Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Toàn Thắng - Nguyên Phó Thống đốc NHNN, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Fintech NHNN, ông Tom Moyes – Giám đốc Dự án MBI cùng đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia cao cấp đến từ MBI, ADB, Công ty Kiểm toán E&Y, Tổ chức SWIFT, Công ty Indian Fintech Ấn Độ E&Y, các ngân hàng thương mại, Công ty Fintech…
Lĩnh vực Công nghệ Tài chính (Fintech) phát triển khá nhanh tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, nhận được sự quan tâm rất lớn của các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý. Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech như quy mô dân số lớn với gần 95 triệu người, tỷ lệ người dân kết nối internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao, mạng di động phủ rộng khắp cả nước, giới trẻ ưa thích công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng về công nghệ thông tin dồi dào, trong khi đó tỷ lệ người dân trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng còn ở mức thấp... Có thể thấy, bên cạnh hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp Fintech sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho việc thúc đẩy phổ cập tài chính tới số đông người dân Việt Nam, đặc biệt người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ông Nghiêm Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Fintech NHNN nhấn mạnh, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam ở khía cạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành ngân hàng - tài chính, NHNN luôn dành cho các doanh nghiệp Fintech và lĩnh vực Fintech một sự quan tâm lớn. Vì vậy, trong năm 2017, Thống đốc NHNN đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Fintech tại NHNN với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cũng như tạo một hệ sinh thái lành mạnh cho các công ty Fintech cung ứng các dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam. Trong quá trình làm việc, thảo luận, Ban Chỉ đạo đã xác định một số trọng tâm của lĩnh vực Fintech cần được ưu tiên nghiên cứu chuyên sâu, bao gồm: Các giải pháp thanh toán sáng tạo, Công nghệ chuỗi khối - Blockchain, Cho vay ngang hàng trên nền tảng công nghệ thông tin (P2P Lending), Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và định danh khách hàng điện tử (e-ID/e-KYC)... nhằm nắm bắt thông tin thực tiễn để phân tích, đánh giá tiềm năng phát triển, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, những rủi ro, thách thức có thể gặp phải, từ đó xây dựng khuôn khổ pháp lý và quản lý phù hợp đối với từng lĩnh vực.
Ông Nghiêm Thanh Sơn hy vọng, qua phần trình bày của các chuyên gia và thảo luận của các vị khách mời, các quý vị đại biểu sẽ nắm bắt thêm nhiều thông tin hữu ích về sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Blockchain và ứng dụng e-KYC trong khu vực và trên thế giới.
Thay mặt Ban chỉ đạo Fintech NHNN, ông Nghiêm Thanh Sơn cảm ơn các diễn giả đến từ Công ty Kiểm toán E&Y, Tổ chức SWIFT, Công ty Indian Fintech Ấn Độ đã nhiệt tình nhận lời tham gia, đồng thời cảm ơn sâu sắc tới các đồng nghiệp đến từ MBI, ADB, Công ty Kiểm toán E&Y Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các NHTM đối tác, Câu lạc bộ Fintech Việt Nam, FPT, VIISA và VSV đã luôn tích cực phối hợp với NHNN trong suốt thời gian vừa qua và tổ chức chương trình ý nghĩa này, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường hiểu biết của các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực Fintech, các giải pháp Fintech đổi mới, sáng tạo được ứng dụng hữu ích trong thực tiễn thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam.
Ông Tom Moyes – Giám đốc Dự án MBI/ADB trình bày tại Hội thảo
Nội dung đầu tiên được đi sâu thảo luận tại Hội thảo là Công nghệ chuỗi khối - Blockchain. Ra đời cách đây khoảng 10 năm và trở nên nổi tiếng với tư cách là công nghệ nền tảng cho rất nhiều ứng dụng phục vụ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng như chứng khoán, thanh toán, tài trợ thương mại, định danh khách hàng điện tử..., Blockchain được coi là công nghệ điển hình của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với khả năng có thể thay đổi cơ bản ngành dịch vụ ngân hàng - tài chính trong những năm sắp tới.
Blockchain là một nền tảng công nghệ giúp ghi chép dữ liệu theo phương thức sổ cái phân tán (distributed ledger) trên nền tảng các máy tính ngang hàng, sử dụng một hệ thống được mã hóa bởi các thuật toán phức tạp với cơ sở dữ liệu các bản ghi giao dịch phi tập trung, cho phép người dùng trong cộng đồng sử dụng có thể truy cập công khai nhưng không một ai có thể can thiệp, sửa đổi.
Công nghệ Blockchain có nhiều ưu điểm nổi bật như: Đảm bảo tính minh bạch nhờ khả năng lưu trữ thông tin, dữ liệu giao dịch trong các chuỗi khối được liên kết chặt chẽ, được xác thực nhanh chóng trên toàn hệ thống; Tính tin cậy cao nhờ tính năng không thể sửa đổi thông tin, dữ liệu đã lưu trong các khối lưu trữ, giúp giảm thiểu rủi ro gian lận trong giao dịch; không cần dựa vào bên trung gian thứ ba tín nhiệm để ghi nhận và xác thực giao dịch, qua đó giảm bớt chi phí, độ trễ của giao dịch; Tính bảo mật được đảm bảo nhờ việc sử dụng khóa cặp khóa bí mật (private key) và khóa công khai (public key) trong phương thức hoạt động.
Với những ưu điểm, lợi thế đó, công nghệ Blockchain được kỳ vọng mang lại những thay đổi tích cực, hứa hẹn mang tới một kỷ nguyên số cho các hoạt động tài chính - ngân hàng, có khả năng thay đổi các quy trình nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng, giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch của các dịch vụ, giảm thiểu chi phí vận hành và mang lại độ bảo mật cao cho hoạt động ngân hàng. Mặc dù việc triển khai rộng rãi công nghệ này hiện tại còn đối diện với nhiều thách thức, trở ngại, trong đó có những quan ngại về khả năng mở rộng quy mô của blockchain, khả năng tương thích của công nghệ này với các hạ tầng công nghệ thông tin hiện có, cũng như tính pháp lý của thông tin trong khối dữ liệu và của hợp đồng thông minh và những rủi ro kèm theo nó... Tuy nhiên, với nhiều ưu điểm như đã trình bày ở trên, công nghệ blockchain vẫn đang được tiếp tục phát triển để hoàn thiện các thuộc tính ưu việt và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế nói chung và trong ngành tài chính - ngân hàng nói riêng.
Ông Varun Mittal – Chuyên gia cao cấp E&Y Singapore trình bày tại Hội thảo
Nội dung thứ hai được trao đổi tại Hội thảo với chủ đề “Định danh khách hàng điện tử (e-KYC)”. Đây là một xu hướng phát triển tất yếu trong kỷ nguyên số khi nền kinh tế số trở nên ngày càng rõ nét như hiện nay. Trong xu thế đó, các ngân hàng tại Việt Nam và trên thế giới cũng đang chuyển dần từ mô hình kinh doanh truyền thống đỏi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, e-KYC ngày càng đóng vai trò quan trọng, là dịch vụ nền tảng thiết yếu cho việc phát triển mô hình ngân hàng số hiện nay tại Việt Nam. Thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, qua đối chiếu chứng từ giấy khá phiền phức, e-KYC thực hiện định danh khách hàng bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tân tiến như kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thời với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng nhờ trí tuệ nhân tạo..., giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nhân lực cho công tác này, đồng thời giúp khách hàng có trải nghiệm người dùng tốt hơn đối với dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, ứng dụng e-KYC vào thực tế cũng mở ra cơ hội giúp đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng, thuận tiện mở tài khoản không phải đến tận chi nhánh, quầy giao dịch ngân hàng, giúp người dân tiếp cận và sử dụng dễ dàng hơn dịch vụ tài chính - ngân hàng, giúp tăng cường phổ cập tài chính quốc gia nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhật một thực tế rằng hành lang pháp lý hiện hành chưa được sửa đổi đang là một trong những rào cản lớn nhất cho việc ứng dụng e-KYC nói chung và dịch vụ ngân hàng số nói riêng khi các quy định hiễn hành vẫn đòi hỏi khách hàng phải gặp mặt trực tiếp cán bộ ngân hàng khi thiết lập quan hệ giao dịch lần đầu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe những thông tin, kinh nghiệm thực tế và tư vấn về cách thức thúc đẩy hệ sinh thái Fintech như một phần của Chiến lược Tài chính Quốc gia do chuyên gia đến từ E&Y trình bày; Những cơ hội, thách thức và rủi ro khi ứng e-KYC, đồng thời cung cấp những thông tin cập nhật nhất về triển vọng về e-KYC trong khu vực do chuyên gia đến từ Ấn Độ trình bày; Chuyên gia từTổ chức SWIFT giới thiệu chủ đề về nhận diện và quản lý những rủi ro trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain; Cuối cùng là phiên thảo luận xoay quanh nội dung về việc ứng dụng e-KYC và Blockchain vào thực tiễn tại Việt Nam của các diễn giả và các vị khách mời.
Ông Arpit Ratan - Công ty Indian Fintech trình bày tại Hội thảo
Thông qua việc trao đổi cởi mở, thẳng thắn tại Hội thảo này, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị thuộc NHNN sẽ cùng nhau phối hợp để sớm đưa các công nghệ trên được ứng dụng trong thực tiễn, giúp các ngân hàng và doanh nghiệp Fintech có hành lang pháp lý đầy đủ để triển khai các giải pháp có tính đổi mới, sáng tạo, tăng sức cạnh tranh; đồng thời qua đó giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đưa các dịch vụ tài chính – ngân hàng đến gần hơn với người dân, góp phần thúc đẩy phổ cập tài chính ở Việt Nam.
NH
Ảnh: MT