Các tổ chức BHTG nâng cao mô hình hoạt động
Theo kết quả khảo sát, 90% tổ chức BHTG do Chính phủ thành lập, chỉ có 10% số tổ chức của tư nhân. Trong đó, mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng đang được nhiều tổ chức BHTG áp dụng nhất (45%), tiếp theo là mô hình chi trả (20%), mô hình giảm thiểu tổn thất (20%) và mô hình giảm thiểu rủi ro (15%).
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên năm 2021 của IADI
Thống kê của IADI từ năm 2011 đến năm 2021 cho thấy xu hướng biến động của mô hình hoạt động của tổ chức BHTG (Hình 1). Tỷ lệ áp dụng mô hình chi trả có xu hướng giảm dần qua các năm; ngược lại, số lượng tổ chức BHTG áp dụng mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng ngày càng gia tăng. Sự biến động này cho thấy xu hướng chuyển đổi từ mô hình chi trả sang mô hình nâng cao hơn, tổ chức BHTG có nhiều nhiệm vụ và quyền hạn hơn, qua đó giúp bảo vệ tốt quyền và lợi ích của người gửi tiền.
Hạn mức BHTG có xu hướng tăng
Xét theo khu vực địa lý, Châu Âu là khu vực có tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ cao nhất, dao động trong khoảng từ 44% đến 70% trên tổng số dư tiền gửi, Châu Phi là khu vực duy nhất ghi nhận tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số dư tiền gửi ở mức dưới 25%. (Hình 2)
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên năm 2021 của IADI
Xét theo mô hình tổ chức BHTG, các tổ chức áp dụng mô hình giảm thiểu rủi ro có tỷ lệ số dư tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số dư tiền gửi cao hơn hẳn so với 03 mô hình còn lại (khoảng 60%) (Hình 3). Trong khi đó, đối với các chi trả với quyền hạn mở rộng, tiếp theo là mô hình chi trả, mô hình giảm thiểu tổn thất, tỷ lệ này ở mức bình quân khoảng 42%. Xét về số lượng người gửi tiền, hạn mức BHTG bình quân có thể bảo vệ toàn bộ đối với gần 90% số người gửi tiền.
Quỹ BHTG ngày càng lớn mạnh
Kết quả khảo sát cho thấy sự thay đổi về tỷ trọng của phí BHTG trong mối tương quan với mô hình tổ chức BHTG (Hình 4). Cụ thể, các tổ chức BHTG có mô hình tiên tiến thường quan tâm đến rủi ro của tổ chức tham gia BHTG và sử dụng yếu tố này cho mục đích thu phí BHTG.
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên năm 2021 của IADI
Hiện nay, 84% tổ chức BHTG hoạt động theo cơ chế cấp vốn trước, tiếp đến là cơ chế cấp vốn hỗn hợp (chiếm 13%) và cơ chế cấp vốn sau (chiếm 3%) (Hình 5). Như vậy với cơ chế cấp vốn trước, tổ chức BHTG sẽ sẵn sàng nguồn lực khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, mang lại sự minh bạch và công bằng khi tất cả các tổ chức tham gia BHTG đều phải nộp phí BHTG, giảm áp lực nộp phí cho các ngân hàng lành mạnh trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng nếu áp dụng cơ chế cấp vốn sau.
Cùng với đó, 62% số tổ chức BHTG cho biết họ có cơ chế cấp vốn khẩn cấp từ cả quỹ công (vay Chính phủ và ngân hàng trung ương) và quỹ tư nhân (vay từ thị trường), 18% số tổ chức chỉ có nguồn vay từ quỹ công. Trong khi đó chỉ 20% số tổ chức BHTG xây dựng nguồn vốn khẩn cấp từ một nguồn duy nhất là quỹ tư nhân (Hình 6).
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên năm 2021 của IADI
Các tổ chức BHTG ngày càng tham gia nhiều hơn vào quá trình xử lý các tổ chức tín dụng đổ vỡ
Theo kết quả khảo sát, 43% tổ chức BHTG tham gia vào quá trình ra quyết định xử lý đổ vỡ, chiếm trong tổng số 110 tổ chức BHTG tham gia khảo sát trên toàn thế giới (Hình 7). Cụ thể, 33% tổ chức trả lời khảo sát được quyền tham gia vào việc quyết định xử lý, 10% tổ chức có quyền chủ động đưa ra quyết định xử lý. Ngoài ra, 35% tổ chức không tham gia vào quá trình ra quyết định xử lý nhưng tham gia đóng góp vào nguồn quỹ xử lý. Điều này chứng tỏ tổ chức BHTG đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém hay đổ vỡ.
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên năm 2021 của IADI
Theo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức BHTG hoạt động theo mô hình giảm thiểu rủi ro có vai trò lớn nhất trong quá trình xử lý, theo sau là mô hình giảm thiểu tổn thất, chi trả mở rộng. Tổ chức hoạt động theo mô hình chi trả ít tham gia vào quá trình xử lý nhất. Nguyên nhân bởi phần lớn các tổ chức BHTG hoạt động theo mô hình chi trả thường không có chức năng xử lý. Tuy nhiên, trong số các tổ chức hoạt động theo mô hình chi trả, có 43% tổ chức không tham gia quyết định nhưng đóng góp vào nguồn quỹ xử lý, 10% tổ chức tham gia vào việc quyết định xử lý (Hình 8). Như vậy, có thể thấy các tổ chức BHTG, cho dù hoạt động ở mô hình nào, đều đang có xu hướng tham gia ngày một nhiều hơn vào quyết định xử lý và quá trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên năm 2021 của IADI
Thời gian thực hiện chi trả ngày càng được rút ngắn
Nếu lấy mục tiêu để thực hiện chi trả là trong vòng 7 ngày kể từ khi phát sinh nghĩa vụ, có khoảng 60% trên tổng số 110 tổ chức BHTG tham gia khảo sát đã thực hiện chi trả dưới 07 ngày, 40% còn lại cho rằng họ thực hiện chi trả lớn hơn 07 ngày (Hình 9). Về thời gian chi trả cho người gửi tiền theo mô hình hoạt động, tổ chức BHTG hoạt động theo mô hình giảm thiểu tổn thất phần lớn đáp ứng mục tiêu chi trả trong vòng 07 ngày (chiếm 80%), theo sau là mô hình giảm thiểu rủi ro (chiếm khoảng 78%), mô hình chi trả (khoảng 56%) và mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng (khoảng 51%) đáp ứng mục tiêu chi trả trong vòng 07 ngày (Hình 10). Các con số trên thể hiện xu hướng tổ chức BHTG trên toàn thế giới đã và đang nỗ lực rút ngắn thời gian chi trả BHTG nhằm nâng cao năng lực bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần ổn định hệ thống tài chính quốc gia.
Nâng cao nhận thức công chúng - một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả
Dựa trên số liệu khảo sát, 100% các tổ chức BHTG thuộc khu vực Á Âu, Châu Phi và Caribe đã đảm bảo việc cung cấp thông tin về lợi ích cũng như hạn chế của hệ thống BHTG đến công chúng thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, chỉ có 58% các tổ chức BHTG khu vực Trung Đông và Bắc Phi thực hiện được điều này. Mức độ phổ biến của chương trình nâng cao nhận thức công chúng trên toàn thế giới gần đạt mức 80% cho thấy sự quan tâm, chú trọng của tổ chức BHTG ngày càng tăng đối với hoạt động này cũng như ngày càng khẳng định tầm quan trọng của nâng cao nhận thức công chúng trong việc bảo vệ ngưởi gửi tiền và góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên năm 2021 của IADI
Các tổ chức BHTG tham gia thúc đẩy tài chính toàn diện
Theo kết quả khảo sát, 26% tổ chức BHTG tham gia khảo sát trả lời họ có tích hợp nội dung tài chính toàn diện trong kế hoạch chiến lược, 59% tổ chức BHTG không có nội dung này trong kế hoạch chiến lược, trong khi 15% còn lại có kế hoạch đưa nội dung này vào chiến lược (Hình 13). Điều này cho thấy các quốc gia đang dần xác định được tầm quan trọng và dần đưa tài chính toàn diện vào trong chiến lược phát triển tài chính - ngân hàng của mình nói chung và trong hệ thống BHTG nói riêng; đồng thời, cũng thể hiện xu thế tất yếu của thế giới trong thời đại công nghệ 4.0.
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên năm 2021 của IADI
Ngoài ra, 75% các tổ chức tham gia khảo sát có mức độ tài chính toàn diện trên 50% dân số trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, mức từ 26-49% dân số trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng chiếm 18% và mức dưới 25% dân số trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng chiếm 7% (Hình 14). Như vậy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự thúc đẩy tại mỗi quốc gia, mức độ tài chính toàn diện ngày càng được cải thiện nhất là đối với những nước nghèo hoặc đang phát triển tại các khu vực Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Châu Á và khu vực Trung Đông. Tại các quốc gia này, vấn đề người nghèo không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính đã và đang được giải quyết thông qua những giải pháp mới và công nghệ mới như các tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng không qua điểm giao dịch (dịch vụ ngân hàng qua internet hoặc điện thoại…), tiền điện tử (phát hành bởi các công ty thanh toán trực tuyến). Bởi vậy, ngày càng có nhiều người gửi tiền nhỏ lẻ, thu nhập thấp có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính tại những nền kinh tế đang phát triển.
Liên hệ với Việt Nam
Có thể thấy, đồng hành cùng với xu hướng phát triển toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống BHTG trên toàn thế giới cũng đã và đang từng bước đổi mới, cải thiện hệ thống để tăng cường cơ chế bảo vệ người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định tài chính và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD năm 2017, BHTGVN được giao thêm một số nhiệm vụ trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nhằm tạo điều kiện cho BHTGVN thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, kết quả khảo sát của IADI sẽ là một trong những nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với BHTGVN trong giai đoạn này. BHTGVN cần định hướng sửa đổi Luật cũng như nâng cao hoạt động trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm, xu hướng quốc tế nhằm từng bước hướng tới chuẩn mực chung về BHTG, cụ thể là mở rộng quyền hạn và nghĩa vụ của tổ chức BHTG, đặc biệt là tham gia hiệu quả vào quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Định kỳ rà soát và điều chỉnh hạn mức BHTG phù hợp để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người gửi tiền. Nghiên cứu các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian chi trả BHTG. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức công chúng, gia tăng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng. BHTGVN cũng cần nghiên cứu, tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.