Hội nghị AEBS lần thứ 3 tiếp nối thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU (AEBS) lần thứ nhất tại Jakarta, Indonesia và lần thứ 2 tại Phnom Penh, Campuchia, với mục tiêu tăng cường khả năng đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo kinh tế và doanh nghiệp các nước ASEAN và EU cũng như nâng cao nhận thức về các cơ hội kinh doanh, đầu tư giữa hai khu vực.
Đây là một nội dung quan trọng trong chương trình làm việc về thương mại và đầu tư ASEAN-EU và là sáng kiến điển hình cho mô hình đối thoại công-tư của ASEAN.
Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Cao uỷ Thương mại EU, Tổng thư ký ASEAN và hơn 600 đại biểu từ cả hai khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Hội nghị bao gồm 6 phiên đối thoại chuyên đề của các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu nhằm đưa ra những kiến nghị cụ thể trước 10 Bộ trưởng Thương mại ASEAN và Cao ủy Thương mại châu Âu, tập trung vào các lĩnh vực: Kinh tế nông nghiệp, công nghiệp ô tô, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng/kết nối và dược phẩm.
Đặc biệt, hoạt động quan trọng nhất của Hội nghị AEBS lần thứ 3 là phiên tham vấn với các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại EU. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy châu Âu đã giải đáp một số câu hỏi của doanh nghiệp tại phiên tham vấn và ghi nhận các đề xuất để xem xét thực hiện trong khuôn khổ các chương trình hợp tác nội khối hoặc chương trình hợp tác ASEAN-EU.
Nhiều kiến nghị thiết thực cho hợp tác ASEAN-EU
Tại phiên tham vấn với các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại EU, những người chủ trì mỗi phiên họp của 6 nhóm chuyên ngành đã trình bày kết quả thảo luận của các doanh nghiệp tại mỗi phiên họp và đề xuất những khuyến nghị đối với ngành liên quan.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, những kiến nghị chính được đề xuất bao gồm: Giảm thuế nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan; thuế nội địa và các quy định cần được đơn giản, minh bạch và tuân thủ các quy định của WTO để tạo sân chơi bình đẳng đối với hàng hoá trong nước và nhập khẩu; đồng nhất và đơn giản hoá các quy định ghi nhãn đối với hàng hoá đóng gói; định nghĩa tiêu chuẩn kỹ thuật và quy tắc phân loại sản phẩm phải dựa trên các tiêu chuẩn được công nhận quốc tế; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả bảo vệ thương hiệu mạnh, công nhận chỉ dẫn địa lý; bảo vệ truy xuất nguồn gốc thông tin để bảo vệ người tiêu dùng và hỗ trợ thương mại hợp pháp.
Trong lĩnh vực này, EU và ASEAN nên tăng cường hợp tác về an toàn sản phẩm, ghi nhãn và tiêu chuẩn kỹ thuật; công nhận lẫn nhau về đăng ký sản phẩm nông nghiệp; xuất khẩu chất lượng cơ sở hạ tầng, bao gồm các phòng thí nghiệm và các cơ quan thanh tra.
Với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, ASEAN có tiềm năng để trở thành thị trường ô tô lớn thứ 6 trên thế giới vào năm 2018, với doanh số bán hàng dự kiến đạt 4,7 triệu phương tiện, gấp đôi con số 2,4 triệu vào năm 2012. Do đó, các nước thành viên cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào ngành sản xuất ô tô bằng các biện pháp: Liên kết các sản phẩm ô tô với tiêu chuẩn UNECE (Uỷ ban Kinh tế Liên Hợp Quốc dành cho châu Âu); hợp nhất các quá trình phê duyệt và xác nhận; thông qua chất lượng nhiên liệu và tiêu chuẩn khí thải cao hơn; đồng nhất các định nghĩa và thủ tục liên quan theo nội dung của địa phương; đưa ra công nghệ khí thải trung lập dựa trên đề án thuế xe cộ, trong đó giảm thuế cho những loại xe ít thải khí CO2; cải tiến tiêu chuẩn giáo dục kết hợp với đào tạo công nghiệp để cải thiện chất lượng lực lượng lao động trong ngành công nghiệp.
Để phát triển ngành dịch vụ tài chính vững chắc, cạnh tranh và bền vững, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu ra bốn kiến nghị chính: Đẩy mạnh các kế hoạch hội nhập dịch vụ tài chính và đồng nhất hoá quy định trên toàn khu vực; tiếp tục mở cửa thị trường tài chính để cạnh tranh nước ngoài; phát triển và cải thiện thị trường vốn/trái phiếu ASEAN; cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực.
Đối với ngành công nghệ thông tin và truyền thông, tất cả các nhà khai thác nên được đứng trên một sân chơi bình đẳng, cấp giấy phép từ một cơ quan quản lý duy nhất, một thị trường tổng thể với giá cả truy cập bắt buộc, kết nối công bằng và điều tiết cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần khuyến khích đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực viễn thông-thông tin và tránh đặc biệt các quy định hạn chế nước ngoài nhằm gia tăng đầu tư, sự đa dạng và chất lượng dịch vụ.
Về cơ sở hạ tầng-kết nối, cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi EU hỗ trợ các mục tiêu của Lộ trình Logistic ASEAN và Kế hoạch làm chủ kết nối trong ASEAN thông qua các biện pháp tự do hoá và thuận lợi hoá trong khu vực dịch vụ logistic. Các nước ASEAN cũng cần ban hành luật pháp trong nước để có sự công nhận pháp lý các tài liệu vào giao dịch điện tử. Nên có sẵn và áp dụng các thủ tục quá cảnh thông thường đối với các phương tiện giao thông liên phương thức và liên quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí cho các thương nhân. Đơn giản hoá quy trình hải quan thông qua trao đổi dữ liệu điện tử cho kê khai và thông quan hải quan, thông qua hệ thống đánh giá rủi ro và dựa trên thủ tục thông quan trước khi cập cảng.
Cuối cùng, trong lĩnh vực dược phẩm-y tế, cần hình thành Nhóm tư vấn dược phẩm EU-ASEAN, nhóm họp thường xuyên để thảo luận và tìm ra các giải pháp giải quyết thách thức. ASEAN cần kiểm tra chặt chẽ các rủi ro về an toàn cho bệnh nhân và hợp tác với các đối tác EU cũng như ngành dược phẩm của EU để đảm bảo loại bỏ các rủi ro này và phát triển các tiêu chuẩn về hạ tầng hành chính. Các nước ASEAN nên xoá bỏ mọi sự hạn chế sở hữu nước ngoài trong các công ty dược phẩm cũng như giới hạn về hoạt động của các công ty dược phẩm thuộc sở hữu nước ngoài.