Hội nghị thường niên lần thứ 14 và Hội thảo quốc tế của Ủy ban khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APRC) bàn thảo nhiều nội dung quan trọng cho sự phát triển APRC và phổ biến kinh nghiệm truyền thông Nâng cao nhận thức công chúng về bảo vệ người gửi tiền.
Hội nghị thường niên lần thứ 14 và Hội thảo quốc tế của Ủy ban khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APRC) thuộc Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) đã diễn ra từ 14 – 18/6/2016 tại Philippines. Có tổng cộng 12/18 đoàn BHTG là thành viên của APRC, IADI tham dự. Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm tiền gửi Lào, NHTW Campuchia (Campuchia chưa có cơ quan BHTG) tham dự với tư cách Quan sát viên. Hơn 60 đại biểu đại diện cho các tổ chức tham dự các hoạt động của hội nghị và hội thảo. Đại diện NHTW philipines và Thị trưởng thành phố Iloilo tham dự và chào mừng Hội nghị. Hội nghị tiếp nhận các kiến thức và phương thức truyền thông hiện đại từ các chuyên gia trong ngành truyền thông, trao đổi thông tin về các hoạt động truyền thông với các tổ chức BHTG trong khu vực. Tham dự triển lãm các sản phẩm truyền thông do một số nước thành viên tham dự Hội nghị trưng bày và giới thiệu.
Về Hội nghị thường niên APRC 14
Đây là hội nghị thường niên dành cho các tổ chức BHTG thành viên và Hội viên liên kết, quan sát viên của Ủy ban khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APRC) thuộc Hiệp hội BHTG quốc tế. Hội nghị xem lại biên bản cuộc họp của các thành viên APRC bên lề Đại hội thường niên của IADI tháng 10 năm 2015, trong đó điểm lại một số hoạt động của APRC thời gian qua. Hội nghị bàn tròn lần thứ 9 tổ chức tại Kyoto Nhật bàn về Những bài học thực tế từ các nước tổ chức từ 17-19 tháng 2 năm 2016. Cho ý kiến về Hội thảo chuyên đề về Nâng cao khả năng phục hồi tài sản do Tổng công ty BHTG Mông Cổ tổ chức, diễn ra vào 16 và 17 tháng 8 năm 2016; Hội nghị thường niên và hội thảo quốc tế của IADI lần thứ 15 với chủ đề Chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo do Tổng công ty BHTG Hàn Quốc tổ chức, diễn ra từ 25-28 tháng 10 năm 2016.
Thảo luận về Dự thảo Báo cáo Các ưu tiên chiến lược và Kế hoạch hành động cấp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Nội dung của Báo cáo bao gồm: 1) Giới thiệu Báo cáo thảo luận; 2) Các nguyên tắc cơ bản với các sáng kiến dựa trên đặc trưng của khu vực; 3) Các ưu tiên chiến lược; 4) Kế hoạch hành động để đạt được các ưu tiên chiến lược, tập trung vào (1) Đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, (2) Nghiên cứu và phát triển chính sách, (3) Cải tiến tổ chức APRC; 5) Bước tiếp theo.
Về các nội dung, BHTGVN ủng hộ đa số các nội dung và kế hoạch hành động trên, bao gồm cả tăng cường chia sẻ thông tin, tăng cường các mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức BHTG trong khu vực, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chiến lược của IADI có tính tới các đặc tính đa dạng của các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đưa ra quan điểm của APRC đối với các vấn đề chính sách lớn của IADI dựa trên sự đồng thuận của các thành viên APRC. BHTGVN ủng hộ quan điểm APRC cần mở rộng ảnh hưởng đối với IADI vì các thành viên APRC đang hoạt động rất hiệu quả trong ban điều hành của Hiệp hội.
Về Các ưu tiên chiến lược và Kế hoạch hành động cấp khu vực cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương: Quan điểm của BHTGVN là đồng ý với một số điểm chính của bản dự thảo, tuy nhiên cần cân nhắc việc xây dựng tiêu chuẩn riêng cho APRC vì trình độ phát triển và hoàn cảnh mỗi nước khác nhau nên việc chia sẻ thông tin có thể thực hiện dễ dàng hơn việc thay đổi về mặt pháp lý hoạt động của một tổ chức BHTG. Mặt khác, địa vị pháp lý của BHTG ở mỗi nước có khác nhau, nêu đưa ra tiêu chuẩn quá khắt khe thì sẽ không khuyến khích được các nước tham gia, đặc biệt là BHTG các nước mới thành lập.
Về Hội thảo quốc tế
Hội thảo quốc tế với chủ đề Nâng cao nhận thức công chúng về bảo vệ người gửi tiền chiếm phần lớn thời lượng của chuỗi sự kiện, gồm 3 phần chính: (i) Định hướng các tổ chức BHTG về chương trình nâng cao nhận thức công chúng hiệu quả; (ii) Xây dựng nội dung truyền thông và lựa chọn kênh thông tin hiệu quả; và (iii) Các chương trình nâng cao nhận thức công chúng cho các nhóm đối tượng mục tiêu.
Trong phần (i), bà Yvonne Fan – Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu và Hướng dẫn IADI đã có bài thuyết trình quan trọng về Nguyên tắc thứ 10 – Nhận thức công chúng thuộc Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức công chúng, cảnh báo rằng chương trình truyền thông về các vấn đề khi ngân hàng đổ vỡ cần được hoạch định một cách cẩn trọng từ trước khi sự kiện diễn ra. Bài thuyết trình cũng nhấn mạnh, không có phương pháp tiếp cận truyền thông nào là tuyệt đối đúng, chỉ có thể tìm ra phương pháp nào là phù hợp nhất trong từng bối cảnh, đối tượng cụ thể. Có nhiều ý tưởng tương đồng với bài thuyết trình của bà Yvonne Fan, song được bổ sung bằng những thực tế triển khai tại Nhật Bản, bài thuyết trình của ông Katsunori Mikuniya – Chủ tịch DICJ đã đi sâu phân tích trường hợp hoạt động nâng cao nhận thức công chúng tại nước này, từ đó rút ra kết luận: nâng cao nhận thức công chúng cần một quá trình dài hạn, liên tục, không thể gói gọn trong chỉ một hay vài ngày.
Là một chuyên gia truyền thông, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế về Truyền thông kinh doanh Philippines, diễn giả Ritzi Vilarico Ronquillo đã giới thiệu với hội thảo các yếu tố của một chương trình nâng cao nhận thức công chúng hiệu quả, bao gồm: nhận diện đối tượng mục tiêu của chương trình truyền thông một cách cụ thể; phương pháp tiếp cận truyền thông qua câu chuyện; nội dung thông điệp và các kênh truyền tải; và thiết kế chương trình truyền thông phù hợp với đối tượng đích.
Phần (ii) của Hội thảo quốc tế, các chuyên gia truyền thông đã đưa ra phương hướng triển khai chương trình nâng cao nhận thức công chúng thông qua xây dựng nội dung truyền thông và lựa chọn kênh thông tin hiệu quả. Bà Emily A. Abrera – Chủ tịch danh dự McCann Erickson Philippines thuyết trình về các phương thức tiếp cận sáng tạo trong việc xây dựng thông điệp thuyết phục; ông Donald Patrick Lim – Giám đốc kỹ thuật số Tổng công ty ABC-CBN giới thiệu tổng quan về phương tiện truyền thông nhằm lựa chọn kênh thông tin hiệu quả, và bà Maria Rodriguez Java – Giám đốc kinh doanh Khu vực Đông Nam Á – Công ty Effective Measure chuyển tải tới hội thảo cách tiếp cận, phương pháp và công cụ đánh giá hiệu quả chương trình nâng cao nhận thức công chúng. Theo các chuyên gia, việc phân tích đối tượng mục tiêu chính là điểm trung tâm và là nền tảng quan trọng nhất cho quá trình triển khai chương trình nâng cao nhận thức công chúng. Những phân tích đó đến từ quá trình nghiên cứu, quan sát, tư duy logic và óc tưởng tượng, từ đó xây dựng thông điệp và lựa chọn kênh truyền thông phù hợp nhất. Về kênh truyền thông, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai truyền thông số, bởi đây là một xu hướng đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, khiến toàn bộ quá trình trao đổi, tiếp nhận thông tin trở nên thay đổi, đem tới khả năng tùy biến cao, chi phí thấp và hiệu quả tốt cho các chương trình truyền thông. Không kém phần quan trọng là việc đánh giá hiệu quả truyền thông. Bà Maria Rodriguez Java cho rằng cần thực hiện đánh giá trước và sau khi thực hiện chương trình truyền thông: nếu như đánh giá trước là nhằm xác định rõ mục tiêu, nhu cầu, phương thức thực hiện, thì đánh giá sau giúp thấy được sự thay đổi về nhận thức, hành vi của đối tượng đích.
Trong phần (ii), các đại biểu dự hội thảo được tiếp cận với bài học kinh nghiệm từ Tổng công ty BHTG Malaysia (PIDM) và Tổng công ty BHTG Trung ương Đài Loan (CDIC). Đây là hai tổ chức BHTG năng động trong khu vực với các chương trình truyền thông phong phú, tác động tới nhiều đối tượng mục tiêu khác nhau với phương pháp thể hiện khác nhau.
Phần (iii) của hội thảo hướng tới việc giới thiệu bài học kinh nghiệm từ FDIC (Mỹ), IDIC (Indonesia), KDIC (Hàn Quốc), DICGC (Ấn Độ) và bài thuyết trình của ông Ralph Guzman – Phó Tổng giám đốc phụ trách Marketing – Công ty tư vấn Guthrie-Jensen Philippines về hành vi và các yếu tố ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng. Các bài thuyết trình của FDIC, IDIC, KDIC đã tập trung làm rõ rác chương trình phổ biến kiến thức tài chính của các nước này. Do không thể trực tiếp đến dự hội thảo, đại diện FDIC đã gửi băng ghi hình bài thuyết trình của mình, nêu lên các chương trình truyền thông của Tổng công ty BHTG nước này về hạn mức BHTG, các loại tiền gửi được bảo hiểm, các biện pháp hỗ trợ và cung cấp thông tin cho công chúng, và các nguồn thông tin bổ sung. Như vậy, người gửi tiền nói riêng và công chúng tại Mỹ có thể có những hiểu biết cơ bản về chính sách BHTG nước này, đồng thời có thể ngay lập tức được cung cấp thêm thông tin nếu có nhu cầu tìm hiểu thêm. Hệ thống công cụ truyền thông được FDIC triển khai gồm: thông tin trên website (bao gồm cả bài viết và video, danh mục trực tuyến...), tổng đài tư vấn trực tiếp, các ấn phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp) bằng nhiều thứ tiếng, các video clip được đăng tải trên Youtube. FDIC cũng đo lường lượng tương tác thông qua từng kênh nhằm có những điều chỉnh phù hợp.
Phần thuyết trình của KDIC và DICGC tập trung vào việc phổ biến kiến thức tài chính. Nếu như DICGC tập trung vào 2 đối tượng mục tiêu chính là học sinh trong lứa tuổi từ 15-18 và giáo viên các trường, thì KDIC hướng tới 3 đối tượng mục tiêu: người cao tuổi, tiểu thương và học sinh. KDIC tổng kết bài học thành công của mình dựa trên 4 yếu tố: phối hợp tốt với Ngân hàng Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan; triển khai tuyên truyền thường xuyên, liên tục; thực hiện các chương trình giáo dục được thiết kế phù hợp với đối tượng đích; và triển khai các chương trình giáo dục nâng cao. Trong khi đó, IDIC (Indonesia) nêu lên bài học kinh nghiệm về việc tổ chức sâu và rộng các hoạt động truyền thông thông qua phối hợp với các cơ quan, tổ chức. Với đặc thù địa lý là một quốc gia nhiều đảo, IDIC thường xuyên phối hợp với các trường học tại các địa phương, tổ chức sự kiện nâng cao nhận thức về kiến thức tài chính, từ đó đưa thông tin về chính sách BHTG và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính tới với các đối tượng mục tiêu.
Xuyên suốt hội thảo, đại biểu tham dự và các diễn giả có cơ hội trao đổi trực tiếp về những thắc mắc, khó khăn đối với từng trường hợp cụ thể, từ đó đưa ra lời khuyên, tư vấn phù hợp.
Bên lề hội thảo quốc tế, triển lãm APRC về nâng cao nhận thức công chúng cũng được tổ chức nhằm giúp BHTG các nước tham gia triển lãm: Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ, Đài Loan, Indonesia, Malaysia... có thể trưng bày các sản phẩm, công cụ truyền thông của mình, đem tới cho đại biểu tham gia hội thảo cái nhìn trực quan về hoạt động truyền thông.
Hội thảo Nâng cao nhận thức công chúng về bảo vệ người gửi tiền mang lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích từ các chuyên gia chuyên về lĩnh vực truyền thông của Philippines và chia sẻ kinh nghiệm thực tế của một số cơ quan bảo hiểm tiền gửi như Mỹ, Đài Loan, Malaysia, Nga, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ. Đây là một hội thảo hữu ích, các quan điểm về truyền thông được các chuyên gia và tổ chức BHTG chia sẻ thẳng thắn, cụ thể với những chiến lược và kết quả, sản phẩm truyền thông. Một số nội dung các chuyên gia trình bày có thể áp dụng cho quá trình thiết kế và triển khai các hoạt động truyền thông của BHTGVN trong thời gian tới.