Tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc NHNN, lãnh đạo Học viện Ngân hàng và Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, đại diện các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; giảng viên, nghiên cứu viên từ các trường đại học, viên nghiên cứu.
Thông tin tại hội thảo cũng cho hay, kiều hối có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của các quốc gia đang phát triển và có tỷ lệ tiết kiệm nội địa thấp.
Đối với Việt Nam, dòng kiều hối có sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây do những yếu tố lịch sử và kinh tế. Cùng với hơn 500 nghìn lao động xuất khẩu, khoảng 4 triệu người Việt Nam (tương đương 4,5% dân số quốc gia) đang sinh sống tại nước ngoài như Mỹ (55%), Pháp (7,5%) và Australia (7,5%) thường xuyên gửi số lượng lớn kiều hối về Việt Nam.
Giai đoạn 2002-2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP, trong khi đó dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP.
Trong những năm qua, dòng kiều hối trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Ở góc độ vi mô, dòng kiều hối giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của những người nhận kiều hối, thể hiện thông qua việc hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp, đặc biệt là đầu tư sản xuất kinh doanh. Sự gia tăng trong dòng kiều hối vào Việt Nam trong thời gian qua có thể được giải thích bằng các yếu tố:
Thứ nhất, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng qua con đường định cư và xuất khẩu lao động cũng đồng thuận với việc lượng kiều hối đổ vào Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.
Thứ hai, khung chính sách và quy định pháp luật ngày càng được hoàn thiện khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh và phục vụ Tổ quốc.
Thứ ba, hệ thống chính sách quản lý ngoại hối rất thông thoáng, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài gởi tiền về nước được thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép hoạt động chi trả kiều hối cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chi trả kiều hối với mạng lưới rộng khắp cả nước.
Ngoài ra, dịch vụ chuyển tiền kiều hối ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao với sự đa dạng các hình thức chi trả như chi trả tại nhà, chi trả tại quầy, chi trả qua hệ thống ngân hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Bên cạnh chính sách quản lý ngoại hối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một trong những yếu tố quan trọng không kém trong thu hút dòng kiều hối chảy vào Việt Nam. Trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng và địa bàn cư trú, có cuộc sống ngày càng ổn định, có tiềm lực về tri thức và kinh tế, có vị trí và ảnh hưởng trong xã hội nước sở tại.
Theo nhiều chuyên gia, ngoài những tác động tích cực của dòng kiều hối đến kinh tế xã hội, không thể không nói đến những tác động tiêu cực mà nó mang lại như: Kiều hối và tình trạng đô la hóa; Kiều hối và vấn đề tiêu dùng quá mức; Kiều hối và hoạt động rửa tiền... Do đó, để tối ưu hóa nguồn vốn kiều hối phục vụ phát triển kinh tế xã hội thì cần có một hệ thống chính sách kiều hối đồng bộ và khoa học, phù hợp hơn với diễn biến và tình hình mới ở Việt Nam.
Hội thảo được đại biểu tham dự đánh giá là một diễn đàn, cơ hội để học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, từ đó tổng hợp được những ý kiến, quan điểm quý báu của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia về chính sách kiều hối tại Việt Nam. Hội thảo đã tập trung thảo luận và làm rõ được một số nội dung như vấn đề về nội hàm của kiều hối và chính sách kiều hối (bao gồm cả chính sách thu hút kiều hối và chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn kiều hối); làm rõ sự phối hợp giữa các chính sách và cơ quan quản lý trong thu hút và sử dụng kiều hối cho phát triển kinh tế xã hội cũng như đề xuất được các giải pháp đối với chính sách thu hút và chính sách sử dụng kiều hối hiện nay tại Việt Nam.