Mặc dù chịu sức ép của mọi bên cả trong và ngoài châu Âu như Trung Quốc và Mỹ trong cuộc họp thượng đỉnh EU đang diễn ra tại Brussel, Bỉ bàn về việc cứu đồng euro, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn cương quyết từ chối cả yêu cầu gộp các khoản nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu vào trái phiếu euro (eurobond) lẫn yêu cầu tung gói cứu trợ để vực dậy các ngân hàng gặp khủng hoảng. Thậm chí, bà Merkel còn khẳng định lại quan điểm không phát hành eurobond vì “đó sẽ sai lầm về mặt kinh tế và sẽ phản tác dụng” và ngoài ra bà còn “lo ngại” về việc có quá nhiều người nói đến việc bỏ các khoản nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu vào một giỏ như vậy.
Sở dĩ nước Đức mà đại diện là Thủ tướng Đức Angela Merkel không sẵn sàng cho giải pháp mà bà gọi là giải pháp “dễ dàng” cho cuộc khủng hoảng nợ như việc phát hành trái phiếu euro vì Đức tin rằng giải pháp này không giải quyết được căn nguyên của vấn đề, đó là kỷ luật tài khóa lỏng lẻo và thiếu sự kiểm soát tập trung của các cơ quan quản lý EU. Bà liên tục khẳng định rằng “Các hình thức bảo lãnh phải đi cùng với các biện pháp kiểm soát”.
Nhưng các thị trường tài chính đang hoang mang lại muốn được có câu trả lời sớm nhất vì hết nước này đến nước khác phải tìm đến sự bảo trợ của EU và càng ngày người ta càng lo ngại rằng không đủ “phao cứu sinh” cho tất cả các nước đó. Nhưng theo các nhà phân tích, rõ ràng là Đức còn phản đối với đề xuất đồng tài trợ các khoản vay chính phủ thông qua trái phiếu euro hay cấp vốn cho các ngân hàng gặp khó khăn chừng nào nước này còn chưa kiểm soát được các chính sách tài khóa và ngân hàng của các nước khác.
Trong khi đó, Pháp và Ý lại ủng hộ giải pháp nhanh chóng là cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính và không sẵn sàng nhường quyền quyết định tối cao cho Đức. Do đó, trừ khi Đức hoặc liên minh Pháp – Ý thay đổi ý định rõ rệt, nếu không hy vọng về một giải pháp duy trì lại khu vực đồng tiền chung châu Âu ở trạng thái hiện tại là điều khó khăn.
Liệu EU có đạt được thỏa thuận chung nào khác hay không?
Với việc đảo Síp là quốc gia thứ năm trong tổng số 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu xin được cứu trợ, các lãnh đạo của châu Âu đã có nhiều buổi tọa đàm để đưa ra giải pháp, mà điển hình là bữa tiệc tối giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vào ngày 27/6/2012. Qua đó, Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ nhất trí về một “hiệp ước tăng trưởng” với gói giải pháp trị giá khoảng 130 tỷ euro (tương đương với 163 tỷ USD) cũng như một kế hoạch hướng tới liên minh bền chặt hơn, có thể trao cho EU quyền quyết định cuối cùng đối với vấn đề ngân sách quốc gia ở khu vực đồng tiền chung.
Theo một chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng ING ở Brussels, Berlin sẽ không tán thành với ý tưởng gộp các khoản nợ lại chừng nào chưa có thêm sự thống nhất về tài khóa và chính trị ít nhất là giữa các nước sử dụng chung đồng euro. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Chính phủ Đức không cam kết và quyết tâm cứu khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo tuyên bố của tờ Bild đầy uy tín ở Đức, nước Đức cũng không bao giờ bảo lãnh cho các khoản nợ của các nước khác, không chỉ vì họ không muốn thế mà đơn giản là vì họ không đủ khả năng làm việc đó do khoản nợ mà nước này đang phải gánh đã lên mức 2 nghìn tỷ euro. Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế khác từ Ngân hàng Berenberg, ông Holger Schmieding, đối với bà Merkel – đó là tòa án hiến pháp của Đức đã tỏ ra ngày càng thận trọng với việc chuyển giao thêm nhiều quyền lực hơn cho Brussels. Theo quan điểm của ông Holger, trái phiếu chung bằng đồng euro không thích hợp với hiến pháp của nước Đức.