tuy nhỏ bé hơn nhiều đã ban hành khung pháp lý cho cơ chế BHTG của mình.
Bảng 1: Ban hành khung pháp lý cho cơ chế BHTG
Tên nước |
Ban hành khung pháp lý cho cơ chế bảo hiểm tiền gửi |
Mông Cổ |
Ngày 10/1/2013, Quốc hội Mông Cổ thông qua Luật bảo hiểm tiền gửi. Trước đó, Chính phủ Mông Cổ áp dụng cơ chế BHTG toàn bộ theo Luật của Mông Cổ về bảo đảm tiết kiệm ngân hàng do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 25/11/2008 (Luật Bảo đảm tiền gửi) và hết hiệu lực vào 25/12/2012. Phí bảo hiểm sẽ dựa trên mức độ rủi ro, nhưng không quá 0,125% tổng số dư tiền gửi. Hạn mức là 20.000.000 MNT (khoảng 14.400 USD). |
Palestin |
Đạo luật trong đó có điều khoản về bảo hiểm tiền gửi nhằm tiến tới đảm bảo ổn định kinh tế hơn nữa cho Bờ Tây và Dải Gaza sẽ có hiệu lực từ ngày 30/6/2013. Quỹ bảo hiểm của Tổng công ty BHTG Palestine đảm bảo khả năng chi trả cho 93% người gửi tiền trong giai đoạn đầu tiên. |
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO TỔ CHỨC BHTG
Trong khủng hoảng tài chính vừa qua, châu Âu là khu vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ các nền kinh tế lớn như Ireland, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp cho đến các quốc gia bé nhỏ như đảo Síp đều lún sâu vào khủng hoảng ngân hàng, tiếp đó là khủng hoảng nợ công trầm trọng kéo dài, khiến các nước này phải kêu gọi cứu trợ nhiều tỷ euro từ các tổ chức quốc tế.
Cuộc khủng hoảng tài chính từ châu Âu đã lây lan sang các châu lục khác do tính liên thông cao giữa các châu lục trên thế giới. Trước thực tế đó, các quốc gia đều ý thức được nguy cơ rủi ro đối với hệ thống ngân hàng nước mình nên đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho tổ chức BHTG cả về mặt pháp lý lẫn tài chính để có thể góp phần giải quyết các vấn đề đối với khu vực tài chính – ngân hàng sau khủng hoảng, đảm bảo ổn định hệ thống.
Bảng 2: Tăng cường năng lực của Quỹ BHTG
|
Tên tổ chức |
Nội dung |
Tăng cường khung pháp lý về xử lý và quản trị khủng hoảng |
BHTG Pháp (FGD) |
Dự thảo luật cải cách ngân hàng hiện nay cho phép Quỹ BHTG (FGD) tham gia vào việc xử lý ngân hàng, sau quyết định của Cơ quan giám sát và Xử lý (ACPR). Dự thảo Luật này trao cho các cơ quan quyền tách riêng các tổ chức đổ vỡ thành các ngân hàng tốt và xấu và thành lập các ngân hàng bắc cầu, và sẽ dần tăng việc cấp vốn trước của FGD từ mức 2 tỷ euro lên 10 tỷ Euro. |
BHTG Indonesia (LPS) |
Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị qui định cho phép LPS nhận được vốn nhằm hỗ trợ thanh khoản, đặc biệt trong thời gian xảy ra khủng hoảng. Dự kiến qui định này sẽ được hoàn thành trước cuối năm 2013. Chính phủ sẽ sử dụng các tài sản của kho bạc để hỗ trợ cho LPS trong tình trạng khẩn cấp. |
|
Tăng quy mô quỹ mục tiêu |
BHTG Kosovo (DIFK) |
Hội đồng quản trị của DIFK đã thông qua nghị quyết nâng quy mô quỹ dự trữ mục tiêu lên mức 8-9% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. |
BHTG Bosnia Herzegovina |
Những sửa đổi của luật điều chỉnh Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi đã được trình Quốc hội vào giữa tháng 5/2013. Những sửa đổi này nhằm đảm bảo rằng: (i) hạn mức bảo hiểm sẽ được mở rộng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (ii) tất cả các ngân hàng sẽ là thành viên của cơ chế bảo hiểm tiền gửi; và (iii) cơ chế BHTG phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. |
|
BHTG Ukraina
|
Ngày 22/4/2013, Ngân hàng Quốc gia Ukraina triển khai cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho Quỹ Bảo hiểm tiền gửi (DGF). DGF có thể đảm bảo cho các khoản tiền gửi nhỏ có giá trị lên tới 200.000 UAH (xấp xỉ 25.000 đô la Mỹ). Với cơ chế này, Quỹ này có thể bán trái phiếu cho Ngân hàng Trung ương theo một hợp đồng mua lại, theo đó đẩy nhanh việc thanh toán cho những người gửi tiền được bảo hiểm. |
|
Tăng cường năng lực của tổ chức BHTG |
BHTG Philippines |
Chương trình tăng cường năng lực của tổng công ty BHTG Philippines vừa được thông qua. Theo đó, dự án mô hình tài chính sẽ giúp PDIC tiến hành các cuộc kiểm tra sức chịu đựng đối với ngân hàng và dự đoán khả năng đổ vỡ. Các bài kiểm tra sẽ mô phỏng ảnh hưởng của viễn cảnh thị trường tồi tệ và kiểm tra khả năng của ngân hàng trong việc đối phó và quản lý rủi ro vốn. |
BHTG Kosovo |
Vào tháng 6, 2013, Chính phủ Kosovo dự kiến sẽ giải ngân 6,4 triệu euro để tăng nguồn vốn cho DIFK trước khi tăng hạn mức từ tháng 1 năm 2014. |
TĂNG HẠN MỨC BHTG
Sau giai đoạn khủng hoảng tài chính, ngoài việc chuyển từ cơ chế BHTG toàn bộ không công khai sang cơ chế BHTG công khai có hạn mức, một số quốc gia vốn đã một cơ chế BHTG công khai có hạn mức chọn giải pháp nâng hạn mức BHTG để nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính-ngân hàng.
Bảng 3: Động thái điều chỉnh hạn mức BHTG
Tên tổ chức |
Nội dung điều chỉnh |
BHTG Brazil (FGC) |
Từ tháng 5/2013, hạn mức BHTG tối đa đã được tăng từ 70.000 BRL (khoảng 34.900 USD) lên 250.000 BRL (khoảng 119.500 USD). Dự kiến biện pháp này sẽ giúp các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa bởi vì nó giúp họ mở rộng đối tượng người gửi tiền. |
BHTG Kosovo |
Luật Bảo hiểm tiền gửi được sửa đổi và thông qua vào tháng 12 năm 2012 đề xuất lộ trình tăng dần hạn mức bảo hiểm tiền gửi từ nay cho đến năm 2018 từ 2000 euros lên 5000 euros vào năm 2018. |
BHTG Zimbabwe |
Hạn mức BHTG bắt đầu được tăng từ 150 USD lên mức 500 USD từ tháng 1/2013 theo cam kết hỗ trợ vốn của Chính phủ. |
GIẢM TỶ LỆ PHÍ BHTG
Nhật Bản giảm tỷ lệ phí bảo hiểm tiền gửi
Vào ngày 1/4/2013, Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản (DICJ) đã giảm tỷ lệ phí bảo hiểm tiền gửi từ 0,084% xuống còn 0,07%, và hoàn lại 120 tỷ Yên (tương đương với khoảng 1,3 tỷ đô la Mỹ) các khoản phí thu là phần chênh lệch giữa số tiền phí cũ và số tiền phí mới mà các ngân hàng Nhật Bản đã nộp trong năm tài khóa 2012. Báo cáo của Moody cho biết đây là một dấu hiệu tích cực cho các ngân hàng Nhật Bản, đặc biệt là các ngân hàng địa phương, do chính sách giảm phí bảo hiểm sẽ góp phần làm giảm chi phí cận biên của hoạt động nhận tiền gửi.
Nguyên nhân dẫn đến quyết định giảm tỷ lệ phí bảo hiểm tiền gửi của DICJ là do trong năm tài khóa 2012 không có vụ đổ vỡ ngân hàng nào, khu vực ngân hàng cho thấy dấu hiệu ổn định và quỹ dự trữ gần đây được báo cáo là thặng dư 420,5 tỷ Yên (tương đương với khoảng 4,5 tỷ đô la Mỹ).
Tài liệu tham khảo
1. www.ebis.org
2. www.imf.org
http://www.royalgazette.com/article/20130530/BUSINESS03/705309952