Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ.
Các chỉ số điều hành chính sách tiền tệ ổn định, hợp lý
Theo thông tin từ Vụ Chính sách tiền tệ, trong điều kiện phù hợp với diễn biến thị trường, NHNN mua ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước và trung hòa tiền trên thị trường mở; tái cấp vốn hỗ trợ TCTD khó khăn thanh khoản và hỗ trợ nguồn vốn cho TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu; giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc của TCTD tại NHNN. Đến ngày 31/5/2018, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 7,03% so với cuối năm 2017, phù hợp mục tiêu định hướng 16% cả năm 2018.
Thanh khoản hệ thống TCTD được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng ổn định ở mức thấp. Thanh khoản dồi dào đã góp phần giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ, qua đó giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước, cụ thể: lãi suất giảm ở tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,66-1,52%/năm so với cuối năm 2017.
Những tháng nửa đầu năm 2018, mặt bằng lãi suất ổn định, một số TCTD đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt thuộc lĩnh vực ưu tiên (về mức tối đa 6%/năm). Có được kết quả này là bởi Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 chỉ đạo các TCTD rà soát các biện pháp để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng; đồng thời, trên cơ sở đánh giá các nền tảng kinh tế vĩ mô, NHNN đã giảm lãi suất niêm yết chào mua thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.
Trên cơ sở mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN điều hành các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân. Dư nợ tín dụng tăng ngay từ đầu năm; đến ngày 31/5/2018, tín dụng tăng 6,16% so với cuối năm 2017, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định. Tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực.
Nửa đầu năm 2018 cũng chứng kiến việc NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm kết hợp với điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ TCTD theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, trên cơ sở phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác. Nhờ đó, NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, đồng thời kết hợp hài hòa với việc trung hòa lượng tiền đưa ra trên thị trường mở, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thị trường tốt. Đến ngày 11/6/2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.567 VND/USD, tăng 0,63% so với cuối năm 2017; tỷ giá niêm yết mua-bán của Vietcombank tăng 0,44% so với cuối năm 2017; tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,47% so với cuối năm 2017.
05 định hướng điều hành chính sách tiền tệ cho những tháng còn lại năm 2018
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, trong những tháng tiếp theo của năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối. Định hướng trọng tâm hàng đầu trong chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý ngành ngân hàng là điều hành chủ động, linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện tái cấp vốn cho TCTD với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. lãi suất được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.
Quy mô tín dụng được điều hành, kiểm soát phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Chính sách đối với tỷ giá cũng sẽ linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; tăng quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.
Khi chính sách tiền tệ được điều hành hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, chắc chắn nền kinh tế sẽ có được sự tăng trưởng hợp lý, vững chắc.