Sau nhiều năm ảm đạm vì ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, các vụ M&A đã sôi động trở lại trên thị trường tài chính toàn cầu.
Bruce Wassersteing có thể được coi là người làm mua bán và sáp nhập nổi tiếng nhất phố Wall trong thập niên những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên, thiên tài trả giá Bruce, người qua đời năm 2009, lại có những mâu thuẫn về nghề nghiệp của mình. Ông từng viết: những người trả giá giỏi nhất là những người có năng lực, nhưng cũng không loại trừ những kẻ hám lợi và khoác lác xoàng xĩnh. Và dù cho những sự thôn tính khiến nền kinh tế thế giới năng động hơn, chúng cũng dẫn đến những sự đau thương, trật khớp và sai lầm.
Trong bối cảnh hoạt động M&A sôi động trở lại sau thời gian dài trầm lắng vì khủng hoảng tài chính, liệu M&A có đem đến nhiều lợi ích lại một lần nữa trở thành câu hỏi quan trọng. Theo kênh thông tin của Bloomberg, các giao dịch trên toàn thế giới được công bố kể từ đầu năm đến nay đã có giá trị lên tới 3.600 tỷ USD, gần chạm mức đỉnh trong năm 2007. M&A đặc biệt sôi động trong các ngành dược và truyền thông với trị giá giao dịch phổ biến là hơn 10 tỉ USD. Mỹ và Anh là hai thị trường sôi động nhất, đồng thời tỷ lệ các vụ M&A xuyên biên giới đã tăng từ mức gần 17% trong thời kỳ giữa những năm 1990 lên 43% ở thời điểm hiện tại.
Những biến động mạnh mẽ của thị trường M&A khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Các nhà quản lý quĩ kì cựu và các học giả đã chỉ rõ rằng mặc dù các vụ giao dịch thỏa mãn lòng kiêu hãnh của các bậc lãnh đạo và làm giàu cho các ngân hàng, chúng phá hủy giá trị của các cổ đông. Bằng chứng là khi một công ty thông báo về hoạt động M&A, cổ phiếu của hãng thường có xu hướng giảm điểm bởi nhà đầu tư e sợ số tiền doanh nghiệp đã bỏ ra để thâu tóm vượt quá những lợi ích thu được. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, giá cổ phiếu của các công ty đi thâu tóm nhìn chung diễn biến theo xu hướng ổn định hoặc tăng giá. Điều này đặt ra câu hỏi vừa nguy hiểm vừa hấp dẫn: liệu lần này sẽ khác?
Trên lý thuyết, sáp nhập và mua lại thật hữu dụng. Khi hai công ty hợp nhất, họ có thể cắt giảm chi phí trùng lặp, từ đó tăng lợi nhuận. Sau sáp nhập, thị phần tăng mạnh và từ đó doanh nghiệp sau hợp nhất có được sức mạnh định giá trên cơ so với khách hàng cũng như các nhà cung cấp. Nhờ bán chéo sản phẩm ở các thị trường sẵn có của 2 công ty, doanh nghiệp mới sẽ thu được doanh thu lớn hơn so với tổng doanh thu của hai doanh nghiệp riêng lẻ trước đó.
Một số công ty thành công nhất thế giới là kết quả của những vụ M&A tầm cỡ. Exxon trở thành công ty đứng đầu trong ngành năng lượng nhờ mua lại Mobil năm 1999, khi công ty này đang sở hữu nhiều tài sản bị đánh giá thấp. Sau hơn hai thập kỉ, AB Inbev đã thực hiện thành công nhiều vụ giao dịch với tổng giá trị 100 tỉ USD, trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới với mức lợi nhuận đáng thèm khát.
Trong các vụ nhỏ hơn và có thể ít rủi ro hơn, những giao dịch dưới 5 tỷ USD chiếm 2/3 tổng số giao dịch trong thập kỉ qua. Ngày nay các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ không ngừng mở rộng các ngành kinh doanh mới thông qua các giao dịch thường ít được chú ý. Trong 5 năm qua, giữa General Electric, Google và Intel đã có hơn 500 vụ mua bán công ty.
Tuy nhiên, sát nhập và mua lại chứa đựng những thảm họa khổng lồ và đã có không ít ví dụ chứng minh cho điều này. Sự kết hợp của Time Warner và AOL năm 2000 là một thất bại khi bong bóng công nghệ vỡ tung, hay sự kết hợp của ngân hàng Hoàng gia Scotland RBS và ABN AMRO diễn ra đúng vào năm 2007, khi khủng hoảng nợ dưới chuẩn nổ ra.
Dẫu vậy, trái với danh tiếng không mấy tốt đẹp, trên thực tế các vụ M&A đều tạo ra những giá trị nhất định, ít nhất là trong ngắn hạn: kể từ năm 2000, tổng giá trị thị trường của các công ty đi mua lại và được mua lại đã tăng lên so với thời điểm giao dịch được công bố. Vấn đề nằm ở chỗ những thành quả này đều dồn về cổ đông của công ty được mua lại. Thông thường, người mua trả quá tay cho công ty hợp nhất, khuếch đại hay đánh giá quá cao họ với mục đích bao biện cho giao dịch đó.
Tại sao lần này lợi ích của mua lại và sáp nhập lại được san đều cho cả hai bên? Nguyên nhân có thể là do nhà đầu tư đang tự khẳng định bản thân: ở Mỹ các quỹ đang mạnh hơn bao giờ hết. Họ thích lựa chọn các công ty mua lại cổ phiếu quỹ với giá rẻ chứ không muốn mua cổ phần của công ty khác với mức giá đắt hơn. Trong khi đó, ở châu Âu, các cổ đông là tổ chức (từ các quỹ đầu tư quốc gia cho tới quỹ tư nhân) không còn đóng vai trò quan trọng như thời kỳ những năm 1990.
Định giá các vụ M&A là một công việc khó khăn bởi không hề có khuôn mẫu đảm bảo thành công. Một vài công ty đi thâu tóm trao cho doanh nghiệp bị thâu tóm quyền tự chủ, nhưng một số làm điều ngược lại. Mỗi ngành đều có những kẻ thành công đi kèm với những kẻ thất bại. Một doanh nghiệp cụ thể cũng trải qua nhiều thăng trầm, có lúc thành công xuất sắc và có lúc đi chệch hướng. RBS đã hoạt động rất tốt trước khi mua lại ABN. Vì vậy, thời điểm là yếu tố rất quan trọng đối với các vụ M&A.