Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 150 đại biểu tới từ 45quốc gia và vùng lãnh thổ. Chủ trì hội nghị gồm bà Elvira Nabiullina - Thống đốc Ngân hàng TW Nga và ông Katsunori Mikuniya – Chủ tịch IADI kiêm Chủ tịch Hội đồng điều hành IADI, Thống đốc Tổng công ty BHTG Nhật Bản (DICJ).
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Elvira Nabiullina - Thống đốc Ngân hàng TW Nga nhấn mạnh, chủ đề trọng tâm của diễn đàn lần này đã bắt kịp xu thế khi công nghệ đang từng ngày tạo ra sự đổi thay của thị trường tài chính và các tổ chức BHTG phải tích cực tham gia vào quá trình đổi thay này.
Bà cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động BHTG tại Nga hướng tới xây dựng hệ thống BHTG thân thiện và cởi mở hơn đối với người gửi tiền và chủ nợ của các tổ chức tín dụng bị đổ vỡ. Việc nộp yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm, nhận quyết định chi trả, nhận tiền bảo hiểm… đều sẽ có thể thao tác trên hệ thống điện tử.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Katsunori Mikuniya – Chủ tịch IADI nhấn mạnh tầm quan trọng của IADI trong việc thiết lập các tiêu chuẩn về cơ chế BHTG; đồng thời, ông cũng chia sẻ mục tiêu chiến lược trong giai đoạn hiện tại của IADI là thúc đẩy các tổ chức BHTG quốc tế tuân thủ Bộ Nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, nghiên cứu và xây dựng chính sách về hoạt động BHTG và hỗ trợ đắc lực về mặt kỹ thuật cho quá trình hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống của các tổ chức BHTG thành viên.
Hội thảo còn có sự tham gia ý kiến từ các diễn giả là đại diện từ các tổ chức BHTG, tổ chức tài chính quốc tế, các ngân hàng TW và cả các doanh nghiệp tư nhân, v.v.
Theo ghi nhận, đại biểu tham dự diễn đàn lần này đặc biệt quan tâm đến bài tham luận của ông Stephen Murchison – Chủ tịch Hội đồng Ổn định tài chính (Financial Stability Board – FSB); Mạng lưới sáng tạo tài chính, kiêm Cố vấn Thống đốc Ngân hàng TW Canada. Ông cũng là người đã tham gia các nghiên cứu của Hội đồng Ổn định tài chính về hệ thống hóa và phân tích sự phát triển của công nghệ tài chính (fintech), xác định mức độ rủi ro và lợi ích phát sinh, đồng thời, phát triển những phương pháp tiếp cận nhận được sự đồng thuận chung của quốc tế về các quy định liên quan tới đổi mới hệ thống tài chính.
Qua các phiên tham luận, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề mới nổi như: việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại; phát triển các kênh truyền thông nhằm tăng tương tác với người gửi tiền và các chủ nợ của các tổ chức tín dụng; cũng như những thách thức đối với các tổ chức BHTG trong bối cảnh công nghệ tài chính đang phát triển mạnh mẽ.
Các diễn giả khẳng định, việc gia tăng khả năng tiếp cận của công chúng tới BHTG cần song hành với áp dụng những biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu khách hàng cá nhân, giảm thiểu tổn thất mà người gửi tiền có thể phải đối mặt.
Đ.T.T
Nguồn: